Bên lề Quốc hội: Cần xác định rõ tính sở hữu với condotel

Ngày 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Bên lề Kỳ họp, đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đã trao đổi với phóng viên TTXVN về một số nội dung liên quan đến các sản phẩm bất động sản chưa được "đặt tên" như condotel, officetel, shophouse…

Chú thích ảnh
Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau). Ảnh: Viết Tôn/Báo Tin tức

Đại biểu đánh giá thế nào đối với các quy định về condotel, officetel, shophouse… trong dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)?

Hiện nay, quan hệ trong kinh doanh bất động sản xuất hiện nhiều yếu tố mới, như quan hệ giữa nhà đầu tư với sàn giao dịch, quan hệ giữa người mua nhà với chủ đầu tư theo quy định mới. Ngoài ra, nhiều vấn đề phát sinh như chế độ pháp lý đối với của condontel và officetel…

Thực tế đây là những quan hệ trên đặt ra từ lâu và lần này trong Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có đề cập tới. Tuy vậy, theo tôi, vấn đề liên quan như quy định về condotel, officetel… chưa được giải quyết dứt điểm.

Theo đại biểu, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) cần chú ý những gì để phát triển các loại hình bất động sản trên theo kịp đòi hỏi thực tiễn?

Đối với loại hình bất động sản như condontel và officetel…, điều quan trọng nhất trong dự thảo cần quy định rõ về chế độ pháp lý liên quan đến tính sở hữu.

Cho dù loại hình sản phẩm bất động sản nào, luật cần định nghĩa rõ là loại hình gì, đương nhiên không phải nhà ở. Câu chuyện ở đây là người mua bỏ tiền ra hoặc là dịch vụ hoặc là tài sản, luật cần xác định tính sở hữu. Theo đó, nếu không xác lập quyền sở hữu của người mua như cách chiếm hữu, cần thừa nhận quyền sử dụng của họ như quyền sở hữu, tức là họ được quyền định đoạt quyền sử dụng có thời hạn.

Như officetel và codontel không phải là bất động sản vĩnh viễn, tuy nhiên trong thời gian sử dụng, người mua có đầu tư thì họ có quyền chiếm hữu, định đoạt. Đây là hình thái phát triển mới trong quan hệ kinh doanh bất động sản nên cần phải có quy định chặt chẽ, làm cơ sở pháp lý cho giao dịch và các hoạt động kinh doanh bất động sản phát triển.

Trước những khó khăn kéo dài của thị trường bất động sản, có ý kiến cho rằng, nhóm này cần được đưa vào danh mục giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT). Đại biểu nhận định thế nào về tính khả thi của đề xuất này?

Về nguyên tắc, khi nào Nhà nước khuyến khích các quan hệ kinh tế nào đó, Nhà nước có chính sách miễn giảm về nội dung đó. Như chính sách khuyến khích xuất khẩu, tăng xuất khẩu thì Nhà nước ban hành chính thuế suất bằng 0.

Tương tự như vậy, với nguyên tắc đó, việc đưa nhóm bất động sản được đưa vào danh mục giảm thuế suất thuế VAT cần đánh giá kỹ; theo đó, cần chứng minh rõ tác động của chính sách trong việc đóng góp cho tăng trưởng, có giá trị cho xã hội, như với condontel hay officetel thì Nhà nước có muốn khuyến khích không, lúc đó mới đặt câu chuyện miễn giảm. Bởi, chính sách thuế là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô nên cần tính toán một cách cẩn trọng và tường minh.

Uyên Hương - Diệp Anh/TTXVN (Thực hiện)
Ngày 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về phát triển kinh tế - xã hội
Ngày 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về phát triển kinh tế - xã hội

Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ngày 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội; thảo luận dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN