Đoàn Giám sát của Quốc hội chất vấn ngành giáo dục Hà Nội

Nhiều thành viên trong Đoàn Giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã chất vấn về việc cất nhắc, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ quản lý giáo dục của Thủ đô.

Chiều 23/2, tại Hà Nội, Đoàn Giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình làm trưởng đoàn đã làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội về vấn đề đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của Thủ đô. 

Trước tình hình gần đây xảy ra một số vụ việc liên quan đến vấn đề quản lý giáo dục, mất an toàn trong trường học, liên quan đến đạo đức nhà giáo như: Vụ việc ở Trường Tiểu học Nam Trung Yên; vụ học sinh lớp 12 bị bỏng trong giờ thực hành ở Trường THPT Phan Đình Phùng; cô giáo dùng dép đánh vào đầu trẻ ở cơ sở mầm non Sen Vàng... nhiều thành viên trong Đoàn Giám sát đã chất vấn về việc cất nhắc, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ quản lý giáo dục; công tác tuyển dụng, bồi dưỡng, đảm bảo chất lượng nhà giáo, chất lượng giáo dục của Thủ đô.

Giải trình tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội đánh giá đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý của Thủ đô đủ về số lượng, trình độ đào tạo, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ở một số nơi về cơ cấu còn chưa đồng bộ, chất lượng chưa đồng đều giữa các khu vực, vùng miền. 

Công tác quản lý ở một số đơn vị chưa đạt yêu cầu nhiệm vụ đề ra, còn để xảy ra các hiện tượng quản lý thu chi, tổ chức dạy thêm học thêm không đúng quy định; quy chế dân chủ chưa được thực hiện đầy đủ... Một số giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, còn hạn chế về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và lòng yêu nghề.

Nguyên nhân của tình trạng này được lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội nêu ra là do vấn đề về cơ chế, chính sách với đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, nhất là ở khu vực nội thành có mức sinh hoạt cao. Hơn nữa, mức lương giáo viên như hiện nay chưa thu hút được học sinh giỏi theo học các trường sư phạm.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng, hiện ngành giáo dục chịu sức ép của hội nhập quốc tế, quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong điều kiện hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục cần phát huy vai trò tự chủ và trách nhiệm quản lý, nâng cao chất lượng giảng dạy, lòng yêu nghề. 

Trăn trở về thực trạng đội ngũ giáo viên hiện nay, ngành giáo dục đã đáp ứng được yêu cầu hay chưa? Làm sao để thu hút được học sinh giỏi thi vào trường sư phạm? Ông Phan Thanh Bình nhấn mạnh, muốn đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục thì trước hết cần đổi mới giáo dục phổ thông, nâng cao chất lượng giảng dạy, chất lượng đội ngũ giáo viên. Chất lượng quản lý giáo dục không tốt ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, do đó cần phát huy tính tự chủ, dân chủ và trách nhiệm của các nhà trường, cơ sở giáo dục.

Xuân Tùng (TTXVN)
Tiếng chuông cảnh báo vấn đề 'dạy làm người' từ vụ Hiệu trưởng trường Nam Trung Yên
Tiếng chuông cảnh báo vấn đề 'dạy làm người' từ vụ Hiệu trưởng trường Nam Trung Yên

Những ngày vừa qua, dư luận hết sức bất bình về một số sự việc vi phạm chuẩn mực đạo đức của giáo viên, từ việc thiếu trung thực của một Hiệu trưởng cho đến hành vi đánh trẻ của giáo viên mầm non.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN