Đòn bẩy kịp thời để bất động sản không ‘bất động’

Các doanh nghiệp và người dân có nhu cầu mua nhà ở “thở phào” khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN, gỡ “rào chắn” về vốn dành cho thị trường bất động sản.

Nhìn lại thời gian qua, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thị trường bất động sản nước ta đã rơi vào giai đoạn trầm lắng khá sâu. Tình trạng “đóng băng” này cũng là hệ quả của một giai đoạn “phát triển nóng” trước đó, với nhiều hệ luỵ khiến cơ quan quản lý đã phải ban hành những quy định nhằm thắt chặt kỷ cương, đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh, đúng quy luật, sát với nhu cầu thực tế.

Chú thích ảnh
Một góc TP Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: vietnam.vnanet.vn

Một trong những quy định “thắt chặt” này, phải kể đến Thông tư số 06/2023/TT-NHNN được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành, dự định có hiệu lực ngày 1/9/2023. Thông tư 06 bổ sung cho Thông tư 39/2016/TT-NHNN, theo đó bổ sung thêm 4 trường hợp khách hàng có nhu cầu vốn không được cho vay tín dụng.

Mặc dù phía NHNN cho rằng Thông tư 06 không có bất cứ quy định cấm tổ chức tín dụng cho vay để thực hiện dự án bất động sản, nhưng các doanh nghiệp bất động sản vẫn phản ánh thực tế: Theo Thông tư này, số trường hợp không được vay vốn tăng lên, còn điều kiện vay cũng không rõ ràng, dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà, nhà đầu tư bất động sản sẽ rất khó tiếp cận được tín dụng, ảnh hưởng tới nguồn cung và khả năng mua nhà của người có nhu cầu. Trong Thông tư 06, có một số quy định chưa thật hợp lý, chưa sát thực tế, chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với một số quy định pháp luật. Thêm vào đó, Thông tư 06 được ban hành trước Nghị quyết số 97/NQ-CP, sẽ khiến tinh thần của Nghị quyết số 33/NQ-CP không được đảm bảo, thể hiện một cách rõ ràng và quyết liệt mục tiêu tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn tín dụng, nhằm khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản, góp phần tăng thanh khoản cho thị trường bất động sản Việt Nam.

Những trăn trở này đã được gửi tới người đứng đầu Chính phủ. Tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33 và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ ngành liên quan tiếp tục rà soát khung khổ pháp lý xem vướng mắc ở đâu, tại văn bản nào, nội dung gì, ai giải quyết, giải quyết trong bao lâu. Các doanh nghiệp kỳ vọng, với tinh thần chỉ đạo này, các vướng mắc các Thông tư 06 sẽ được xem xét thấu đáo. Và ngày 23/8, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẩn trương rà soát, sửa đổi Thông tư số 06/2023/TT-NHNN theo hướng ngưng hiệu lực thi hành các quy định gây khó khăn. Đây chính là tiền đề quan trọng để ngay lập tức, NHNN ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN ngưng hiệu lực thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều 8 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN) từ ngày 1/9 cho đến ngày có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về các vấn đề này.

Như vậy, một số quy định hạn chế tổ chức tín dụng cho vay bất động sản đã được nới lỏng, tạo điều kiện về nguồn vốn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp BĐS.

Có thể nói, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện sự lắng nghe, chia sẻ của Chính phủ với những khó khăn của doanh nghiệp để có quyết sách đúng đắn. Phía NHNN cũng rất kịp thời khắc phục những hạn chế của văn bản đã ban hành, trước khi chuông báo “giờ G” ngày 1/9 điểm. Các phản ứng kịp thời, tích cực này của cơ quan quản lý nhà nước đã giúp các doanh nghiệp, các nhà đầu tư bất động sản và người dân có nhu cầu vay vốn mua nhà “thở phào”. Không những vậy, trong bối cảnh nền kinh tế đang còn nhiều khó khăn, cần ưu tiên hơn nữa cho thúc đẩy kinh tế, thì khi các doanh nghiệp bất động sản có thêm tia hy vọng nào cũng đồng nghĩa hé mở những cơ hội cho nền kinh tế nói chung. Về phía các tổ chức tín dụng, Thông tư mới này cũng tăng tính chủ động, quyền tự quyết, tự chịu trách nhiệm của họ, đồng thời cũng giúp các tổ chức tín dụng có cơ hội được “giải ngân” một lượng vốn đã huy động trong thời gian vừa qua.

Cùng với nhiều chính sách của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng, Thông tư số 10 đã thêm một lần mở cơ hội về vốn – nỗi trăn trở, đau đáu nhất hiện nay của các doanh nghiệp bất động sản. Bản thân các doanh nghiệp cần tranh thủ cơ hội này để chủ động tái cơ cấu, kiểm soát quy trình, chi phí, tiết kiệm dòng vốn, lựa chọn hướng đầu tư phù hợp để vượt khó khăn và phục hồi. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư cần đảm bảo tuân thủ pháp luật cũng như những cam kết với tổ chức tín dụng, để thật sự đưa thị trường bất động sản hồi phục và phát triển lành mạnh, góp phần đem tới hy vọng khởi sắc cho bức tranh kinh tế nói chung.

 

Thuỳ Hương
Doanh nghiệp bất động sản trút được 'gánh lo' từ Thông tư 06
Doanh nghiệp bất động sản trút được 'gánh lo' từ Thông tư 06

Ngay sau khi có văn bản chỉ đạo hỏa tốc của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN ngày 23/8/2023 về việc ngưng hiệu lực thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều 8 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN) từ ngày 1/9/2023 cho đến ngày có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới liên quan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN