Bộ trưởng Lê Thành Long: Nợ, chậm ban hành văn bản tồn tại từ lâu chưa được giải quyết

Tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật đã diễn ra trong nhiều năm chưa được khắc phục, gây khoảng trống pháp luật. Đây là một trong những vấn đề tồn tại đã lâu, được một số đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/8.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Trả lời đại biểu Trần Thị Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh) về tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, việc nợ chậm ban hành văn bản là vấn đề từ lâu chưa được giải quyết dứt điểm. Số văn bản nợ, chậm của từng năm có sự tăng giảm nhất định. Tuy nhiên, năm 2021, số lượng văn bản nợ, chậm tăng.

Cũng theo Bộ trưởng Lê Thành Long, trong thời gian qua, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã tiến hành giám sát, Tổng Thư ký Quốc hội cũng có báo cáo về vấn đề này. Tuy nhiên số liệu chưa tương đồng. Vì vậy, cần rà soát, nghiên cứu để đảm bảo tương thích về các chi tiết.

Về tổng thể, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định tình trạng chậm, nợ văn bản là sự thật. Dù đã rất cố gắng, nhưng có những Nghị định nợ lâu, chưa xử lý được, ví dụ như Nghị định về tổ chức đại diện của người lao động và thương lượng tập thể; Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản, an ninh mạng…

Phân tích nguyên nhân, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, do có quá nhiều nội dung giao quy định chi tiết, hoặc một số Nghị quyết có hiệu lực ngắn, cần cấp tốc ban hành Nghị quyết thay thế…
Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng Lê Thành Long chi biết: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về một số giải pháp khắc phục vướng mắc, bất cập trong công tác xây dựng văn bản pháp luật, trong đó có các quy định đảm bảo tính kỷ luật hành chính trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. 

Tham gia chất vấn tại phiên họp, đại biểu Hoàng Ngọc Định (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang) cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 04/NQ-CP về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay, cơ sở pháp lý để ban hành văn bản phân cấp chỉ có ở Điều 13 Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Trong thực tế, một số văn bản quy phạm pháp luật có giao địa phương thực hiện phân cấp, một số văn bản không giao phân cấp nên thực tiễn đã xuất hiện một số vấn đề.

Theo đó, nếu chỉ thực hiện phân cấp trong phạm vi được giao tại văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương sẽ không đẩy mạnh được hoạt động phân cấp như mong muốn. Chính vì vậy, đại biểu cho rằng cần thiết phải có văn bản quy phạm pháp luật quy định riêng về phân cấp để tạo cơ sở pháp lý cho địa phương đẩy mạnh hoạt động này, bảo đảm đúng quy định pháp luật, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương và thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về đề xuất, giải pháp đã nêu trên? 

Trả lời chất vấn đại biểu liên quan đến nguồn lực trong công tác xây dựng pháp luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, hiện cả nước có khoảng 10.000 người làm công tác pháp chế, trong đó gần 7.000 người hoạt động kiêm nhiệm. Có 89 tổ chức pháp chế ở trung ương và địa phương là 65 phòng pháp chế. 

Về lực lượng pháp chế, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, nếu so sánh với khối lượng công việc của các bộ, ngành hiện nay có thể thấy số lượng cán bộ làm việc trong lĩnh vực này rất mỏng, rất ít và khó đáp ứng được yêu cầu. Một số bộ, ngành có tâm lý không ưu tiên cho lĩnh vực pháp chế. Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo Nghị định 55 sửa đổi, trong đó điều quan trọng nhất là xây dựng chức danh “pháp chế viên” từ đó có cơ sở xây dựng chính sách cho đội ngũ này.

V.Tôn/Báo Tin tức
Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp
Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp

Tiếp tục Phiên họp thứ 25, sáng 15/8/2023, tại Nhà Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Tư pháp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN