Lập lại trật tự vỉa hè: Không để 'bắt cóc bỏ đĩa' - Bài cuối

Thực tiễn công tác lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè trong suốt thời gian qua tại TP Hồ Chí Minh cho thấy, để giải quyết căn cơ không chỉ có biện pháp ra quân xử phạt, tháo dỡ công trình vi phạm.

ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP


Công tác lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè quan trọng nhất là hỗ trợ và tạo chuyển biến trong ý thức chấp hành của người dân.


Thí điểm khu ẩm thực tập trung theo giờ


Là nơi tiên phong trong “cuộc chiến” giành lại sự thông thoáng cho vỉa hè, quận 1 hiểu rõ tầm quan trọng của việc tạo chuyển biến trong ý thức người dân, kêu gọi sự đồng tình ủng hộ của người dân và các đơn vị.


Ông Trần Thế Thuận, Chủ tịch UBND quận 1 cho biết: “Chủ trương của thành phố trong việc tổ chức lại vỉa hè không phải đẩy đuổi người dân mà làm cho người dân ủng hộ chủ trương, tạo điều kiện để hộ nghèo ổn định cuộc sống một cách bền vững, lâu dài. Trên cơ sở đó quận 1 đang thực hiện 2 phương thức hỗ trợ người dân bao gồm việc chuyển đổi nghề nghiệp ổn định, có thu nhập cao hơn, tổ chức lao động hợp lý hơn cho người dân và xây dựng đề án khu ẩm thực tập trung theo giờ”.

Sau khi trả lại vỉa hè cho người đi bộ, người dân mong mỏi có nhiều điểm giữ xe giúp ổn định công việc kinh doanh và cuộc sống thường nhật. Ảnh: Lê Nghĩa

“Tại quận 1, nhất là phường Bến Thành, Bến Nghé tập trung nhiều nhà hàng, khách sạn, cơ quan nên nếu để việc buôn bán vỉa hè tràn lan sẽ làm mất mỹ quan đô thị nhưng nếu dẹp bỏ hết cũng sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Vì thế quận 1 đã đề xuất thành phố được thí điểm lập khu ẩm thực theo giờ và có kiểm soát nhằm đưa các hộ dân nghèo tại quận 1 vào buôn bán. 

Tại khu ẩm thực tập trung, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tập huấn người dân về vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả hàng hoá. Tuy nhiên nếu đưa hết các hộ nghèo, cận nghèo vào khu ẩm thực cũng không phải là giải pháp khả thi nên quận 1 đang tính đến phương án tái bố trí, ưu tiên cho người dân có quá trình buôn bán nhiều năm không có điều kiện chuyển đổi nghề nghiệp vào vỉa hè rộng trên 3m mà thành phố cho phép sử dụng tạm một phần”, ông Trần Thế Thuận chia sẻ thêm.


Đối với đường Bùi Viện thuộc phường Phạm Ngũ Lão, lãnh đạo UBND quận 1 cho biết, xuất phát từ nhu cầu của đông đảo du khách nước ngoài nên quận 1 đang đề xuất thành phố thành lập phố đi bộ Bùi Viện trên cơ sở học tập một số nơi trong nước và nước ngoài, đáp ứng sinh hoạt của du khách nước ngoài. Phạm vi giới hạn phố đi bộ Bùi Viện có thể định hình khu vực đường Đỗ Quang Đẩu - Đề Thám - Bùi Viện.


Cùng với đó, quận 1 đang đề xuất thành phố xây dựng tour du lịch để khách du lịch đến phố Tây, đường âm nhạc, phố ẩm thực, chợ phiên cuối tuần, qua đó kết nối với các điểm du lịch truyền thống trước đây. Nếu được thành phố thông qua, dự kiến các đề án kể trên sẽ được triển khai trong quý 2/2017.


Liên quan đến vấn đề đi bộ, UBND TP Hồ Chí Minh đang xây dựng kế hoạch phong trào đi bộ trên toàn địa bàn nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường trong tình hình xe gắn máy gia tăng chóng mặt, qua đó nâng cao sức khoẻ cho người dân, tạo văn hoá cư dân đô thị. Theo kế hoạch, giai đoạn 1 (trong năm 2017) sẽ thí điểm tại quận 1, quận 3, giai đoạn 2 (2018 - 2019) tiếp tục tại quận 1, mở rộng ra quận 5, 6 gắn với tuyến xe buýt nhanh và giai đoạn 3 (2019 - 2020) triển khai đến toàn địa bàn thành phố để sau năm 2020 thực hiện đại trà vào các hoạt động của cộng đồng.


Xã hội hóa xây dựng bãi giữ xe


Sau khi nhiều quận huyện ra quân quyết quyết liệt lập lại trật tự lòng lề đường, đặc biệt là quận 1 và quận 3, nhiều xe ô tô đã “dạt” vào các trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng, khách sạn… với phí gửi ít nhất từ 20.000 đồng/lượt đối với xe ô tô trong 3 giờ đầu cho đến 200.000 đồng cho xe ô tô gửi qua đêm. Đơn cử như cao ốc Kumho Asianna Plaza nhận giữ xe với giá giữ ô tô 10.000 đồng/chiếc trong 3 giờ đầu tiên, bãi giữ xe ở Saigon Center có giá 20.000 đồng/xe trong 3 giờ đầu tiên, bãi giữ xe tại số 2 đường Hải Triều, thu phí 15.000 đồng đối với xe máy cho giờ đầu tiên….


Bà Tăng Thị Thu Lý, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (Samco) cho biết, bãi giữ xe cao tầng của Samco đã hết công suất từ cuối năm 2016 với gần 500 chỗ đậu xe ô tô, phí giữ xe 2 triệu đồng/tháng, trong đó có đến 70% cá nhân thuê, còn lại là doanh nghiệp. Sắp tới Samco dự tính sẽ đầu tư thêm phục vụ cho khách vãng lai vì nhu cầu đậu xe khu vực trung tâm đang rất lớn nhưng chỗ gửi lại vô cùng khan hiếm. Trong khi đó, tòa nhà giữ xe 5 tầng ở đường Chế Lan Viên, quận Tân Phú (ngoại thành) có giá giữ xe khoảng 1,3 triệu đồng/tháng, sức chứa khoảng 1.500 chỗ vẫn chỉ mới khai thác không quá 40% công suất.


Do sức chứa tầng hầm giữ xe tại các cao ốc hạn chế nên nhiều xe ô tô không biết phải đi đâu, buộc phải đậu đỗ trên lòng lề đường, sử dụng cả trạm xăng dầu hoặc nhà của chủ xe để lưu đậu qua đêm. Không quá khó để bắt gặp nhiều xe ô tô đậu hàng dài trên các tuyến đường khu vực trung tâm như Lý Tự Trọng, Bùi Thị Xuân, Mạc Đĩnh Chi, Alexandre De Rhodes, Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng... thậm chí ngay cả trước công viên Lê Văn Tám.


Cũng do thiếu bãi đậu nên hàng trăm taxi phải “tá túc” tại địa chỉ 58 Trường Sơn (quận Tân Bình) và bãi đất trống đường Hồng Hà (sát đường vào ga Quốc tế) nên vào giờ cao điểm, gây kẹt xe nghiêm trọng khu vực ra vào sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất. Chưa kể dọc các tuyến đường lân cận sân bay như Thăng Long, Phan Thúc Duyện, Cửu Long... xe taxi, uber, grab, xe ô tô cá nhân và xe tải nhỏ đậu tràn lan, gây ùn tắc vào giờ cao điểm.


Theo Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, trong phạm vi bán kính 500m khu vực trung tâm thành phố (tính từ trụ sở UBND thành phố) có 59 công trình cao tầng có 1 – 5 tầng hầm để xe như toà nhà Kumho Asianna Plaza, khu phức hợp Eden, cao ốc Sài Gòn Center... Dự tính ngoài khả năng đáp ứng chỗ đậu xe cần thiết cho các toà nhà thì 59 công trình cao tầng kể trên vẫn có thể dành khoảng khoảng 95.000m2 diện tích để đáp ứng nhu cầu để xe công cộng cho khoảng 1.323 xe ô tô và 2.749 xe máy.


Hiện nay khu vực trung tâm thành phố đang triển khai 4 dự án bãi đậu xe ngầm (sân khấu Trống Đồng, sân vận động Hoa Lư, công viên Tao Đàn, Lê Văn Tám) với nhiều hình thức. Tuy nhiên nhanh nhất cũng phải đến năm 2019 mới có thể đưa vào khai thác, đáp ứng được 6.291 xe ô tô và 3.916 xe máy của người dân khi hoạt động tại khu vực trung tâm thành phố. Do mức phí đậu xe dưới lòng đường thấp, chỉ tính theo lượt với mệnh giá 5.000 đồng/lượt và không giới hạn thời gian đậu xe trong khi các bãi đậu xe có mức giá cao nên xảy ra tình trạng đậu xe tràn làn dưới lòng đường tại khu vực trung tâm, gây ùn tắc.


Thế nhưng các dự án bãi đậu xe ngầm khu vực trung tâm đến nay đã hơn 10 năm vẫn chỉ nằm trên giấy. Nguyên nhân là thủ tục đầu tư rườm rà, hay điều chỉnh, chưa xác định được đơn giá thuê đất, chủ đầu tư yếu công nghệ, thiếu vốn do dự án được lập cách đây gần 10 năm nay phải tính toán lại, điều chỉnh giá khiến tổng mức đầu tư tăng vọt. Trong khi đó, khả năng thu hồi vốn từ dự án thấp do các cơ quan chức năng quy định phí đậu xe, nhà đầu tư không có quyền quyết định mức phí này... Trên thực tế đã có nhiều chủ đầu tư “nản chí” và bỏ cuộc sau thời gian triển khai như tại dự án bãi đậu xe ngầm tại sân vận động Hoa Lư và công viên Tao Đàn.


Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết: Chủ trương của thành phố là xã hội hoá đầu tư bãi giữ xe, trong đó khó nhất là các dự án bãi giữ xe ngầm. Theo quy hoạch, tại khu vực trung tâm thành phố (quy mô 930ha) sẽ có 8 bãi đậu xe ngầm với sức chứa khoảng 15.000 xe ô tô. Nhiều nhà đầu tư quan tâm nhưng hơn 8 năm qua chưa thể triển khai được. 


Riêng 4 dự án bãi đậu xe ngầm hiện nay (sân khấu Trống Đồng, công viên Lê Văn Tám, Tao Đàn, sân vận động Hoa Lư) đang làm thủ tục. Tuy nhiên do phải sử dụng công nghệ hiện đại nên suất đầu tư dự án bãi đậu xe ngầm lớn nên các chủ đầu tư vẫn chưa thể tính toán được phương án thu hồi vốn, nhất là khi ấn định tỷ lệ sử dụng 30% tầng bãi được kinh doanh thương mại còn 70% còn lại làm chỗ đậu xe. Vì thế sắp tới Sở Giao thông Vận tải sẽ phải tính toán lại, tham mưu cho UBND thành phố đưa ra tỷ lệ hợp lý nhằm khuyến khích các chủ đầu tư làm dự án.


Trần Xuân Tình (TTXVN/Tin Tức)
Lập lại trật tự vỉa hè: Không để 'bắt cóc bỏ đĩa' - Bài 2
Lập lại trật tự vỉa hè: Không để 'bắt cóc bỏ đĩa' - Bài 2

Chủ trương và cách làm quyết liệt của quận 1 tạo sức lan tỏa tới các quận, huyện khác tại TP Hồ Chí Minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN