Đây cũng là một trong những vấn đề nóng được một số đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trong Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đại biểu Đồng Ngọc Ba (Đoàn ĐBQH Bình Định) kiến nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp cần giải pháp nâng cao chất lượng hậu kiểm, đảm bảo tính khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa nhận hiện tuổi thọ văn bản quy phạm pháp luật, các luật đang ở mức thấp. Về sự chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng cần nhìn nhận cụ thể.
Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Giao thông đường bộ liên quan đến chi vốn đầu tư công, một số điều kiện liên quan đến kinh doanh có những vướng mắc nhất định trong Luật Đầu tư, quy mô khu đô thị có những vướng mắc liên quan đến Nghị định 15, giá trị hàng hóa dịch vụ để tính giảm giá với hàng hóa có ví dụ cụ thể trong Nghị định 31.
Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, liên quan đến trách nhiệm thẩm định, Bộ Tư pháp đã có nhiều cố gắng, nhưng mới chỉ đạt được mức độ kết quả nhất định. Hệ thống pháp luật của chúng ta rất đa dạng các hình thức, Bộ Tư pháp đang cố gắng phát huy cơ chế của hội đồng thẩm định, nhưng không phải trong mọi trường hợp hội đồng thẩm định đều hoạt động tốt, vì có nhiều trường hợp đối tượng được mời cử đại diện đến làm việc. Bên cạnh đó, những nỗ lực để đơn vị pháp chế của các bộ, ngành, địa phương đóng góp thêm vào công tác này đã đạt được một số kết quả cụ thể.
Bộ trưởng Lê Thành Long cũng cho biết, việc tuyển chọn nhân sự làm công tác xây dựng pháp luật cần có các chế độ ưu tiên, đồng thời thực hiện nhiều giải pháp để thu hút nhân tài, giữ chân nhân lực. Đó là những giải pháp Bộ đang thực hiện để nâng cao hiệu quả công tác thẩm định. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp vẫn đang chịu nhiều áp lực công việc, khi có những yêu cầu, chỉ đạo thẩm định trong vòng 2, 3 ngày.
Liên quan đến vấn đề giám định tư pháp, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, đây là việc Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực hết sức quan tâm. Luật Giám định tư pháp năm 2012 đã có sửa đổi bổ sung 6 nhóm vấn đề trực tiếp triển khai các chỉ đạo cụ thể của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.
Hiện nay, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục có những chỉ đạo hết sức cụ thể. Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, thẩm quyền bổ nhiệm giám định viên phải trực tiếp, cần cân nhắc Điều 26 về thời hạn giám định, cần phù hợp với Bộ luật Tố tụng hình sự trong các trường hợp giám định bắt buộc…
Ngoài ra, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng cho rằng, cần xem xét, sửa đổi khoản 1 Điều 6 của Luật Xử lý vi phạm hành chính để kéo dài thời hạn xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp sau này phát hiện chưa đủ yếu tố truy tố trách nhiệm hình sự. Cần nghiên cứu xã hội hóa các lĩnh vực giám định theo Nghị quyết 49; làm rõ các vấn đề về kinh phí, chi phí, trách nhiệm trưng cầu giám định của các giám định viên.