Cử tri Điện Biên đề nghị Nhà nước quan tâm đầu tư cho giáo dục miền núi

Theo dõi Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều cử tri ở Điện Biên quan tâm đến phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cử tri cho rằng nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại Quốc hội rất phù hợp và kịp thời, đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn quốc, gây ảnh hưởng nặng nề đến công tác giáo dục.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ ba, sáng 11/11/2021. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Cử tri Ngô Văn Vinh, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - Tiểu học Tìa Dình (xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) cho rằng, giáo dục miền núi, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số với giáo dục thành thị hiện nay vẫn còn sự chênh lệch rất lớn. Điều kiện cơ sở vật chất trường lớp học ở hầu hết địa bàn miền núi còn nhiều thiếu thốn. Nhiều nơi, học sinh vẫn phải học trong những phòng học lợp tôn, vào mùa hè rất nóng bức; tỷ lệ học sinh trong một lớp cũng khá cao do thiếu phòng học, giáo viên đứng lớp. Bên cạnh đó, nhiều trường học còn chưa có điện lưới quốc gia, chưa có mạng internet; bởi vậy việc tiếp cận với công nghệ của học sinh rất hạn chế.

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - Tiểu học Tìa Dình cơ sở vật chất còn nghèo nàn, chỉ có 4 phòng học kiên cố, 7 phòng học bán kiên cố; không có nhà ăn cho giáo viên và học sinh. Đặc biệt, trường có hơn 233 học sinh bán trú nhưng chỉ có 2 phòng ở nội trú bằng tôn, với những chiếc giường 2 tầng kê san sát nhau, rất nóng vào mùa hè. Việc thiếu thốn về cơ sở vật chất khiến công tác giáo dục vùng cao chưa thể đạt đến chất lượng như miền xuôi.

Cử tri Ngô Văn Vinh cũng bày tỏ băn khoăn về công tác dạy và học trực tuyến trong bối cảnh dịch COVID-19. Theo ông Vinh, việc học trực tuyến ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa hiện nay vẫn chưa thể thực hiện được bởi nhiều địa bàn thậm chí chưa có sóng điện thoại, nhiều nơi có sóng điện thoại nhưng mạng internet rất yếu. Bên cạnh đó, hầu hết học sinh miền núi, vùng sâu, vùng xa có điều kiện kinh tế khó khăn, chưa thể trang bị thiết bị máy tính xách tay hay điện thoại di động để học trực tuyến. Đối với các trường vùng sâu, vùng xa, trong điều kiện phải nghỉ dạy trực tiếp do dịch COVID-19, giáo viên là người vất vả nhất. Giáo viên phải biên soạn phiếu giao nhiệm vụ học tập đưa đến từng nhà cho học sinh, sau đó lại đi thu về chấm điểm để công tác giáo dục không bị gián đoạn.

Cử tri Ngô Văn Vinh kiến nghị Quốc hội, Nhà nước tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục miền núi, đảm bảo trường lớp học, trang thiết bị dạy học đầy đủ. Có như vậy thì các trường học vùng cao mới đáp ứng được công tác dạy học theo chương trình mới, khoảng cách giữa giáo dục thành thị và miền núi cũng được kéo lại gần hơn.

Cử tri Đặng Quang Huy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) cũng cho rằng, việc triển khai học trực tuyến ở địa bàn miền núi gặp rất nhiều khó khăn. Như tại huyện Điện Biên, từ ngày 8/11 đến nay, học sinh toàn huyện phải tạm dừng đến trường vig có nhiều ca mắc COVID-19. Do là một huyện miền núi, khó khăn, số hộ nghèo còn cao, toàn huyện còn 2 trường và 39 điểm trường chưa có điện lưới quốc gia nên tỷ lệ tham gia học trực tuyến mới chỉ đạt khoảng 55%. Nhiều nơi học sinh chưa có điều kiện trang bị thiết bị học tập trực tuyến, bởi vậy giáo viên vẫn phải phát phiếu học tập, giao bài tập và triển khai các hình thức phù hợp khác để đảm bảo học sinh vẫn được tiếp thu kiến thức, hoàn thành kế hoạch, thời gian năm học. Tuy nhiên, việc giao nhiệm vụ học tập về nhà cũng không đạt được hiệu quả bằng việc triển khai học trực tuyến, song do điều kiện khó khăn của vùng miền nên vẫn phải áp dụng để học sinh dừng đến trường nhưng không dừng học.

Theo cử tri Đặng Quang Huy, mặc dù thời gian qua, ngành giáo dục và đào tạo luôn nỗ lực để thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa khu vực thuận lợi với vùng khó khăn, tuy nhiên khoảng cách này vẫn còn khá chênh lệch; trong đó, chủ yếu là về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học… Bởi vậy, Đảng, Nhà nước cần có chính sách quan tâm đến công tác giáo dục miền núi; đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu cho các nhà trường; đầu tư máy móc, internet để học sinh có thể tham gia học trực tuyến và tiếp thu tốt nhất kiến thức từ giáo viên.

Xuân Tư (TTXVN)
Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV: Đảm bảo chất lượng sách giáo khoa ngày càng cao hơn
Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV: Đảm bảo chất lượng sách giáo khoa ngày càng cao hơn

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng 11/11, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Trong phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, trong đó có chương trình giáo dục theo bộ sách giáo khoa mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN