Tăng cường vai trò của cha mẹ trong phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em
Thảo luận tại tổ, hầu hết các đại biểu đồng tình, bạo lực, xâm hại trẻ em đang là vấn đề nhức nhối được toàn xã hội đặc biệt quan tâm. Vấn đề này gây ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ em và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, khiến trẻ bị tổn thương cả về thể chất và tinh thần. Qua thực tế cuộc sống và tiếp xúc “cử tri trẻ em” tại địa phương, các đại biểu cho biết, nhiều trường hợp trẻ em tại cộng đồng, gần khu mình sinh sống cũng từng bị bạo lực và xâm hại. Nguyên nhân là do trẻ em chưa có hiểu biết về vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em; chưa có kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại hay do bị đe dọa, sai khiến nên dẫn đến việc lựa chọn giải quyết mâu thuẫn với nhau bằng bạo lực. Về nguyên nhân của tai nạn thương tích trẻ em, các đại biểu cho rằng nguyên nhân hàng đầu là do sự bất cẩn của người chăm sóc trẻ và gia đình ít quan tâm đến trẻ em, đến tai nạn thương tích trẻ em.
Qua thảo luận, các đại biểu chỉ ra rằng, gia đình, cha mẹ, người chăm sóc trẻ có vai trò vô cùng quan trọng trong phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực và xâm hại trẻ em. Tuy nhiên hiện nay tại nhiều gia đình, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái chưa tốt, dẫn đến việc trẻ giấu kín, ngại chia sẻ mọi hoạt động, thông tin hay những việc mình đang gặp phải với cha mẹ. Nguyên nhân được các đại biểu chỉ ra là do có những bậc cha mẹ giám sát con một cách quá tiêu cực, luôn bắt con phải cho mình biết rõ đang làm gì; xem điện thoại, nhật ký riêng tư của con khi chưa được sự đồng ý… Những điều đó khiến các bạn trẻ nghĩ rằng mình không được cha mẹ tôn trọng và dần hình thành thói quen không muốn chia sẻ suy nghĩ hay các sự việc của bản thân với cha mẹ.
Một số ý kiến đại biểu cho rằng, khoảng cách tuổi tác quá lớn giữa hai thế hệ sẽ dẫn đến những cách nhìn, suy nghĩ khác nhau, vì thế nếu cha mẹ không biết cách làm bạn cùng con, thiếu tin tưởng hay luôn có những định kiến, phản ứng gay gắt, thái quá với các sự việc, hành vi của con sẽ khiến con rất khó mở lòng với cha mẹ, giữa cha mẹ và con cái không thể tìm được tiếng nói chung để giải quyết các vấn đề… Ngoài ra, tại nhiều gia đình, cha mẹ còn thiếu kiến thức, kỹ năng nuôi dạy con, có những hành vi thiếu chuẩn mực vô tình làm con cái tiếp thu những cách hành xử thiếu văn minh đem vào trường học, xã hội.
Từ việc phân tích thực trạng và nguyên nhân, các đại biểu trẻ em đưa ra nhiều kiến nghị nhằm phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em như: Tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi, tập huấn cho cha mẹ về kỹ năng nuôi dạy con cũng như các kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em; tăng cường truyền thông trên các trang mạng xã hội, trang thông tin của các ngành chức năng để nâng cao hơn nữa nhận thức, sự quan tâm của gia đình, nhà trường và xã hội về vấn đề. Cha mẹ cũng cần tự tìm hiểu, học hỏi thêm các kiến thức nuôi dậy con, chủ động làm bạn để đồng hành, chia sẻ với con. Các cơ quan chức năng, ban ngành, đoàn thể cần có những đề xuất, chính sách để gắn trách nhiệm của cha mẹ vào việc giáo dục và bảo vệ trẻ em…
Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
Tại phiên thảo luận tổ, nêu ý kiến về bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng, các đại biểu trẻ em cho rằng, hiện nay, nhiều trẻ em đã biết cách ứng phó, tìm kiếm sự trợ giúp khi bị xâm hại và cũng nhận thức được hậu quả của xâm hại trên môi trường mạng. Tuy nhiên vẫn còn nhiều trẻ chưa có kỹ năng sử dụng internet an toàn khiến việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng gặp nhiều khó khăn.
Đề xuất giải pháp liên quan đến nội dung này, các đại biểu kiến nghị, tất cả các nội dung về phòng, chống xâm hại trẻ em đều cần thiết được giáo dục cho học sinh tại trường học. Trong đó, chủ yếu là cách xử lý tình huống khi bị dụ dỗ trên không gian mạng; kỹ năng bảo mật thông tin cá nhân, phòng, chống xâm hại trên không gian mạng; biết số điện thoại đường dây nóng khi cần hỗ trợ;…
Theo các đại biểu, những hoạt động cần được tổ chức để nâng cao kỹ năng phòng, chống xâm hại trên không gian mạng bao gồm: Tổ chức các buổi học kỹ năng sống, các lớp tập huấn kỹ năng, các buổi nói chuyện chuyên đề về phòng, chống xâm hại trẻ em; xây dựng hộp thư “Điều em muốn nói”; hỗ trợ trẻ em nói lên tiếng nói của mình thông qua Hội đồng trẻ em…
Các đại biểu cũng đề nghị, gia đình, nhà trường và xã hội giúp trẻ em phòng, chống xâm hại trên môi trường mạng thông qua việc thường xuyên tổ chức các hoạt động giúp trẻ em nâng cao nhận thức và kỹ năng sử dụng mạng xã hội; xây dựng thêm các sân chơi dành cho trẻ em; nâng cao nhận thức của cha mẹ về ảnh hưởng của việc sử dụng mạng xã hội đến con cái. Đồng thời, cộng đồng cần quan tâm, có các chính sách quản lý và hỗ trợ trẻ em sử dụng mạng an toàn…