Một trong những nhiệm vụ đặt ra để bộ máy hoạt động hiệu quả là rà soát, quy định chặt chẽ hơn về biên chế, số lượng cán bộ, công chức, viên chức; chú ý quy định số lượng cấp phó tối đa của mỗi tổ chức phù hợp với đặc điểm của từng cấp, từng ngành, từng địa phương. Trên thực tế, sắp xếp bộ máy tổ chức luôn gắn với vấn đề cán bộ, nhân sự và đây mới là vấn đề phức tạp. Ai ở, ai đi, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý “dôi dư” vào đâu luôn là vấn đề nóng đối với không chỉ người trong cơ quan, đơn vị mà cả dư luận bên ngoài.
Có một tâm lý tồn tại “bất thành văn” là vào được biên chế trong cơ quan Nhà nước gắn liền với hai từ “ổn định” cho dù mức thu nhập tuy không thấp nhưng cũng không cao, trừ một số ít vị trí được coi là “màu mỡ” thì pháp luật yêu cầu phải luân chuyển sau một khoảng thời gian công tác để phòng chống tham nhũng. Tâm lý đó vô hình chung tạo nên một sức ỳ và phản ánh phần nào việc đánh giá, phân chia thu nhập vẫn mang tính cào bằng.
Mặt khác, vào được biên chế cũng có nghĩa rất khó bị đuổi việc, trừ khi cố ý vi phạm một lỗi rất nghiêm trọng. Ngay cả với cán bộ quản lý, lãnh đạo, hễ đã “lên” thì ít khi “xuống” nếu không bị kỷ luật. Quy định để đánh giá, bổ nhiệm, bãi nhiệm cán bộ không thiếu. Nhưng thực tế triển khai còn có sự nể nang, né tránh vì ngại động chạm, hoặc vì các mối quan hệ, lợi ích nhóm đan xen nên các bản tổng kết cuối năm của mỗi cá nhân hầu hết là hoàn thành tốt nhiệm vụ, cho dù kết quả công việc của tập thể ấy chỉ “lẹt đẹt”.
Chính vì vậy, câu chuyên tinh giản biên chế đã được đặt ra từ lâu nhưng báo cáo giám sát của Quốc hội về vấn đề này đã cho thấy biên chế chỉ có “phình ra” chứ không được thu gọn dù trải qua không ít lần sắp xếp bộ máy. Số cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phó “vượt khung” cũng có phần nguyên nhân từ việc sáp nhập các đơn vị nên đặt ra vấn đề “giải quyết chế độ”.
Biên chế tăng, “lạm phát” cán bộ hưởng phụ cấp lãnh đạo, quản lý dẫn đến quỹ lương mà ngân sách Nhà nước phải chi trả ngày càng cao. Nợ công đã chạm ngưỡng mà chi ngân sách thường xuyên hàng năm để nuôi bộ máy cồng kềnh chiếm tỷ lệ lớn. Lộ trình tăng lương cơ bản cho cán bộ, công chức, viên chức từ nguồn ngân sách Nhà nước lẽ ra đã có thể thực hiện đúng nếu chúng ta thực hiện được tinh giản biên chế.
Lần này, Trung ương Đảng đã xác định việc sắp xếp, tinh giản bộ máy và biên chế sao cho hiệu quả là một nhiệm vụ cấp bách và quan trọng hàng đầu. Báo cáo giám sát của Quốc hội cũng chỉ ra đối tượng tinh giản được thống kê lại mới tập trung vào nhóm người nghỉ hưu trước tuổi (chiếm 90%), mà chưa tinh giản được đúng đối tượng là người người có đạo đức công vụ, trình độ năng lực yếu kém. Nguyên nhân được đoàn giám sát nhấn mạnh là chưa có cơ chế bảo đảm gắn quyền hạn với trách nhiệm, chưa có chế tài tương ứng để người đứng đầu có thể thực hiện mạnh mẽ việc đổi mới tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế.
Thực tế cho thấy, không khó để người đứng đầu đơn vị nhận ra cán bộ dưới quyền mình ai là người có đạo đức công vụ, trình độ năng lực yếu kém. Bởi vậy, trong cả hai trường hợp nhận ra được cán bộ yếu kém mà không kiên quyết tinh giản hoặc không nhận ra được cán bộ yếu kém để tinh giản, thì đều cần có cơ chế để gắn quyền hạn với trách nhiệm người lãnh đạo đơn vị ấy.