Những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em và đạt nhiều kết quả tích cực. Dù vậy, trước những thay đổi của thực tiễn cuộc sống ngày nay, công tác này còn nhiều vấn đề đặt ra, vẫn còn tình trạng trẻ bị xâm hại, bạo hành hay thiếu môi trường, sân chơi để trẻ vui chơi giải trí… đòi hỏi các cấp, ngành tiếp tục nỗ lực vun xới cho thế hệ tương lai của Thành phố.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có xấp xỉ 1,9 triệu trẻ em (chiếm khoảng 19% dân số thành phố), trong đó, trên 10.000 em là trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt là trên 19.500 em. Số trẻ được chăm sóc thay thế trong các cơ sở bảo trợ xã hội là khoảng 2.600 em.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều vụ bạo hành trẻ nghiêm trọng đã xảy ra, thậm chí dẫn đến tử vong. Mới đây, vào tháng 4/2023, bé K (2 tuổi, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn) được Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 với chẩn đoán đa tổn thương, gãy thân xương cánh tay, đa xây xát, bỏng da độ 1 - 2, chấn thương đầu. Tại cơ quan Công an, mẹ bé K thừa nhận việc đánh con mình. Xa hơn, năm 2022, vụ việc bé N.T.V.A. (8 tuổi, tạm trú Phường 22) bị “dì ghẻ” bạo hành dẫn đến tử vong khiến dư luận phẫn nộ. Những vụ việc này đặt ra nhiều vấn đề trong việc tiếp cận, nắm bắt tình hình và hỗ trợ trẻ em.

Xét xử vụ án bạo hành bé gái đến tử vong ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, trước đây, các vụ xâm hại trẻ em thường tập trung ở những địa điểm vắng vẻ, khu vực ngoại thành, khách sạn, nhà trọ lưu trú của người dân lao động. Thời gian gần đây, nơi xảy ra vụ xâm hại trẻ là khu vực công cộng thuộc chung cư, trường học, công viên. Trong đó, trẻ em sống ở khu vực nhà trọ, nông thôn, chung cư cao cấp, sống với cha dượng hoặc sống trong gia đình có bạo hành, ly hôn, thất nghiệp, lạm dụng bia rượu và các chất kích thích có nguy cơ bị xâm hại, xâm hại tình dục cao. Nhận diện được vấn đề này, Thành phố tiếp tục tập trung tới các giải pháp phòng ngừa.

Báo cáo của UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, số trẻ bị xâm hại tăng mỗi năm. Năm 2021 có 114 trẻ bị xâm hại, năm 2022 có 147 trẻ bị xâm hại; riêng trong 4 tháng đầu năm 2023 có 65 trẻ bị xâm hại. Tính chất của các vụ ngày càng nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, hình thức xâm hại chủ yếu là hành vi xâm hại tình dục, bạo hành thể xác, bạo hành tinh thần; độ tuổi của trẻ trong các vụ xâm hại có chiều hướng ngày càng nhỏ. 

Đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ ngày càng mở rộng, không chỉ là người lao động phổ thông có trình độ dân trí thấp mà đã phát sinh từ những người có nghề nghiệp ổn định, trình độ dân trí cao, có địa vị xã hội, tập trung chủ yếu ở nhóm tuổi từ 18 trở lên. Phần lớn những người xâm hại trẻ em là nam giới và hầu hết trẻ em bị xâm hại bởi người quen biết. Một số trường hợp xâm hại diễn ra trong thời gian dài, thậm chí kéo dài nhiều năm nhưng nạn nhân im lặng. 

Dù đã được các cấp, ngành quan tâm đầu tư nhưng thực tế, sân chơi cho trẻ em tại Thành phố Hồ Chí Minh còn thiếu so với nhu cầu. Ông Hà Tài Sáu, Phó Giám đốc Nhà thiếu nhi Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, môi trường, điều kiện để trẻ vui chơi giải trí tại Thành phố còn hạn chế. Nhà thiếu nhi Thành phố (Quận 3) là một trong những công trình lớn dành cho thiếu nhi nằm ngay ở trung tâm Thành phố, được đầu tư gần 200 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp với khuôn viên 5.000 m2 và 12.000 m2 sàn sử dụng. Tuy nhiên, so với nhu cầu của thiếu nhi, công trình này chưa đáp ứng nhu cầu về sức tiếp nhận lẫn các hoạt động bên trong. Vào mùa cao điểm, Nhà thiếu nhi thường kín chỗ. Mặt khác, nơi đây, bao năm vẫn từng ấy hoạt động cũ, chưa có hồ bơi, khu thiên văn học, tìm hiểu robot hay bãi đất cắm trại... phục vụ đa dạng nhu cầu của trẻ.

Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh gặp gỡ, lắng nghe thiếu nhi.

Theo ông Hà Tài Sáu, vui chơi cho trẻ em không chỉ đơn thuần có các môn thể thao, nghệ thuật phổ biến hiện nay mà cần thêm sân chơi sáng tạo như robot, thiên văn học, vũ trụ và các kỹ năng như cứu hộ cứu nạn, tham gia giao thông, thoát hiểm, chống xâm hại...

Trong các buổi đối thoại với lãnh đạo Thành phố hàng năm, bên cạnh việc học tập, tạo ra sân chơi phù hợp với trẻ là vấn đề nhiều thiếu nhi quan tâm. Em Lý Nguyên Trân (Trường Trung học Cơ sở Bạch Đằng, quận Bình Thạnh) mong muốn, công trình cung thiếu nhi ở Thủ Thiêm được xây dựng nhanh hơn để các bạn huyện vùng xa như Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ… có thể đến vui chơi, tham gia sinh hoạt và học tập.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, cùng với dạy và học kiến thức, hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa luôn được các trường, đơn vị tập trung xây dựng kết hợp hoạt động của câu lạc bộ thể dục, thể thao, Robotics, câu lạc bộ năng khiếu, câu lạc bộ học thuật. Các câu lạc bộ này đang phát huy hiệu quả, giúp các em tự tin tham gia cuộc thi cấp thành phố và cuộc thi quốc tế. Thành phố Hồ Chí Minh đã có hơn 85% đơn vị trường học có câu lạc bộ thể thao dành cho học sinh. Trong đó, 68,7% học sinh thường xuyên tham gia hoạt động thể thao ngoại khóa của nhà trường.

Bên cạnh đó, việc dạy học theo hướng trải nghiệm, dạy học ngoài lớp học, ngoài nhà trường, lớp học mở... là xu hướng nhiều nhà trường tiếp cận. Trong đó, nhiều hoạt động học tập được tổ chức gắn với hoạt động thực hành, trải nghiệm như học lịch sử tại các điểm di tích, giao lưu với nhà văn, nhà thơ có tác phẩm được chọn đưa vào sách giáo khoa… Nhiều buổi sinh hoạt lắng nghe ý kiến học sinh được tổ chức để các em có cơ hội bày tỏ suy nghĩ.

TP Hồ Chí Minh khai mạc Lễ hội thiếu nhi năm 2023.

Cùng với các giải pháp triển khai trong trường học, Thành phố tập trung nhiều giải pháp để xây dựng thành phố thân thiện với trẻ em. Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố cần tiếp tục tập trung xây dựng chính sách ưu tiên đối với vấn đề trẻ em, chú trọng y tế, dinh dưỡng, vệ sinh cho thanh thiếu niên và học sinh. Các hoạt động cần bảo đảm để trẻ em được sống và phát triển, tiếp cận giáo dục có chất lượng và điều kiện vui chơi, giải trí…

Thiếu nhi mong TP Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt:

Nhằm chăm lo cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi COVID-19, nhiều địa phương, đơn vị đã có mô hình hỗ trợ thiết thực, giúp các em có điều kiện tiếp tục thực hiện ước mơ, phấn đấu rèn luyện, trở thành người sống có lý tưởng và có ích cho xã hội. 

