Lao đao bám vỉa hè mưu sinh

Đời sống của người dân mưu sinh trên vỉa sẽ ra sao nếu nguồn sống chủ yếu của họ dần bị thu hẹp và có nguy cơ biến mất hoàn toàn?

Sau hơn 1 tháng chấn chỉnh trật tự đô thị, trả lại vỉa hè cho người đi bộ đã được chính quyền tại các quận, huyện, xã trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nghiêm túc và hiệu quả, vỉa hè đô thị dường như đã đi vào quy củ. Thế nhưng, đời sống của người dân mưu sinh bằng cách "bám" vỉa hè sẽ ra sao nếu nguồn sống chủ yếu của họ dần bị thu hẹp và có nguy cơ biến mất hoàn toàn?

Chị H.T, buôn bán trên vỉa hè đường Lê Văn Quới (quận Bình Tân) bộc bạch: “Gần 1 tháng nay, gia đình tôi nơm nớp lo sợ mất chỗ mưu sinh, buôn bán phập phồng, người mua cũng ngại vì chẳng dám mua hàng trên vỉa hè. Cả gia đình tôi chẳng có bữa cơm nào ngon trong vòng 1 tháng qua”.

Chị Hường đầy lo lắng khi không còn chỗ để mưu sinh trên vỉa hè.

Chị Hường, một trong những người buôn bán vỉa hè nơi đây chia sẻ thêm, để có chỗ bán trên vỉa hè, chị phải thuê lại mặt bằng từ những hộ có nhà mặt tiền với giá từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng/tháng. Điều đáng nói, những người cho thuê mặt bằng nói với chị đây là phần đất của gia đình chừa ra để đậu xe nhưng không có nhu cầu sử dụng; còn chính quyền lại cho rằng, những gánh hàng rong như thế này đang lấn chiếm vỉa hè.

“Tiền thuê mặt bằng chúng tôi phải trả cho chủ nhà, nhưng chính quyền lại không cho bán, chúng biết sống như thế nào?” Chị Hường rươm rướm nước mắt.

Chị Minh thuộc hộ gia đình nghèo tại tỉnh Phú Yên lên Thành phố Hồ Chí Minh mưu sinh dẫn theo 3 đứa con đang tuổi ăn học. Chồng chị làm thợ hồ chẳng may bị tai nạn trong lúc làm việc qua đời để lại 3 đứa con nhỏ. Cuộc sống mưu sinh nơi thôn quê khó khăn nên mẹ con chị dắt díu nhau vào Sài Gòn lập nghiệp. Chị thuê trọ ở tận quận Bình Chánh để giảm thiểu chi phí, đứa lớn được bà chủ nhà trọ thương tình cho nhập khẩu, nên đang đi học lớp 3, 2 đứa nhỏ ở nhà tự chơi với nhau.


Chị Minh đi làm từ 3 giờ sáng, bắt xe buýt ra chợ đầu mối lấy bông hoặc rau (ngày rằm bán bông, ngày thường lại bán rau), sau đó đạp xe hơn 10km tới đường Lê Văn Quới để bán. Theo lời chị kể, sở dĩ chị chọn con đường này buôn bán là vì nó thuộc khu dân cư đông đúc, lượng khách hàng đông và giá bán ở đây cũng ổn định hơn so với các nơi khác. Thế nhưng, từ ngày chính quyền không cho phép buôn bán trên vỉa hè nữa, chị đi tìm công việc khác. Khổ nỗi, cô không biết cái chữ, chẳng có trình độ chuyên môn nên xin làm công nhân cũng không đủ tiêu chuẩn.

Cấm bán vỉa hè, nhiều người phải ra đường đứng bán để kiếm tiền trang trải cuộc sống qua ngày.

Vóc dáng hao gầy, tần tảo, đội sương đội nắng nên cái người nó đen đúi, chị xin làm thuê thì bị từ chối vì sợ chị là người xấu. Xin rửa chén, nấu ăn ở quán cơm thì họ chê đen, dơ nhìn “thấy ghê”, sợ làm khách ăn tại quán phản cảm. Chính vì vậy, chị vẫn phải bất chấp ngồi bán rau lề đường để kiếm sống mưu sinh. Nhưng chính quyền làm gắt quá nên việc buôn bán giờ đây cũng rất khó khăn.

“Nhìn con tôi đói mấy hôm nay mà ruột nó đau, sáng nó nhịn đói đi học, trưa nó về ăn cơm với xì dầu”, chị Minh chia sẻ.


Chị Kiều, bán hàng rong trên phường Bình Hưng Hòa, cho biết: “Nếu nhà nước cho bọn tôi bán chỉ 1m2 trên vỉa hè thôi cũng được. Chị nhìn đó, trong đây cột điện không à, người đi bộ đâu có đi vào đó. Chúng tôi bán trong 1m2 thôi, nếu tôi lấn ra 1m2 đó, tôi sẽ chịu phạt. Hoặc chính quyền thu phí mặt bằng, thuế buôn bán gì đó tôi cũng chịu, nhưng xin đừng xua đuổi chúng tôi. Đó là nguồn sống duy nhất của gia đình chúng tôi”.


Nhiều ý kiến cũng cho rằng, vỉa hè của người đi bộ là hoàn toàn đúng. Nhưng vỉa hè không chỉ dành cho người đi bộ, nó còn là cuộc sống mưu sinh của những người dân nghèo từ vùng nông thôn đến đô thị nhằm tìm kiếm cho mình một cuộc sống tốt đẹp hơn. Vì thế, nhà nước cần có những chính sách tối ưu hơn cho những người bán hàng rong để họ có cuộc sống tốt đẹp hơn.


Đồng thuận ý kiến này, mới đây Quận 1 cũng đã có phương án sắp xếp và bố trí công ăn việc làm cho người bán hàng rong.  Đây là quận đi đầu trong việc lập lại trật tự vỉa hè tại TP Hồ Chí Minh thời gian qua.


Ông Trần Thế Thuận, Chủ tịch UBND quận 1 cho biết, quận đã khảo sát và phân loại bà con theo những nhóm tiêu chuẩn khác nhau. Trong đó, những người còn trong độ tuổi lao động sẽ được dạy nghề phù hợp. Quận cũng vận động các mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí cho bà con trong thời gian đi học. Với những người ngoài độ tuổi lao động, quận phối hợp với các tổ chức đoàn thể, hội phụ nữ giới thiệu việc làm.


"Chủ trương của quận là dạy nghề phải phù hợp với trình độ của mọi người. Riêng các chị em, chúng tôi sẽ giới thiệu việc làm thêm tại nhà hoặc dịch vụ giúp việc nhà", ông Thuận cho hay.


Bài và ảnh: Thảo Uyên
Đòi lại vỉa hè: Cần sự trong sáng và nghiêm minh
Đòi lại vỉa hè: Cần sự trong sáng và nghiêm minh

Chiến dịch “đòi lại vỉa hè” cho người đi bộ đã lan rộng trên nhiều thành phố lớn trên cả nước, từ TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội tới Vinh, Cần Thơ...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN