Mưa ngâu sớm 1 tháng
Mưa ngâu là tên gọi của những cơn mưa rả rích, liên tiếp, xuất hiện vào đầu tháng 7 Âm lịch hàng năm tại Việt Nam, gắn với gắn liền với truyền thuyết Ngưu Lang – Chức Nữ. Trong dân gian vẫn có câu tục ngữ “vào mùng 3, ra mùng 7”, có nghĩa là mưa sẽ xuất hiện vào các ngày mùng 3 đến mùng 7, 13 đến 17 và 23 đến 27 Âm lịch. Đặc điểm là các cơn mưa thường không liên tục, nhưng kéo dài rả rích. Vì vậy mới có cụm từ “trời mưa sụt sùi” để chỉ hiện tượng mưa ngâu.
Ở góc độ khí tượng, mưa ngâu xảy ra do dải hội tụ nhiệt đới đi qua khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ, gây ra mưa trên diện rộng. Đặc điểm của mưa ngâu là mưa rải rác, từng cơn, từng ngày, có ngày mưa nhiều, có ngày mưa ít.
Năm nay mưa ngâu đến sớm hơn 1 tháng so với mọi năm. |
Các năm trước, mưa ngâu thường đến khá muộn vì biến đổi khí hậu hoặc vào các năm hạn hán, chịu ảnh hưởng của El Nino thì không có. Theo ông Hải, năm nay mưa ngâu đến sớm hơn một tháng âm lịch và nửa tháng dương lịch. Ngay đầu tháng 6 Âm lịch (tháng 7 Dương lịch), dải hội tụ nhiệt đới đã xuất hiện ở Bắc bộ, Bắc Trung bộ, gây ra mưa ngâu. Ông Hải cũng nhận định, đây cũng là tín hiệu cho thấy năm nay sẽ là năm mưa bão khó lường.
Năm nay có khoảng 13 cơn bão trên biển Đông
Mùa mưa năm nay cũng được nhận định đến sớm hơn trung bình nhiều năm. Tháng 6/2018, khu vực trung du, miền núi phía Bắc gánh chịu đợt mưa lũ kỷ lục. Trong nửa đầu tháng 7, khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Trị lượng mưa cũng vượt so với cùng kỳ các năm. Riêng các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh lượng mưa vượt 2-4 lần so với cùng kỳ các năm.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn, dự báo số lượng bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên khu vực Biển Đông có khả năng tương đương so với trung bình nhiều năm (TBNN) (tổng cộng cả năm khoảng 12-13 cơn) và 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền đến đất liền nước ta, ít hơn so với TBNN (5-6 cơn). Xu thế chung là bão/ATNĐ hoạt động nhiều nhưng yếu ở Bắc Biển Đông vào đầu mùa, ít nhưng mạnh vào nửa cuối mùa. Không nhiều như năm 2016 và 2017 cả về số lượng và cường độ.
Các đợt mưa lớn ở Bắc Bộ tập trung trong các tháng 7-8/2018. Thời điểm kết thúc mùa mưa có khả năng sớm hơn TBNN. Từ tháng 9 đến cuối năm 2018 lượng mưa ở mức thấp hơn TBNN. Các đợt mưa lớn, trái mùa vẫn có thể xuất hiện ở Bắc Bộ.
Đỉnh lũ lớn nhất năm ở các sông thượng lưu hệ thống sông Hồng có khả năng ở mức BĐ2- BĐ3, thấp hơn năm 2017; trên sông Thái Bình ở mức BĐ1- BĐ2, cao hơn năm 2017. Trên các sông suối nhỏ, đỉnh lũ có khả năng vượt mức BĐ3. Mực nước đỉnh lũ năm hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội thấp hơn BĐ1; hạ lưu sông Thái Bình ở mức BĐ1.
Ở Trung Bộ có tổng lượng mưa ở mức TBNN đến tháng 9/2018, sau đó có xu thế giảm hơn so với TBNN từ tháng 10-12/2018. Cao điểm mùa lũ ở Trung Bộ sẽ có lượng mưa ở mức thấp hơn so với 2016, 2017.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có tổng lượng mưa tháng 7-9/2018 cao hơn TBNN cùng thời kỳ. Từ tháng 10-12/2018 ở mức thấp hơn TBNN. Thời điểm kết thúc mùa mưa có khả năng sớm hơn so với TBNN.
Mùa lũ trên các sông ở Trung Bộ, Tây Nguyên phù hợp quy luật hàng năm. Đỉnh lũ năm 2018, ở đầu nguồn sông Cửu Long ở mức BĐ2 và trên BĐ2, thời gian xuất hiện đỉnh lũ năm vào khoảng nửa đầu tháng 10/2018.
Những tháng cuối năm 2018, các vùng biển phía Bắc thường có sóng lớn do chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc. Tại các tỉnh, thành phố ven biển miền Đông Nam Bộ, trong tháng 12/2018 xuất hiện ngập lụt trong khu vực đô thị do ảnh hưởng của triều cường kết hợp với nước dâng do gió mùa Đông Bắc.