COVID-19 quét qua khiến trên 2.000 trẻ em ở Thành phố Hồ Chí Minh mất cha, mất mẹ, rơi vào hoàn cảnh mồ côi. Đó là sự tổn thương, mất mát rất lớn với các em khi mất đi chỗ dựa về tinh thần lẫn vật chất. Hơn một năm trôi qua sau thời điểm COVID-19 hoành hành, dù nỗi đau vẫn chưa thể xoa dịu nhưng với sự tiếp sức của cộng đồng, các em đã nỗ lực vươn lên nghịch cảnh, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. 

Hai anh em Võ Quang Duy Anh và Võ Thùy Lâm (Quận 10, TP Hồ Chí Minh) cùng ôn bài và cùng mẹ và mẹ đỡ đầu chuẩn bị sách vở cho năm học mới. 

Cuối năm 2021, trong lúc suy sụp khi mất đi người cha - trụ cột của gia đình, em Võ Quang Duy Anh (ngụ Quận 10) may mắn được “Mẹ đỡ đầu” kịp thời giúp đỡ, động viên vượt qua quãng thời gian khó khăn ấy. Hoàn cảnh cũng buộc em trở nên già dặn hơn so với tuổi; tự ý thức bản thân phải mạnh mẽ vươn lên trên con đường trông gai phía trước, làm chỗ dựa tinh thần cho mẹ và em gái. Duy Anh cho biết, em đã nỗ lực để đạt được kết quả học tập tốt nhất, em mới thi vào lớp 10 của một trường chuyên lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh và đang hồi hộp chờ kết quả.

Người “Mẹ đỡ đầu” của Duy Anh chính là chị Lâm Quỳnh Hoa, Phó Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Khu phố 5, Phường 14, Quận 10. Thương hoàn cảnh của các bé không may mồ côi cha, mẹ, chị Hoa đã nhận là “Mẹ đỡ đầu” của 6 con. 

Chị Hoa cho biết, chị luôn nỗ lực để có thể chăm lo, phần nào bù đắp được thiếu hụt về tinh thần cho các con. Không chỉ làm mẹ, chị còn mong muốn mang đến cho các con thêm một gia đình, có thêm anh chị em để cùng san sẻ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. “Không còn đủ đầy cha mẹ là một thiệt thòi, mất mát rất lớn với các con. Không chỉ hụt hẫng về điều kiện vật chất mà các con còn đang trong độ tuổi rất nhỏ, dễ tổn thương về mặt tinh thần. Tôi luôn thương yêu và coi các con như chính con ruột của mình”, chị Quỳnh Hoa chia sẻ.

Theo chị Quỳnh Hoa, kết thúc năm học vừa qua, “các con” của chị đều đạt thành tích tốt trong học tập và rèn luyện. Các con đều đã cứng rắn lên nhiều, khác hẳn với thời điểm hơn một năm về trước. Dù con đường phía trước của 7 mẹ con còn rất dài với nhiều gian nan, thử thách nhưng chị Hoa luôn mong rằng, tình thương của chị sẽ là nguồn động lực nâng bước các con vượt qua mất mát, vững tiến trên hành trình viết tiếp những chương mới tươi sáng cho cuộc đời.

Làm “Mẹ đỡ đầu”, chị nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ tích cực từ các đoàn thể, nhà hảo tâm để việc chăm lo cho các em chu đáo hơn. Đặc biệt, Hội Phụ nữ Phường 14 còn tổ chức Câu lạc bộ “Vòng tay yêu thương” tập hợp các Mẹ đỡ đầu, các dì, các cô để chung tay hỗ trợ cho tất cả trẻ em không may bị mồ côi. 

Chị Lâm Quỳnh Hoa là một trong trên 1.600 người mẹ đã nhận đỡ đầu cho trên 2.000 trẻ mồ côi bị ảnh hưởng do COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là kết quả ý nghĩa từ việc hưởng ứng Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động. Từ đó, nhiều trẻ mồ côi đã có thêm một người mẹ, một mái ấm gia đình. 

Vượt qua hoàn cảnh khó khăn, em Đặng Ngọc Minh Hân (Quận 10, TP Hồ Chí Minh) đạt thành tích học tập rất tốt.

Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm chăm lo cho trẻ mồ côi do COVID-19, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã cùng các ban, ngành, đoàn thể địa phương vận động kết nối, huy động nguồn lực hỗ trợ kinh phí đỡ đầu, bảo trợ hàng tháng đến năm 18 tuổi cho gần 1.600 trẻ, với mức hỗ trợ từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng/tháng. Song song với việc chăm lo vật chất, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp triển khai Chương trình “Mẹ đỡ đầu” tích cực vận động các nhà hảo tâm, lực lượng vũ trang, cán bộ, hội viên, nữ doanh nhân... nhận đỡ đầu cho trẻ mồ côi do COVID-19. 

Đến nay đã có 1.611 mẹ nhận đỡ đầu cho 2.297 trẻ mồ côi do COVID-19. Cùng với hỗ trợ về vật chất, “Mẹ đỡ đầu” sẽ thường xuyên theo dõi việc học tập, là điểm tựa tinh thần kịp thời hỗ trợ các con vượt qua khó khăn, tiếp tục được học tập, vui chơi và phát triển như bao trẻ em khác.

Bên cạnh việc điều trị khỏi bệnh cho nhiều bệnh nhân, các y bác sỹ cũng chứng kiến nhiều câu chuyện đau thương mà COVID-19 gây ra. Nhiều trẻ đã mất đi cha mẹ, người thân của mình khi độ tuổi còn rất nhỏ. Tất cả các em đều có hoàn cảnh rất khó khăn. Vì vậy, nhiều y bác sỹ mong muốn chia sẻ, tạo thêm điều kiện để các em được tiếp tục đến trường.

Sau khi chồng mất do COVID-19, một mình chị Lâm Thị Thanh Hiền (Quận 5) phải cáng đáng thêm vai trò của người chồng, người cha. Khi đang phải vất vả mưu sinh để lo cho cuộc sống của cả 3 mẹ con thì chị Hiền nhận được thông tin, Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ đỡ đầu cho hai con trai Từ Tăng Cơ Tuấn và Từ Tăng Cơ Nghiệp cho đến khi tốt nghiệp đại học. “Hai năm qua, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ đều đặn từ Bệnh viện Chợ Rẫy nên cuộc sống cũng đỡ vất vả phần nào. Chúng tôi biết ơn vô cùng”, chị Hiền chia sẻ. 

Chương trình “Chủ nhật chia sẻ yêu thương” lần thứ 20 tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Đây là 2 trong 33 trẻ em có cha hoặc mẹ mất do COVID-19 các tại Quận 5, 8 và 11 nhận được sự đỡ đầu từ Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh. Thạc sỹ Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, hàng tháng, tùy theo độ tuổi và nhu cầu, đơn vị sẽ hỗ trợ mỗi em từ 2 - 3 triệu đồng. Số tiền này được trích từ Quỹ “Một ngày lương” của tất cả nhân viên Bệnh viện Chợ Rẫy và sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm. 

Bên cạnh đó, hàng năm, Bệnh viện Chợ Rẫy tổ chức khám bệnh định kỳ, chăm sóc sức khỏe miễn phí cho trẻ. Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng, đây là sự sẻ chia, chung tay cùng xã hội của toàn thể nhân viên y tế Bệnh viện Chợ Rẫy nhằm giúp xoa dịu những nỗi đau do COVID-19 để lại. Theo bác sỹ Nguyễn Tri Thức, các em sau khi tốt nghiệp đại học, nếu có chuyên môn phù hợp, có nguyện vọng làm việc tại đơn vị sẽ được Ban giám đốc Bệnh viện thu nhận, bố trí việc làm.

Đặc biệt, cứ đến hè, Bệnh viện Chợ Rẫy lại tổ chức các tour du lịch miễn phí cho trẻ và người thân. Nếu như hè năm 2022, các em được trải nghiệm tour du lịch đầy nắng, gió ở biển Vũng Tàu năm nay lại có một hành trình đến với Đà Lạt đáng nhớ. “Mỗi năm chúng em đều háo hức, mong chờ chuyến đi du lịch với Bệnh viện Chợ Rẫy. Đây là những kỷ niệm khó phai trong lòng của chúng em”, em Từ Tăng Cơ Tuấn (Quận 5) chia sẻ sau chuyến du lịch Đà Lạt vừa qua.

Một bệnh nhi tham dự Chương trình “Chủ nhật chia sẻ yêu thương” lần thứ 20 tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Từ 2 năm nay, Câu lạc bộ Hy vọng của Bệnh viện Lê Văn Thịnh (thành phố Thủ Đức) cũng nhận đỡ đầu cho 10 trẻ mồ côi do COVID-19 trên địa bàn thành phố Thủ Đức. Bác sỹ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, tùy tình hình cụ thể các em sẽ nhận mức hỗ trợ phù hợp, trung bình mỗi em 2 triệu đồng/tháng và kéo dài trong suốt 5 năm. 

Nếu gia đình khó khăn quá, bệnh viện và các nhà hảo tâm sẵn sàng hỗ trợ thêm. Ngoài chu cấp tiền, trẻ cùng gia đình sẽ được xem xét các hỗ trợ khác như chăm lo sức khỏe, khám chữa bệnh, thăm hỏi định kỳ. Hy vọng sự đồng hành của bệnh viện sẽ giúp các con tiếp tục được đến trường, trở thành người có ích cho xã hội, bác sỹ Trần Văn Khanh bày tỏ. 

Không máu mủ ruột rà nhưng với tình yêu thương, những người mẹ, người cha đỡ đầu đang cố gắng từng ngày dang rộng vòng tay yêu thương, che chở và nhận chăm sóc, hỗ trợ, giúp đỡ nhiều trẻ mồ côi, thiếu cha, vắng mẹ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó, góp phần cùng với chính quyền, các đoàn thể địa phương thực hiện công tác an sinh xã hội, chăm lo cho thế hệ tương lai của đất nước.

Các cấp, ngành đã và đang nỗ lực thay đổi tư duy, nhận thức của người lớn, phụ huynh bằng nhiều quy định, chính sách cụ thể đồng thời tổ chức các hoạt động nhằm tạo ra một mùa hè đúng nghĩa, an toàn cho trẻ.

Nhằm tạo thêm trải nghiệm cho bạn đọc tham quan, góp phần vào hoạt động khuyến đọc trong thế hệ trẻ, đặc biệt là các em nhỏ, “Vườn Sách” tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn đang là địa điểm vui chơi đa dạng mang tính chất giáo dục cao được nhiều phụ huynh lựa chọn. 

Các em thiếu nhi được đọc sách miền phí khi vui chơi trong Thảo Cầm Viên Sài Gòn dịp hè 2023. 

Theo bà Huỳnh Thu Thảo, Chủ tịch Hội đồng thành viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn, bên cạnh “Vườn sách”, đơn vị còn tổ chức nhiều khóa học mới và bổ ích cho trẻ em trong dịp Hè. So với những năm trước, đơn vị sẽ tổ chức những lớp kỹ năng, lớp trải nghiệm thời gian là một buổi hoặc cả ngày cho học sinh Tiểu học và Trung học Cơ sở. Các em đến đây sẽ được vui chơi, tìm hiểu về thiên nhiên, các loài động thực vật; học thêm kỹ năng chăm sóc động vật cùng nhiều kỹ năng mềm khác. Bà Huỳnh Thu Thảo mong rằng, những hoạt động này sẽ mang đến kiến thức, góp phần hình thành nhân cách cũng như giáo dục về tình yêu thiên nhiên cho các em.

Dịp hè năm nay, UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh tới việc tổ chức nhiều sân chơi ý nghĩa miễn phí cho trẻ nhằm tạo môi trường để các em được vui chơi, giao lưu học hỏi và nâng cao kỹ năng vận hành xã hội.

Mùa hè 2023, Đoàn Thanh niên phường Đa Kao, Quận 1, tổ chức xuyên suốt các lớp học bơi, học vẽ và tiếng Anh cho trẻ. Theo anh Bùi Việt Hải, Bí thư Đoàn Thanh niên phường Đa Kao, bên cạnh các lớp học cơ bản, trẻ em khi tham gia hoạt động tại đây sẽ có thêm hành trình trải nghiệm nghề nghiệp cho thiếu nhi, tham quan địa điểm lịch sử trên địa bàn Quận 1. Các hoạt động này phục vụ thiếu nhi để có một mùa hè vui tươi bổ ích và hoàn toàn miễn phí.

Khai mạc hè hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 tại TP Hồ Chí Minh.

Tương tự, Đoàn Thanh niên Phường 8, Quận 10, tổ chức chương trình khám phá lịch sử bằng công nghệ số cho thiếu nhi. Chỉ bằng thao tác đơn giản thông qua một chiếc smartphone, các em nhỏ sẽ có cơ hội khám phá không gian với nhiều nội dung, hình ảnh đa dạng về lịch sử của Quận 10.

Anh Nguyễn Khắc Quốc Huy, Bí thư Đoàn Thanh niên Phường 8 cho biết, đơn vị đã xây dựng một bảo tàng triển lãm thực tế ảo thông qua ứng dụng 3D trên điện thoại gồm nhiều nội dung khác nhau về lịch sử. Các em nhỏ có thể tìm thêm thông tin qua đường link hoặc mã QR. Ngoài ra, đơn vị hướng đến tổ chức Ngày hội về sống xanh cho thiếu nhi gồm nhiều không gian trải nghiệm khác nhau như dạy cách trồng cây, phân loại rác thải, dạy tái chế, vẽ trên túi, nghe truyền thông về bảo vệ môi trường… Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, phát huy tinh thần chủ động của mỗi trẻ trong việc chung tay bảo vệ môi trường.

Cuối tháng 5 vừa qua, cựu vận động viên nổi tiếng của đội tuyển bơi quốc gia Nguyễn Thị Ánh Viên đã trực tiếp hướng dẫn các kỹ thuật bơi cho hàng trăm trẻ em ở huyện Bình Chánh. Theo Ánh Viên, khi đọc những bài viết về đuối nước thương tâm, chị rất trăn trở và thương xót, nhiều đêm không ngủ được. Do đó, các chương trình phòng, chống đuối nước có vai trò rất quan trọng. 

Cựu vận động viên bơi lội Ánh Viên trực tiếp hướng dẫn, tập luyện bơi miễn phí cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Bình Chánh. 

Thực tế nhiều năm qua, tỷ lệ đuối nước vào mùa hè có xu hướng tăng so với những thời điểm khác do học sinh được nghỉ học. Vì thế, bên cạnh hoạt động hè bổ ích, ý nghĩa, việc dạy bơi cùng trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em là hoạt động trọng tâm của các Quận, Huyện đoàn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Hoạt động này được triển khai từ ngày 28/5 - 20/8, trong đó, có 2 tuần định hướng các điểm sinh hoạt hè trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước và xử lý tình huống khi xảy ra đuối nước.

Anh Tạ Liêm, quản lý Trung tâm dạy bơi Happy Swimming bày tỏ mong muốn, môn bơi lội tại một số trường sẽ được xem là môn học tự chọn, nếu đưa vào thành môn học bắt buộc trong chương trình giảng dạy giáo dục thể chất cho các em cấp Tiểu học, tỷ lệ đuối nước ở trẻ sẽ được giảm thiểu.

Cùng với dạy bơi, vào dịp hè, các khóa đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho trẻ lại nở rộ. Việc tham gia các khóa học kỹ năng sống giúp trẻ được trải nghiệm, hạn chế “làm bạn” với điện thoại, tivi, laptop...

Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam là đơn vị đầu tiên của Việt Nam mở lớp học kỹ năng thông qua chương trình huấn luyện theo phong cách của quân đội. Theo ông Nguyễn Minh Khánh, Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam, năm nay, Trung tâm tiếp tục hợp tác với một số đơn vị quân đội tại Bình Dương, Đồng Nai để tổ chức các khóa học như: “Tự hào quân ngũ”, “Trui rèn để trưởng thành”, “Tăng thiết giáp”, “Thiếu niên anh hùng”, “Chiến binh thép”… với mỗi khóa học kéo dài 8 ngày. Hiện nhiều khóa học của Học kỳ quân đội đã kín chỗ. Đơn vị xác định tập trung vào việc xây dựng chất lượng của chương trình nên không mở rộng, nhận thêm học viên. Những năm gần đây, Trung tâm không chỉ mở khóa “Học kỳ quân đội” dành cho các em độ tuổi từ 11 - 18 mà còn mở thêm chương trình “Chiến sỹ tý hon”, dành cho trẻ độ tuổi từ 7 tới dưới 11.

Còn tại Quận 7, từ ngày 28/5 - 20/8, Ban Chỉ đạo sinh hoạt hè triển khai nhiều chương trình hoạt động tại các cơ sở giáo dục, công viên, trụ sở khu phố, phường, nhà thiếu nhi quận, khu vực sinh hoạt công cộng trong khu dân cư, chung cư, khu lưu trú văn hóa, khu thể thao và địa điểm phù hợp, an toàn cho trẻ em.

Lễ xuất quân chương trình Học kỳ quân đội “Em học làm chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam” năm 2023.

Ông Mai Trọng Thắng, Bí thư Đoàn Thanh niên Quận 7 chia sẻ, nội dung các chương trình chủ yếu gồm tuyên truyền, giáo dục truyền thống, lịch sử, đạo đức lối sống, pháp luật cũng như tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí, rèn luyện kỹ năng, nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần nhằm nâng cao nhận thức cho thiếu nhi về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường… Đối tượng tham gia là thiếu niên, nhi đồng, học sinh, học viên thuộc các trường Tiểu học, Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông, trung tâm Giáo dục thường xuyên, cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn.

Bên cạnh lợi ích từ các khóa học này, chuyên gia cũng cho rằng, trang bị kỹ năng sống cho trẻ là việc làm cần thiết, vừa bảo đảm sức khỏe, vừa giúp các em có ý thức, khả năng làm chủ bản thân. Theo đó, cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ việc mở các trung tâm, lớp dạy kỹ năng cho trẻ; ngăn chặn tình trạng trung tâm lợi dụng tâm lý của phụ huynh để mở lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng sống nhằm trục lợi về kinh tế, thậm chí tiềm ẩn yếu tố mất an toàn đối với trẻ em.

Để trẻ có một mùa hè ý nghĩa:

Bài: Thu Hương - Thu Hoài
Ảnh, đồ họa: TTXVN - TTXVN phát; Video: Vnews
Biên tập: Hà Phương
Trình bày: Hà Nguyễn

02/07/2023 06:55