Nhiều vấn đề 'nóng' cử tri quan tâm được đưa ra chất vấn 

Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn qua truyền hình, nhiều cử tri Bắc Giang đánh giá hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn của các đại biểu cởi mở, xây dựng và cầu thị. Nhiều vấn đề "nóng" cử tri quan tâm đã được đưa ra chất vấn. 

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, sáng 10/11/2021. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Trong chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng 10/11, Quốc hội tiếp tục phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực y tế, gồm công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua và chiến lược phòng, chống dịch, chiến lược vaccine trong thời gian tới; việc bảo đảm nguồn cung và quản lý giá xét nghiệm SARS-CoV-2, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm; giải pháp giảm thiểu sự chênh lệch chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các tuyến, vùng, miền và nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là ở các vùng khó khăn; định hướng đào tạo, sử dụng, chế độ đặc thù cho đội ngũ cán bộ y tế… 

Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn qua truyền hình, nhiều cử tri Bắc Giang đánh giá hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn của các đại biểu cởi mở, xây dựng và cầu thị. Nhiều vấn đề "nóng" cử tri quan tâm đã được đưa ra chất vấn. 

Cho cách ly F1 nguy cơ thấp tại nhà 

Cử tri Phạm Kim Sơn, thị trấn Kép, Lạng Giang, Bắc Giang đánh giá, các câu hỏi chất vấn đã thẳng thắn, ngắn gọn, đi thẳng vào các vấn đề được người dân, dư luận quan tâm, như việc thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; quản lý giá xét nghiệm SARS-CoV-2; việc cách ly tập trung các F1 chưa phù hợp; nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở; nguyên tắc phân bổ vaccine; có nên tách bạch giữa người làm quản lý và làm chuyên môn tại các bệnh viện… Không khí chất vấn nóng lên khi có sự tranh luận giữa người chất vấn và người trả lời chất vấn để làm rõ các vấn đề.

Đồng tình với ý kiến chất vấn của đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình) như người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, có đeo khẩu trang, vô tình đi cùng thang máy với F0 vài giây, có đủ điều kiện cách ly tại nhà thì được cách ly tại nhà, cử tri Phạm Kim Sơn cho rằng, đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều mất mát, hậu quả nặng nề đến đời sống người dân và cho phát triển kinh tế xã hội của cả nước nói chung, Bắc Giang nói riêng.

Như thời điểm đầu tháng 5/2021, Bắc Giang có số lượng người mắc lớn nhất trong cả nước. Tỉnh đã có hàng chục nghìn F1 phải đi cách ly tập trung gây khó khăn, quá tải cho các cơ sở cách ly, chính quyền địa phương. Bên cạnh đó còn có những trường hợp lây chéo trong các cơ sở cách ly. Bởi vậy, việc cách ly các F1 tại nhà khi xem xét các yếu tố dịch tễ tiếp xúc, tiêm vaccine và điều kiện cách ly là rất phù hợp, giúp giảm tải cho các cơ sở cách ly, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo. 

Cử tri Phạm Kim Sơn mong muốn ngành Y tế tiếp tục nâng cao năng lực khám chữa bệnh đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực y tế, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; cải cách chế độ tiền lương để cán bộ y tế yên tâm công tác; tăng cường đầu tư y tế cho vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn. Đồng thời, ngành Y tế cần có giải pháp đột phá nhằm giảm sự chênh lệch về chất lượng giữa các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến trên và tuyến dưới; nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở.

Theo cử tri Tạ Ngọc Phúc, phường Ngô Quyền, thành phố Bắc Giang, việc loạn giá xét nghiệm SARS-CoV-2 thời gian qua, có nơi giá xét nghiệm 100 nghìn nhưng có nơi tận 400 nghìn đồng như ý kiến của đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa nêu, là do ngành Y tế đã chưa quản lý tốt giá dịch vụ xét nghiệm. Trước vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế đã trả lời rõ ràng, thẳng thắn tiếp thu và cầu thị nhận trách nhiệm. 

Cử tri Tạ Ngọc Phúc kiến nghị, để việc phòng, chống dịch COVID-19 đạt hiệu quả, cấp xã, cấp huyện phải thực hiện đúng, nghiêm các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Bộ Y tế, của tỉnh. Các ban ngành, cơ quan Trung ương tăng cường thanh, kiểm tra thực tế, cần có biện pháp, lộ trình chống dịch hiệu quả.

Đẩy nhanh tiến độ bao phủ vaccine 

Theo cử tri Nguyễn Thị Hoàn, phường Ngô Quyền, thành phố Bắc Giang, đây là lần "đăng đàn" đầu tiên của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhưng ông đã trả lời thẳng thắn, không vòng vo, cụ thể, trực diện vào các vấn đề nóng, khó, đáp ứng được mong mỏi của cử tri cả nước.

Đồng tình với câu hỏi của đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Hà Nội) về trách nhiệm của Bộ Y tế tham mưu cho Chính phủ xây dựng chiến lược vaccine phòng COVID-19, cử tri Nguyễn Thị Hoàn cho rằng, câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Y tế đã cho cử tri cả nước biết được những khó khăn của Chính phủ, của ngành Y tế trong thực hiện việc mua vaccine phòng COVID-19 khi trong nước chưa sản xuất được.

Cử tri Nguyễn Thị Hoàn cho biết, đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang có 87,8% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1, gần 28% người đủ điều kiện được tiêm mũi 2. Do đó, cử tri Nguyễn Thị Hoàn mong muốn Chính phủ, Bộ Y tế tiếp tục đẩy mạnh chiến lược tiêm vaccine cho người dân, công tác ngoại giao vaccine và việc sản xuất vaccine trong nước, phấn đấu người dân đủ điều kiện tiêm được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19, tiến tới sống chung với đại dịch. 

Cùng với đó, Bộ Y tế cần có hướng dẫn cụ thể để cán bộ y tế ở các tỉnh, thành phố nắm chắc được kỹ thuật tiêm và kỹ thuật xử lý phản ứng sau tiêm; thẩm định kết quả tiêm chủng; thực hiện tốt quy trình vận chuyển, tiếp nhận, bảo quản vaccine; tuyên truyền giúp người dân nắm được hiệu quả cũng như phản ứng phụ sau tiêm. Ngoài ra, kết quả tiêm chủng cần được cập nhật vào sổ tiêm chủng thường xuyên cũng như nền tảng công nghệ thông tin PC-COVID.

Đồng Thúy (TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội đề nghị kiểm tra việc thực hiện kiểm toán tài chính bệnh viện
Chủ tịch Quốc hội đề nghị kiểm tra việc thực hiện kiểm toán tài chính bệnh viện

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 10/11, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long về các giải pháp khắc phục hạn chế trong khám, sàng lọc, phát hiện sớm bệnh tật; gỡ vướng mắc về cơ chế tài chính cho mô hình Trung tâm Y tế huyện đa chức năng; việc chuyển giao các Bệnh viện quận, huyện và Trung tâm Y tế cho Sở Y tế quản lý dẫn đến nhiều khó khăn, bất cập, nhất là khi dịch bệnh bùng phát.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN