Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được đông đảo cử tri Thừa Thiên - Huế quan tâm theo dõi. Nhiều cử tri đánh giá các đại biểu đặt câu hỏi và các Bộ trưởng trả lời rất thẳng thắn, không né tránh những thiếu sót, hạn chế và đưa ra những giải pháp thiết thực để giải quyết. Đặc biệt nhiều đại biểu đã tranh luận sôi nổi để làm rõ các vấn đề mà cử tri quan tâm.
Cử tri Nguyễn Thị Oanh, phường An Đông, thành phố Huế cho rằng, dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến ngành giáo dục. Nhiều học sinh, sinh viên phải tạm dừng đến trường trong nhiều tháng liên tiếp và chuyển từ hình thức học trực tiếp sang trực tuyến, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và đời sống của giáo viên. Tại phiên trả lời chất vấn sáng nay, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã giải trình và đưa ra nhiều giải pháp có tính hiệu quả, phù hợp để nâng cao chất lượng dạy và học qua trực tuyến, thực hiện đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo trong điều kiện dịch COVID-19; chuyển đổi số trong ngành giáo dục; giảm tải chương trình học cho học sinh; tình trạng thiếu giáo viên tại vùng sâu, vùng xa.
Theo cử tri Nguyễn Thị Oanh, mặc dù còn nhiều hạn chế, thách thức nhưng việc dạy học trực tuyến, học qua truyền hình là giải pháp khả quan nhất trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Để nâng cao hiệu quả dạy và học trực tuyến cùng với việc đầu tư về thiết bị, đường truyền, sự nỗ lực của giáo viên trong đổi mới phương pháp dạy học, sự đồng hành của phụ huynh có vai trò quyết định sự thành công của hình thức dạy và học trên internet, trên truyền hình. Các thầy cô giáo cần tổ chức giờ học phù hợp với đối tượng, lứa tuổi học sinh; giáo viên cần nỗ lực, rèn luyện để thành thạo công nghệ. Bên cạnh đó, cần xây dựng kho học liệu dạy học đa dạng, phong phú, bám sát chương trình sách giáo khoa để thiết kế bài giảng phù hợp. Ngành giáo dục cũng cần tăng cường việc kiểm tra, giám sát việc dạy học trực tuyến, học qua truyền hình tại các cơ sở giáo dục; xây dựng lại kế hoạch dạy học, tinh giản và giảm tải chương trình phù hợp với cấp học, khối lớp học. Ngoài ra, khi dịch được kiểm soát, học sinh quay trở lại trường để học tập nhà trường cần phải có những biện pháp để củng cố kiến thức, bồi đắp kiến thức thiếu hụt do thời gian học trực tuyến nhất là các lớp học đầu cấp; đồng thời tăng cường bồi dưỡng kỹ năng cho học sinh.
Cử tri Nguyễn Thị Oanh cho biết, thực tiễn tại nhiều vùng, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, học sinh không hề có thiết bị đảm bảo việc học trực tuyến. Vì vậy các cấp, các ngành cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ cơ sở hạ tầng, thiết bị công nghệ để học sinh, giáo viên để học sinh được tiếp cận kiến thức.
Cử tri Lê Như Phương, phường Thủy Xuân, thành phố Huế cho rằng, phiên chất vấn và trả lời chất vấn hiệu quả, thiết thực. Các đại biểu đặt câu hỏi và Bộ trưởng trả lời rất cụ thể, ngắn gọn đi sâu vào các vấn đề "nóng" trong ngành giáo dục mà đại biểu và cử tri quan tâm như chất lượng dạy và học trong bối cảnh dịch bệnh, chất lượng sách giáo khoa, việc dạy thêm học thêm, đảm bảo an toàn cho học sinh khi đến trường.
Theo cử tri Lê Như Phương nhiều đại biểu quốc hội đã đưa ra ý kiến về việc nâng cao chất lượng sách giáo khoa, khắc phục tình trạng một số sách giáo khoa thiếu tính khoa học, giáo dục. Đây là vấn đề tất cả phụ huynh đặc biệt quan tâm. Cử tri Lê Như Phương rất tâm đắc khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời Bộ sẽ giám sát toàn bộ quá trình biên soạn sách chứ không phó thác cho nhà xuất bản, nhóm tác giả; đồng thời sẽ tích cực trong quá trình sửa đổi thông tư quy định về biên soạn và thẩm định sách giáo khoa để đảm bảo sách giáo khoa có chất lượng ngày càng cao hơn.