Năm 2023, ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Một số chuyên gia kinh tế kỳ vọng, quý IV/2022 sẽ có nhiều cơ hội cho sự bứt tốc của nền kinh tế. Tuy nhiên dự báo năm 2023, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn đòi hỏi Việt Nam tiếp tục nắm bắt tình hình, phát huy hơn nữa những thành quả đạt được, dự báo tốt và tiếp cận với thị trường quốc tế để có giải pháp ứng phó phù hợp.

Linh hoạt chính sách để kinh tế phục hồi

Chú thích ảnh
Bà Đặng Thị Dung - Phó Giám đốc Công ty sản xuất thủ công mỹ nghệ Chiến Thắng, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội giới thiệu sản phẩm mây tre đan với ông Nguyễn Đăng Kỳ - Giám đốc Agribank chi nhánh huyện Chương Mỹ Hà Nội I.

Khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy, dự kiến quý IV/2022 có gần 49% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý III/2022, gần 34% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

Nhiều doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị linh hoạt để ứng phó với những biến động của thị trường, cùng sự thay đổi của nhiều yếu tố trong sản xuất kinh doanh để hướng tới hoàn thành kế hoạch của năm nay.

Từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình thế giới biến động rất nhanh, phức tạp, chưa có tiền lệ, khó khăn khi xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam phải đối mặt với những áp lực căng thẳng cả trong và ngoài nước. Trên thế giới, sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột Nga - Ukraine kéo dài; lạm phát thế giới tăng cao, xu hướng tăng lãi suất của nhiều nền kinh tế lớn. Ở trong nước, Việt Nam đối mặt với áp lực lạm phát tăng cao. Giá xăng dầu, nguyên vật liệu tăng cao, tình hình thiên tai bão lũ ngày càng bất thường.

Chú thích ảnh
Công ty cổ phần thực phẩm Tiên Viên, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội.

Theo nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH), công tác điều hành của Chính phủ dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn hệ thống chính trị đã vào cuộc, năng động, ứng phó với tình hình. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong điều kiện gặp nhiều khó khăn. CPI bình quân 9 tháng năm 2022 tăng 2,73%, ước cả năm khoảng 4%. Tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2022 đạt 8,83%; ước cả năm đạt khoảng 8% (trong khi mục tiêu chúng ta đặt ra là 6 - 6,5%).

Chú thích ảnh
Ông Trần Hoàng Ngân, ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội.

Đáng mừng là thu ngân sách nhà nước (NSNN) 9 tháng năm 2022 đạt 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ; ước cả năm vượt 14,3%, tăng 2,9% so với năm 2021. “Tôi đánh giá cao việc trong bối cảnh nhiều khó khăn như vậy nhưng ngành Tài chính vẫn đảm bảo được nguồn thu ngân sách, thậm chí dự kiến cả năm sẽ tăng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) để có nguồn lực thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội”, ĐBQH Trần Hoàng Ngân, đoàn TP Hồ Chí Minh cho biết.

Năm 2022 dự kiến tăng trưởng của Việt Nam có thể đạt trên 8%. “Tuy nhiên, chúng ta phải so sánh con số này với hai năm 2020 và 2021 tăng trưởng thấp do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Song, những nỗ lực của Việt Nam đã được thế giới ca ngợi trong bối cảnh có rất nhiều yếu tố bất định, xung đột chính trị, lạm phát, chính sách tỷ giá, chính sách tiền tệ của Mỹ làm biến động thị trường tiền tệ, ngoại hối trên thị trường thế giới, vẫn ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát”, trao đổi bên lề kỳ họp Quốc hội, ĐB Trần Hoàng Ngân cho biết.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho biết thêm: “Thời gian tới sẽ còn nhiều khó khăn, đòi hỏi chúng ta tiếp tục nắm bắt tình hình, phát huy hơn nữa những thành quả đạt được, dự báo tốt và tiếp cận với thị trường quốc tế để có giải pháp ứng phó phù hợp. Năm 2023, Việt Nam hướng tới mục tiêu tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế”. 

Thời gian tới, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vẫn còn gặp khó khăn, do vậy, theo ĐBQH Trần Hoàng Ngân, Việt Nam cần tăng thêm các chính sách hỗ trợ, trong các chính sách hỗ trợ đó có Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt giải ngân nhanh gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Đề cập về tiến độ triển khai gói hỗ trợ lãi suất, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: Đến hết tháng 8/2022, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất khoảng 10.700 tỷ đồng với gần 580 khách hàng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất 9.820 tỷ đồng và số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng dự kiến 13,5 tỷ đồng. Qua báo cáo nhanh đến hết tháng 9/2022, số tiền hỗ trợ lãi suất của toàn hệ thống đạt khoảng 26 tỷ đồng.

“Trong quá trình triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, ngân hàng và người đi vay đều gặp những khó khăn, nên tiến độ giải ngân rất thấp. Theo tôi, cần chuyển nguồn này sang hỗ trợ miễn giảm thuế phí, gia hạn thuế, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, có như vậy, chúng ta mới tạo được thanh khoản cho doanh nghiệp, tạo động lực và Chính phủ chia sẻ với doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay giá cả đang có những biến động mạnh”, ĐBQH Trần Hoàng Ngân chia sẻ.

Theo ĐBQH Trần Hoàng Ngân, ưu tiên hàng đầu của Việt Nam năm 2023 không phải là tăng trưởng, mà giữ cho được ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt, chứ không phải thắt chặt, chính sách tài khoá mở rộng hợp lý; có trọng tâm trọng điểm trên cơ sở tăng chi đầu tư phát triển nhưng giảm tiết kiệm lễ hội, liên hoan. 

Chú thích ảnh
ĐBQH Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng 27/10, ĐBQH Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) cho biết: "Mặc dù năm 2023 còn gặp nhiều thách thức, nhưng tôi có niềm tin về kế hoạch đặt ra của Quốc hội, Chính phủ do Việt Nam đã có những giải pháp mạnh mẽ nhằm hạn chế các tác động tiêu cực của nền kinh tế thế giới".

Theo ông Phạm Văn Thịnh, Việt Nam đã tăng đầu tư công lên rất cao, tăng 34% so với năm 2022; Chính phủ đã quyết định tăng lương cơ sở cho người lao động ở khu vực công. Đây là những hỗ trợ cho tăng trưởng trong bối cảnh suy giảm nhu cầu tiêu dùng trên cả thế giới.

"Mặc dù, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nâng lãi suất huy động nhưng Chính phủ đã triển khai gói hỗ trợ lãi suất. Việc nâng lãi suất điều hành nhằm đảm bảo cho giá trị của VNĐ trong tương quan với giá trị đồng USD; khuyến khích các ngân hàng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, giảm chi phí giúp cho nền kinh tế nâng cao năng cạnh tranh", ĐBQH Phạm Văn Thịnh cho biết.

Chính phủ cũng đặt ra vấn đề cải cách những bất hợp lý trong việc phân cấp, phân quyền, trong cải cách chính sách, đảm bảo thủ tục hành chính thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp; thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt giảm chi phí vốn cho nền kinh tế, tăng vòng quay của dòng tiền, tăng tổng phương tiện thanh toán. "Với các chính sách đó sẽ hỗ trợ giảm thiểu các tác động tiêu cực từ nền kinh tế thế giới nên tôi tin tưởng năm 2023, Việt Nam sẽ vượt được những thách thức đặt ra", ĐBQH Phạm Văn Thịnh kỳ vọng.

Kiềm chế lạm phát nhằm thúc đẩy tăng trưởng

Chú thích ảnh
Ông Vũ Tiến Lộc, ĐBQH thành phố Hà Nội trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội.

Trao đổi bên lề Quốc hội, ông Vũ Tiến Lộc, ĐBQH Hà Nội cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế gặp những khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19, mọi chính sách cần cân nhắc và cẩn trọng. Thời gian gần đây, biến động của giá xăng dầu thế giới do ảnh hưởng bởi xung đột địa chính trị giữa một số quốc gia đã ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế trong nước; đặc biệt là tới hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp.

“Diễn biến giá xăng dầu kéo dài đã gây bất lợi, vì đây là yếu tố đầu vào của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu kéo theo giá cả của các mặt hàng lương thực, thực phẩm, các hàng hóa, dịch vụ khác cũng ở mức cao, khó giảm thấp, gây trở ngại lớn cho mục tiêu kiềm chế lạm phát”, ĐBQH Vũ Tiến Lộc cho biết. 

Những băn khoăn lo lắng của người dân, doanh nghiệp về việc điều hành chính sách bình ổn giá xăng dầu là có cơ sở. Gần đây nhất, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc có đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với một số sản phẩm thuộc mặt hàng này. Quốc hội cũng đã đề nghị Chính phủ làm rõ thực trạng cung cấp xăng dầu; phân tích nguyên nhân khách quan và chủ quan trong điều hành giá xăng dầu để rút ra bài học kinh nghiệm và có giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp khi giá xăng dầu thế giới nhiều khả năng tiếp tục có những diễn biến bất lợi trong tương lai. Cùng với đó, làm rõ các tồn tại trong chỉ đạo điều hành và kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu; khi giá xăng dầu giảm, giá cả nhiều mặt hàng vẫn tăng cao, đặc biệt là các mặt hàng đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, lương thực, thực phẩm… làm ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.

“Trước áp lực lạm phát gia tăng thì đó đang là mối lo lắng lớn nhất hiện nay. Mục tiêu hàng đầu trong năm tới phải là kiềm chế lạm phát. Đây là việc quan trọng nhất. Nếu để lạm phát gia tăng thì sẽ không ổn. Đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này, ở thời điểm hiện nay, theo tôi là cần thiết bởi đó có thể sẽ là yếu tố giảm đà lạm phát gia tăng”, ĐBQH Vũ Tiến Lộc chia sẻ.

Trước đó, đại diện Bộ Tài chính dự báo: CPI bình quân năm 2022 tăng khoảng 3,27 - 3,51%, thấp hơn so với nhiều nước và khu vực trên thế giới. Tuy nhiên, với sức ép từ giá cả thế giới và một số yếu tố trong nước như tăng lương cơ sở, chi đầu tư công tăng… dự báo sẽ có áp lực lớn cho lạm phát năm 2023 ngay từ đầu năm. 

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trần Quốc Phương, năm 2023, bên cạnh sức ép từ giá cả thế giới, kinh tế trong nước cũng có những yếu tố tác động lạm phát như: Tăng lương cơ sở, chi tiêu đầu tư công tăng mạnh… “Chưa bao giờ tăng lương mà không tác động đến kỳ vọng tăng giá”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết và giải thích đó là lý do Bộ Kế hoạch Đầu tư đề xuất đặt mục tiêu lạm phát năm 2023 là 4,5%, cao hơn năm 2022.

Clip chia sẻ bên lề của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV của một số ĐBQH về nỗ lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 và những thách thức năm 2023: 

 

Bài, ảnh, clip: Minh Phương/Báo Tin tức
Thách thức khi đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6,5 - 7% giai đoạn 2021 - 2025
Thách thức khi đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6,5 - 7% giai đoạn 2021 - 2025

Mặc dù, sau gần 3 năm chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng bước sang năm 2022, kinh tế Việt Nam đã vượt qua khó khăn, thách thức và phục hồi mạnh mẽ. 9 tháng qua, tăng trưởng GDP đạt 8,83%. Dự kiến cả năm 2022, tăng trưởng GDP đạt từ 7,5 - 8%, vượt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra từ 6 - 6,5%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN