Nhiều cách làm sáng tạo
Tại các buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao nỗ lực trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước của các địa phương, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân từng bước được nâng cao.
Theo ông Định, sự quyết liệt trong tinh giản biên chế đã đem lại hiệu quả rõ rệt, không chỉ giảm về số lượng, tiết kiệm chi phí, mà chất lượng đội ngũ cán bộ cũng được cải thiện; đặc biệt trong quá trình triển khai thực hiện không xảy ra tình trạng khiếu kiện, mâu thuẫn nội bộ, chứng tỏ sự đoàn kết, đồng lòng của cả hệ thống chính trị.
Đặc biệt, Quảng Ninh là tỉnh có rất nhiều cách làm sáng tạo trong cải cách bộ máy hành chính theo tiêu chí “Một tổ chức nhiều chức năng, một người làm nhiều việc”. Trong vòng 5 năm, tỉnh Quảng Ninh đã cắt giảm được 686 biên chế công chức, viên chức so với số được giao; triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với 509 thủ tục của các sở, ban, ngành cấp tỉnh.
Đến nay, 90% văn bản hành chính trao đổi giữa các cơ quan, đơn vị được thực hiện qua mạng, trong đó trên 95% văn bản có sử dụng chữ ký số. Ông Nguyễn Khắc Định cũng đánh giá cao việc tinh giản biên chế của tỉnh Hải Dương khi giảm được 208 người, trong đó chủ yếu là viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập với kinh phí thực hiện khoảng 12 tỷ đồng.
UBND tỉnh Hải Dương đã xây dựng và ban hành Đề án về vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức trong cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn, được Bộ Nội vụ phê duyệt.
Làm việc với UBND thành phố Hà Nội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, những năm qua, Hà Nội đã làm được rất nhiều việc trong công tác cải cách hành chính, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Thực tế cho thấy đội ngũ cán bộ công chức ở thành phố Hà Nội đã tiến bộ, năng động hơn rất nhiều, nhất là giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả.
Là Thủ đô của cả nước với trên 10 triệu dân, việc thực hiện cải cách hành chính vô cùng khó, nhưng Hà Nội đã làm rất tốt. Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội chỉ tính riêng đơn vị sự nghiệp cấp quận, huyện đã được giảm tới 60% thông qua việc sáp nhập các đơn vị như: Trung tâm Văn hóa và Đài phát thanh; Trung tâm giáo dục thường xuyên và Trung tâm dạy nghề, Trung tâm y tế dự phòng và Bệnh viện đa khoa…
Tinh giản biên chế cần được triển khai linh hoạt
Phân tích những khó khăn trong quá trình thực hiện cải cách bộ máy hành chính Nhà nước, các địa phương cho rằng, cơ chế, chính sách trong khu vực công lập và ngoài công lập còn bất bình đẳng, chưa huy động tốt các nguồn lực của xã hội vào việc cung ứng dịch vụ công. Chính sách tuyển dụng một lần hưởng lương suốt đời, chính sách tiền lương, tiền thưởng không gắn với hiệu quả công việc, tiêu chí đào thải chưa rõ ràng là nguyên nhân dẫn đến giảm động lực phấn đấu, mất tính cạnh tranh để nâng cao hiệu quả công tác.
Nhiều lãnh đạo cấp xã ở Hải Dương cho hay, việc thu hút nguồn nhân lực ở các khu vực miền núi rất khó do chế độ dành cho cán bộ, công chức còn thấp, không thu hút được những người có bằng cấp, trình độ; đội ngũ cán bộ làm việc có kinh nghiệm lại không đủ điều kiện để thi tuyển công chức, viên chức.
Bên cạnh đó, việc quản lý chồng chéo, thủ tục rườm rà cũng là rào cán khá lớn trong cải cách bộ máy hành chính Nhà nước cũng được các địa phương đề cập nhiều lần. Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Ngọ Duy Hiểu đề nghị Nhà nước phải lược bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết, gây mất thời gian.
“Thủ khoa xuất sắc ở các trường Đại học đã được vinh danh và nằm trong danh sách được tuyển thẳng vào các chức danh công chức, viên chức. Nhưng khi các em đến nộp hồ sơ, thành phố vẫn phải trình lên Bộ Nội vụ để ký xác nhận, nhiều trường hợp khi xác nhận xong, các em đã nhận công tác ở nơi khác vì phải chờ quá lâu”, Ông Hiển lấy ví dụ.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết sẽ tập hợp, ghi nhận những khó khăn mà các địa phương đang mắc phải để báo cáo với Quốc hội; đồng thời gợi mở nhiều giải pháp hữu hiệu trong thực hiện cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, nhất là việc nhất thể hóa các chức danh lãnh đạo như: Bí thư chi bộ và trưởng thôn nên chỉ một người đảm nhiệm; mỗi trường học có một kế toán như hiện nay là không cần thiết vì khối lượng công việc không nhiều; bộ máy y tế, nông nghiệp cấp huyện có quá nhiều đơn vị quản lý nên hoạt động không hiệu quả; cần phải hợp nhất đơn vị quản lý để công tác chỉ đạo, điều hành đạt hiệu quả…
Bên cạnh đó, việc tinh giản biên chế cũng cần được triển khai một cách linh hoạt, khoa học, phù hợp với từng địa phương, đơn vị chứ không cứng nhắc; nơi nào hoạt động không hiệu quả, có thể giảm nhiều, chỗ nào quan trọng, cần thiết thì giữ nguyên.
Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực tinh giản biên chế, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị lãnh đạo các địa phương cần lưu ý, đảm bảo việc thu hút, tuyển dụng người tài để duy trì nguồn nhân lực chất lượng cao và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kế cận…
Việc phát triển chính quyền điện tử, thành lập Trung tâm hành chính công là hướng đi hiện đại và hiệu quả; những địa phương đã thành công trong việc này như Quảng Ninh, Hà Nội tiếp tục phát huy thế mạnh, trở thành điển hình cho cả nước học theo, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.