Không chỉ đóng vai Chủ tịch, Phó chủ tịch Quốc hội, các em còn hóa thân thành các bộ trưởng, đại biểu quốc hội…, có cơ hội để trình bày suy nghĩ, nguyện vọng, ý kiến và đưa ra các kiến nghị cho những vấn đề quan trọng liên quan tới chính các em.
Sự kiện độc đáo này sẽ diễn ra tại phiên họp toàn thể giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ nhất được tổ chức vào ngày 10/9 tới đây. Phiên họp giả định nhưng diễn ra tại địa điểm thật, đó là Hội trường Diên Hồng.
Phiên họp giả định này do Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức nhằm thực hiện Luật Trẻ em năm 2016, cụ thể hoá chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030; tiếp tục triển khai thực hiện các hoạt động thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em.
Trong kỳ “Quốc hội trẻ em” lần đầu tiên này, trong số 326 đại biểu tham gia, sẽ có 263 trẻ em tiêu biểu ở độ tuổi 11 – 16 của 63 tỉnh, thành phố cả nước được trao cơ hội trở thành những chính khách trong một ngày. 263 gương mặt đó sẽ có đầy đủ đại diện cho trẻ em thuộc nhóm dân tộc, nhóm có hoàn cảnh khó khăn, nhóm nạn nhân bạo hành, nhóm khuyết tật… Là những người có kết quả học tập, rèn luyện tốt, tham gia tích cực hoạt động Đội cũng như hoạt động xã hội, các em sẽ nói lên tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em cả nước.
Sau khi được nghe giới thiệu tổng quát về vị trí, vai trò của Quốc hội, đại biểu Quốc hội; được hướng dẫn các kỹ năng, cách sử dụng trang thiết bị tương tác tại Tòa nhà Quốc hội, các đại biểu “nhí” sẽ chia thành các tổ thảo luận các vấn đề liên quan trẻ em.
Trong phiên họp toàn thể giả định lần đầu tiên, hai chủ đề được chọn là “Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng” và “Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em”.
Nhìn vào hai chủ đề trên, có thể thấy những tâm huyết, trăn trở của ban tổ chức phiên họp giả định đối với các vấn đề nóng liên quan trẻ em nói chung. Đây chính là hai chủ đề bao quát những vấn đề quan trọng bậc nhất liên quan trẻ em trong xã hội hiện nay. Sinh ra trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão, ngoài những mặt tích cực, trẻ em cũng bị cuốn vào vòng xoáy tiêu cực mà môi trường mạng gây ra, như tiếp xúc với thông tin xấu, độc hại, bị bắt nạt, bạo hành, lừa đảo trên mạng… Vấn đề tai nạn thương tích, bạo hành trẻ em cũng là những chủ đề không bao giờ hết nóng trong xã hội. Vụ một nam sinh lớp 9 bị đánh hội đồng ở Đông Anh (Hà Nội) mới đây là một ví dụ mới nhất.
Hai chủ đề này cũng đã được thảo luận tại kỳ họp Hội đồng trẻ em tại các tỉnh, thành phố có mô hình Hội đồng trẻ em nhằm chuẩn bị cho phiên họp giả định sắp tới theo chỉ đạo của Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương.
Trước “Quốc hội trẻ em”, cũng có một diễn đàn mà trẻ em được lên tiếng, được đưa ra giải pháp của riêng mình. Đó là Diễn đàn trẻ em Quốc gia. Diễn đàn này đã được tổ chức 7 lần mà lần mới nhất diễn ra tại Hà Nội từ ngày 5 - 8/8 với chủ đề “Trẻ em tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em”.
Với “Quốc hội trẻ em”, ý nghĩa, quy mô và tầm vóc sẽ lớn hơn tất cả khi sự kiện lần này có sự tham dự trực tiếp của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các lãnh đạo bộ, ngành liên quan. Đây là những người sẽ phản hồi ý kiến của các em ngay sau phiên họp giả định, sẽ lắng nghe những tiếng nói, những đề xuất về những vấn đề ảnh hưởng tới chính các em, chính các đại biểu “nhí”.
Sự hiện diện đặc biệt đó khẳng định lại một điều rằng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội luôn quan tâm, chú trọng tới công tác liên quan trẻ em - những người chủ tương lai của đất nước. Có thể nói “Quốc hội trẻ em” là một trong những hình thức mà người lớn trao quyền cho trẻ em, tôn trọng tiếng nói của trẻ em.
Những tiếng nói, đề xuất của trẻ em sẽ xuất phát từ chính ước mong, nguyện vọng trong sáng của các em, không bị ảnh hưởng bởi những tư duy vụ lợi, lợi ích cá nhân của người lớn.
Dù chỉ là giả định, đóng vai nhưng các em sẽ mang tâm thế của đại biểu Quốc hội và các giải pháp, đề xuất là của chính các em. Đây là một mô hình hoạt động mới mẻ, tạo cơ hội trải nghiệm quý giá cho trẻ em tại cơ quan quyền lực cao nhất nước. Qua đó, trẻ em được được tạo điều kiện phát huy năng lực tiềm ẩn, rèn giũa kỹ năng nêu quan điểm, tham gia vào quá trình ra quyết định, như lời của chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương.
Những ý kiến, đóng góp của các đại biểu “đóng vai” sẽ có tính tham khảo quan trọng, là cơ sở để các đại biểu Quốc hội “thật” hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Dù chương trình “Quốc hội trẻ em” sẽ chỉ diễn ra trong vài ngày và chỉ một số lượng nhỏ trong hàng chục triệu trẻ em cả nước được chọn tham gia, nhưng cần phải làm thế nào để đó không phải là những ngày duy nhất mà trẻ em được lên tiếng. Trái lại, các em cần có quyền được nói, quyền được người lớn lắng nghe hàng ngày, bằng sự tôn trọng, ở trong những “Hội trường Diên Hồng” mang tên nhà và trường học.