Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình, làm rõ một số ý kiến đại biểu Quốc hội nêu.
Tăng cường liên kết vùng phục vụ kinh tế - xã hội
Bày tỏ đồng tình với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025..., đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) cho rằng, qua 3 năm thực hiện, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương, nghiêm túc triển khai thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu các nghị quyết của Quốc hội với nhiều kết quả tích cực.
Đại biểu tỉnh Lạng Sơn nhất trí cao với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách về các giải pháp triển khai kế hoạch đầu tư công trong hai năm còn lại, trong đó có nội dung đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo và dành nguồn lực cho công tác chuẩn bị đầu tư, khắc phục tình trạng vốn chờ dự án, đảm bảo tính sẵn sàng của các dự án có thể triển khai ngay khi được bố trí vốn năm 2024, năm 2025.
Đại biểu cũng nhấn mạnh, phát triển vùng là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng ta trong quá trình phát triển đất nước nhằm khai thác, phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế của các vùng và các địa phương trong cả nước để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ được đánh giá là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng vẫn là vùng trũng trong phát triển và lõi nghèo của cả nước, liên kết vùng còn yếu.
Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Quốc hội, Chính phủ đã dành nhiều sự quan tâm, nguồn lực để tập trung phát triển vùng trung du và miền núi phía Bắc, thể hiện trong các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã quan tâm đưa các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, qua đó cải thiện đáng kể sự kết nối giữa các vùng trong cả nước.
Theo đại biểu, để tăng cường liên kết vùng, trước hết cần có sự liên kết giữa các tỉnh. Từ thực tiễn địa phương, đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu xem xét, đưa dự án nâng cấp, cải tạo, mở rộng quốc lộ 1B kết nối Lạng Sơn, Thái Nguyên vào danh mục đầu tư công những năm tiếp theo.
Có chính sách phù hợp hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân
Nhất trí với những đánh giá trong Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện dự toán ngân sách năm 2023 và kế hoạch tài chính ngân sách 2024, đại biểu Khương Thị Mai (Nam Định) ghi nhận, năm 2023, dù trong bối cảnh khó khăn nhưng với sự đồng hành của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nền tài chính quốc gia đạt kết quả tích cực.
Nhất trí với các giải pháp mà Chính phủ đề ra, đại biểu Khương Thị Mai nhấn mạnh giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế, chính sách tài khóa kết hợp chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để phát triển kinh tế tư nhân.
Theo đại biểu Khương Thị Mai, hiện nay 95% doanh nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Để đạt mục tiêu đến năm 2025 có 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có 60-70% doanh nghiệp lớn và vừa, đại biểu Khương Thị Mai đề nghị cần cải cách thủ tục hành chính, ổn định môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền; rà soát, thu gọn chính sách hỗ trợ, các chính sách đưa vào triển khai phải tăng tính khả thi, đủ "lớn" để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Cùng với đó, đại biểu tỉnh Nam Định đề xuất Chính phủ có chính sách tổng thể nâng cao năng suất lao động quốc gia gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng tỉ trọng các ngành có giá trị cao, sử dụng công nghệ cao.
Cân đối nguồn thu cho chính quyền địa phương
Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre) đánh giá, trong chỉ đạo điều hành, Chính phủ đã rất quyết liệt, năng động, thực hiện nhiều chính sách, giải pháp để có nguồn ngân sách thực hiện các chương trình đề ra. Đồng thời, Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp miễn giảm thuế, phí, giúp thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tuy nhiên cũng làm ảnh hưởng tới chính quyền địa phương khi bị giảm nguồn thu.
Đại biểu cho rằng, để bù đắp lại các khoản chính quyền địa phương phải giảm theo chính sách của Chính phủ, cần tạo điều kiện cho địa phương có thể thu ở các lĩnh vực khác để cân đối hài hòa giữa thu và chi ở các địa phương. Đại biểu nêu ví dụ, với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hoặc các tỉnh ven biển, có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng gió, cần tạo điều kiện cho các tỉnh phát triển lĩnh vực này để có nguồn thu bù đắp.
Hoặc đối với 21 tỉnh, thành phố phía Nam có lợi thế là có nguồn thu cao từ xổ số kiến thiết, nguồn này cũng phục vụ cho đầu tư công. Quá trình chi từ nguồn này, theo chính sách của Chính phủ, hiện đang dành hết cho giáo dục, y tế, xây dựng nông thôn mới. Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn đề nghị nên để Hội đồng nhân dân của các tỉnh, thành phố quyết định việc sử dụng nguồn thu từ xổ số kiến thiết cho những công trình có vai trò quan trọng với phát triển kinh tế của địa phương.
Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về đầu tư công
Phát biểu làm rõ một số ý kiến được đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, một nền tài chính vững mạnh phải dựa trên một nền kinh tế phát triển. Về chính sách tài khóa, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, Chính phủ đang thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, nghĩa là chính sách tài khóa thâm hụt thì phải giảm thuế nhưng vẫn tăng chi ngân sách.
Trong 3 năm qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và Quốc hội giảm các loại thuế, dự kiến năm nay giảm khoảng 200 nghìn tỷ đồng. Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, đây là nỗ lực rất lớn. Sau khi giảm thuế, để tiếp tục giữ cán cân tài khóa, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, phải đưa vào nền kinh tế 347 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Về dự toán tình hình ngân sách năm 2023, Bộ trưởng thông tin, đến ngày 30/10, thu ngân sách đã đạt 85%. Đối với một số ý kiến của đại biểu về việc tăng thu từ tiền đất, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, thu từ tiền đất và khoản thu từ dầu thô còn rất nhỏ, thu ngân sách chủ yếu từ vai trò của sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là thu nội địa.
Về vấn đề giải ngân đầu tư công, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, đến nay mới giải ngân đạt được 57% theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, còn nếu theo cả Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các địa phương thì mới giải ngân được 52%.
"Vấn đề đặt ra là tại sao giải ngân thấp như vậy trong khi nền kinh tế đang khát vốn? Vấn đề có phải từ Luật Đầu tư công không?", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc băn khoăn.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận định, nếu không sửa Luật này thì chúng ta vẫn tiếp tục vướng mắc trong giải ngân đầu tư công, do đó đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật.