Bộ trưởng Lê Minh Hoan:

Nếu gỡ thẻ vàng IUU nhưng không bền vững thì sẽ bị áp dụng thẻ vàng khác

Việt Nam có thể đạt mục tiêu gỡ thẻ vàng IUU trong lần đánh giá thứ 4 của Ủy ban Châu Âu vào tháng 10/2023 tới không? Đây là một trong những vấn đề nóng được đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra chiều 15/8.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn tại Phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) nêu rõ, thẻ vàng IUU không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến uy tín, vị thế quan hệ ngoại giao của nước ta. Đến nay đã gần 6 năm, nước ta vẫn chưa gỡ được thẻ vàng. Dự kiến, Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ tiến hành đánh giá lần 4 trong tháng 10 tới và nước ta đặt mục tiêu gỡ thẻ vàng trong lần đánh giá này.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, vấn đề gỡ thẻ vàng IUU,  mục tiêu cuối cùng là giữ gìn trữ lượng và tính đa dạng sinh học trên vùng biển. Nếu gỡ thẻ vàng nhưng tính bền vững không được đảm bảo, thì sẽ bị áp dụng thẻ vàng khác.  

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, so sánh với Philippines hoặc Thái Lan, cấu trúc ngành hàng của các quốc gia này bền chặt hơn Việt Nam, từ ngư dân tới doanh nghiệp được xây dựng hệ sinh thái ngành hàng. Các quốc gia này sử dụng các biện pháp rất mạnh, như đánh đắm tàu vi phạm quy định. 
Trong khi đó ở Việt Nam, gần 60% vi phạm ở các địa phương vẫn chưa được xử lý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chuyển danh sách này tới Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng khẳng định, đã đến lúc phải xử lý nghiêm nếu không sẽ không đủ sức răn đe, không có sự thay đổi.

Video bên hành lang Quốc hội ý kiến của đại biểu Nguyễn Chu Hồi - Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng nói về phiên chất vấn Bộ trưởng Lê Minh Hoan:

Trả lời đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh) về việc giao, cho thuê mặt biển còn nhiều bất cập, vướng mắc? Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn bám sát theo xu thế phân cấp, phân quyền, tăng cường năng lực cho đội ngũ lãnh đạo địa phương. Một quy trình xin vùng biển để thực hiện nuôi trồng phải làm việc với nhiều bộ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cam kết sẽ rà soát lại toàn bộ vấn đề này để thực hiện cải cách các thủ tục hành chính như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua, đảm bảo đơn giản hóa đồng thời vẫn đáp ứng được các yêu cầu về an ninh quốc phòng, môi trường, cảnh quan, mật độ nuôi trồng.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nêu rõ, nuôi biển là một cách giảm khai thác, nên đối tượng ưu tiên đầu tiên chính là các ngư dân mà chúng ta mong muốn giảm lượng tàu khai thác, sau đó đến các doanh nghiệp, hoặc các doanh nghiệp thì phải có hệ sinh thái của những người dân, để đảm bảo người ngư dân tự nguyện không tham gia khai thác. Như vậy việc nuôi biển mới có thể thành công, hướng tới hai mục tiêu phát triển kinh tế và giảm lượng khai thác. 

Về vấn đề chuyển đổi nghề, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có quyết định 288 và kế hoạch hoạt động về chuyển đổi nghề. Tuy nhiên vẫn có khuyết điểm là hơi chậm, chính sách chưa rõ ràng, chưa tạo thành cú hích để hướng tới mục tiêu giảm khai thác, tăng nuôi trồng. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục xem xét, đối thoại với những người dân trong diện chuyển đổi, trong diện không cho khai thác do cường độ cao, để có các phương án cụ thể, khả thi cho vấn đề này. Có thể lựa chọn phương án bà con lên bờ, nhưng vẫn duy trì nuôi biển, nuôi trồng cạn, hoặc nuôi ở ven bờ với cường độ đảm bảo được về môi trường. Ngoài ra, có thể chuyển hẳn sang nghề khác, tạo điều kiện cho bà con làm du lịch biển, hoặc làm việc trong các khu công nghiệp. Mỗi đối tượng đều phải có chính sách cụ thể kèm theo, không nên đưa ra chính sách chung chung. 

Bài và video: V.Tôn/Báo Tin tức
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 3 ‘biến’ lớn
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 3 ‘biến’ lớn

Phát biểu tại phiên chất vấn của Thường vụ Quốc hội chiều 15/8, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm, trong đó có việc bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN