Đó là một tín hiệu rất tích cực đối với một công việc mà bao năm qua chúng ta đã mất không ít công sức, tiền của mà không mang lại kết quả nào. Những thất bại đó không chỉ đánh dấu bằng việc không thực hiện được mục tiêu của các địa phương mà còn làm giảm hiệu năng quản lý của chính quyền dẫn tới tình trạng “nhờn luật” trong công tác quản lý đô thị.
Người dân trên phố Hồ Tùng Mậu (Hà Nội) chấp hành để xe theo vạch kẻ sơn tạo thông thoáng cho vỉa hè. Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN |
Dù nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nhiều năm đã xác
định chủ đề hành động là “năm đô thị” nhưng rút cục diện mạo đô thị vẫn
lộn xộn, kém văn minh do nhiều nguyên nhân, nổi bật nhất là tệ nạn lấn
chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh, trông giữ xe… Nhiều chuyên gia về quản
lý đô thị cho rằng, muốn có diện mạo đô thị văn minh thì phải lập lại
trật tự đô thị, trong đó việc làm cho đường thông, hè thoáng là tiên
quyết. Biết thế nhưng khi bắt tay vào việc mới thấy lực cản xuất hiện từ
nhiều phía.
Có loại lực cản rất to như Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ ra: “Tôi thống kê, hơn 180 quán bia vỉa hè thì có trên 150 quán bia có công an đứng đằng sau... các bí thư, chủ tịch quận ngồi đây dám cam đoan với tôi các điểm trông giữ xe dưới phường, các bãi đỗ xe có người nhà của bí thư, chủ tịch không? Có đấy. Các đồng chí phải quán triệt, về bảo người nhà thôi thì sẽ đỡ đi rất nhiều rồi...".
Cái nguyên nhân sâu xa khiến chúng ta bao nhiêu lần ra quân với trống giong cờ mở nhưng cuối cuối vẫn lại là số 0 đã được người đứng đầu chính quyền Thủ đô điểm mặt đã đủ thấy rằng việc “đòi lại vỉa hè” thực sự là một cuộc chiến cam go, dai dẳng và phức tạp. Đó chính là cuộc chiến với tệ nạn “tham nhũng vỉa hè”, “tham nhũng vặt”, “lợi ích nhóm”; và cũng là cuộc chiến với “nền kinh tế vỉa hè” hàm chứa biết bao hệ lụy khôn lường về an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, sự phản cảm và xuống cấp của văn hóa, đạo đức… Đây có thể là lực cản lớn nhất mà chiến dịch “đòi lại vỉa hè” đang phải đương đầu.
Do đó, để chiến dịch “đòi lại vỉa hè” đi đến thành công thì buộc chúng ta phải nhìn nhận lại và kiện toàn đội ngũ của mình. Đó là những cán bộ, công chức trực tiếp làm việc với dân phải thật sự tận tâm vì nhiệm vụ, có cách ứng xử thật gương mẫu và trong sáng; chính quyền cơ sở phải thật sự nghiêm minh; cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để tham gia vận động người dân, giám sát việc làm của cán bộ công chức và chính quyền. Chính quyền cần phát hiện những cá nhân có hiện tượng tiêu cực như Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chỉ ra để xử lý nghiêm; cần loại bỏ những cán bộ, công chức, những người thi hành công vụ có hành vi “đứng sau’ các vi phạm khỏi bộ máy công quyền.
Trong quá trình lập lại trật tự đô thị và “đòi lại vỉa hè” cũng xuất hiện những hành vi lợi dụng việc này để trục lợi. Chẳng hạn như ở TP Hồ Chí Minh, những bãi trông xe đã tự ý nâng giá cao khi nhu cầu gửi xe tăng lên do người dân không còn được để xe ở vỉa hè. Những hành vi như vậy không chỉ gây thêm khó khăn cho người dân mà còn gây thêm lực cản vào chiến dịch “đòi lại vỉa hè”; cần phải được xử lý nghiêm minh. Có thể ở đâu đó đã xuất hiện sự nể nang khi phải cưỡng chế, giải tỏa một hộ kinh doanh nào đó, cũng gây nên lực cản trong sự đồng thuận xã hội. Do vậy, để cho chiến dịch đi đúng hướng, nhằm trúng mục tiêu, mọi việc xử lý cần công khai, minh bạch và bình đẳng trước pháp luật.
Chỉ có như vậy chiến dịch “đòi lại vỉa hè” mới được người dân ủng hộ và tự giác chấp hành pháp luật; mới có động lực vững chắc để đi tới mục tiêu thắng lợi.