Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc tại An Giang

Trong hai ngày 27 - 28/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải làm Trưởng đoàn, đã làm việc với tỉnh An Giang về giải quyết kiến nghị của cử tri, công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn năm 2016 và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Quang cảnh buổi làm việc.

Theo báo cáo của UBND tỉnh An Giang, năm 2016, các ý kiến, kiến nghị của cử tri trong tỉnh chủ yếu tập trung làm rõ trách nhiệm thuộc chức năng, thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành mà cử tri kiến nghị nhiều lần, kiến nghị tồn đọng và những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong cử tri, nhân dân thời gian gần đây như: giá nông sản bấp bênh, vật tư nông nghiệp kém chất lượng, xử lý vi phạm về đất đai…

Đối với các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang giao UBND tỉnh An Giang trả lời. Trên cơ sở các kiến nghị này, UBND tỉnh An Giang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị kịp thời nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết, trả lời cơ bản đầy đủ, rõ ràng; trực tiếp ký văn bản trả lời, bảo đảm thời gian theo quy định của pháp luật. Quá trình giải quyết những vấn đề liên quan đến nhiều lĩnh vực đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, địa phương trên cơ sở cộng đồng trách nhiệm.

Tuy nhiên, việc giải quyết kiến nghị của cử tri còn hạn chế trong phân định giữa vấn đề cần nghiên cứu, giải quyết với việc giải trình thông tin đến cử tri còn chưa rõ ràng, cụ thể. Một số sở, ngành trả lời kiến nghị của cử tri còn chậm, còn để tồn đọng, giải quyết chưa dứt điểm các kiến nghị tại các kỳ họp trước…

Là một tỉnh biên giới, với gần 100 km đường biên giới giáp với hai tỉnh Takeo và Kandal (Campuchia), có 5 cửa khẩu (hai cửa khẩu quốc tế, hai cửa khẩu quốc gia và một cửa khẩu phụ) cùng hệ thống đường mòn lối mở, lưu lượng người, phương tiện hàng hóa qua lại biên giới, cửa khẩu mua bán, trao đổi với số lượng lớn. Mỗi ngày có từ 600 - 800 lượt người và từ 100 - 200 lượt phương tiện thủy bộ xuất nhập cảnh.

Năm 2016, công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh An Giang vẫn còn diễn biến phức tạp. Tính đến hết năm 2016, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện vi phạm, xử lý 5.947 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu. Tổng giá trị hàng hóa bắt giữ là 89,4 tỷ đồng; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và bán hàng hóa tịch thu trên 44 tỷ đồng (giảm 29,4% so cùng kỳ năm 2015).

Lực lượng chức năng đã kiểm tra, bắt giữ 222 trường hợp sản xuất, kinh doanh hàng giả, vi phạm về chất lượng, đo lường, gian lận về thuế, giá trị hàng hóa vi phạm là 983 triệu đồng; xử phạt vi phạm hành chính trên 6,2 tỷ đồng...

Công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế bởi một bộ phận lớn người dân ở khu vực biên giới do không có nghề nghiệp ổn định, thiếu đất sản xuất nên đã tham gia vào đường dây vận chuyển hàng lậu. Hiện địa phương chưa có biện pháp xử lý triệt để vấn đề này.

Tỉnh kiến nghị, cần nghiên cứu, ban hành Thông tư liên tịch về địa bàn hoạt động, trách nhiệm trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; hướng dẫn xử lý đối với các đối tượng vận chuyển thuốc lá lậu không thể chấp hành quyết định xử phạt do số đối tượng này hầu hết là dân nghèo…

Về kết quả tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, An Giang đã tổ chức tiếp 9.291 lượt người, trong đó tiếp dân thường xuyên 6.959 lượt người; tiếp dân định kỳ và đột xuất của lãnh đạo 2.332 lượt người. Trong năm 2016, tỉnh đã giải quyết được 341/453 đơn khiếu nại, đạt 75,28%; giải quyết 30/37 đơn tố cáo, đạt 81,08%; thực hiện 22/30 kết luận giải quyết tố cáo.


Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của An Giang trong việc theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo việc giải quyết kiến nghị cử tri, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang đã có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo giải quyết các vụ việc phức tạp, tồn đọng của tỉnh đã mang lại hiệu quả cao.

Bà Nguyễn Thanh Hải cho rằng, quy trình giải quyết các vụ việc đã được các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh An Giang đảm bảo đúng quy định. Tuy nhiên vẫn có vụ việc cần giải quyết có tình, có lý, cân nhắc đảm bảo quyền lợi chính đáng của công dân.

Bà Nguyễn Thanh Hải yêu cầu UBND tỉnh An Giang bổ sung, hoàn thiện lại báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; làm rõ những tồn tại trong việc áp dụng luật hiện hành vào thực tế và đề xuất sửa đổi phù hợp với tình hình thực tiễn. Đoàn công tác đã ghi nhận, tập hợp ý kiến, đề xuất của tỉnh về tháo gỡ khó khăn trong thực hiện Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Bộ Luật hình sự năm 2015 để tập hợp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trước đó, sáng 27/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khảo sát thực tế công tác phòng, chống buôn lậu tại Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (An Giang).

Tin, ảnh: Công Mạo/TTXVN
Đoàn giám sát Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm việc tại Bắc Giang
Đoàn giám sát Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm việc tại Bắc Giang

Ngày 22/3, Đoàn giám sát Hội đồng Dân tộc của Quốc hội do, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành làm Trưởng đoàn, đã làm việc tại tỉnh Bắc Giang về kết quả thực hiện phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển; phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi và vùng cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN