Kiểm toán là một trong những công cụ quan trọng, hữu hiệu để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Chiều 4/11, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương và Kiểm toán Nhà nước tổ chức Hội nghị sơ kết việc thực hiện quy chế phối hợp công tác trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Chú thích ảnh
 Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh chủ trì Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh cho biết, thời gian qua, hai cơ quan đã nỗ lực, thực hiện tốt các nội dung đã cam kết trong Quy chế, đảm bảo đúng nội dung, nguyên tắc và phương pháp phối hợp trên tinh thần trách nhiệm cao, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực… Hội nghị nhằm đánh giá kết quả phối hợp của hai bên trong thời gian qua trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời, đề ra những giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác này trong thời gian tới…

Qua hơn 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp, mỗi cơ quan có thêm nhiều thuận lợi để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Hoạt động nổi bật là đã tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo nhiều quan điểm, chủ trương, chính sách lớn về phòng, chống tham nhũng; đồng thời, phối hợp có hiệu quả trong việc tham mưu cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý tham nhũng…

Qua đó, phát hiện và kiến nghị xử lý nhiều vụ việc tham nhũng, sai phạm kinh tế nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm; kiến nghị thu hồi cho ngân sách nhà nước nhiều tài sản, tiền, đất đai; góp phần quan trọng đối với công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước. Hai cơ quan đã có nhiều nỗ lực thực hiện tốt các nội dung của Quy chế phối hợp, bảo đảm đúng nguyên tắc, nội dung và phương pháp phối hợp trên tinh thần trách nhiệm cao của mỗi cơ quan.

Tuy nhiên, việc phối hợp thực hiện Quy chế có mặt còn hạn chế; dư địa phối hợp giữa hai cơ quan còn nhiều. Công tác phối hợp giữa Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy và Kiểm toán Nhà nước khu vực có nơi còn thiếu chặt chẽ, nên đã ít nhiều ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của mỗi bên.

Chú thích ảnh
Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Trong thời gian tới, hai cơ quan tiếp tục phát huy những nội dung phối hợp đã được thực hiện tốt trong thời gian qua, khắc phục những tồn tại, hạn chế để nâng cao chất lượng, hiệu quả phối hợp. Hai bên sẽ tập trung phối hợp tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chủ trương, chính sách lớn của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Từ đó, kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật có liên quan đến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền, các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo khắc phục, nhất là những kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Hoạt động phối hợp giữa hai cơ quan thời gian tới cũng tập trung tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện chương trình công tác, kế hoạch kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng, chống tham trấn nhũng hàng năm của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo và Thành viên Ban Chỉ đạo, nhất là các cuộc kiểm tra, giám sát chuyên đề, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các Thông báo Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo, các kết luận, kiến nghị của Ban Chỉ đạo, Thành viên Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đặc biệt, tham mưu thực hiện có hiệu quả chủ trương của Ban Chỉ đạo về việc trong quá trình kiểm toán, nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra có thẩm quyền, không chờ kết thúc quá trình kiểm toán, cũng như báo cáo ngay Thường trực Ban Chỉ đạo khi phát hiện vi phạm liên quan đến cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Bên cạnh đó, tăng cường trao đổi thông tin về các vụ việc có dấu hiệu sai phạm, các đơn thư tố cáo, phản ánh tiêu cực, tham nhũng, các thông tin có liên quan đến sai phạm mà dư luận xã hội quan tâm để tham mưu Ban Chỉ đạo chỉ đạo kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý hoặc hai cơ quan phối hợp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, phát hiện, kiến nghị xử lý theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan.

Chú thích ảnh
 Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Kết luận Hội nghị, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đinh Trạc nhấn mạnh, thời gian qua, Quy chế phối hợp được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, giúp nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần quan trọng tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, có bước đột phá trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, vị thế, uy tín của hai cơ quan được nâng cao.

Trưởng Ban Nội chính Trung ương khẳng định, Kiểm toán là một trong những công cụ quan trọng, hữu hiệu để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, có hiệu quả giữa nội chính, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử nói chung, giữa nội chính và kiểm toán nói riêng có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

“Vấn đề quan trọng, cốt lõi để nâng cao hiệu quả phối hợp là phải xuất phát từ mục đích chung là phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”, Trưởng Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh.

Trên tinh thần đó, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đề nghị hai cơ quan nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp trong tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Nhất là phối hợp trong phát hiện, kiến nghị khắc phục những sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật, góp phần "bịt kín" những “khoảng trống”, “kẽ hở” để “không thể tham nhũng”. 

Chú thích ảnh
 Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính TW trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Nội chính Đảng” và tặng bằng khen cho lãnh đạo, cán bộ Tổng Kiểm toán Nhà nước. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Tại Hội nghị, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đã trao Kỷ niệm chương vì sự nghiệp nội chính Đảng và Bằng khen tặng các cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác thực hiện quy chế phối hợp về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh cũng trao Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Kiểm toán Nhà nước và Bằng khen tặng các cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong thời gian qua.

Đỗ Bình (TTXVN)
Hợp tác chuyển đổi số trong ngành kiểm toán
Hợp tác chuyển đổi số trong ngành kiểm toán

Kiểm toán Nhà nước đưa nền tảng trực tuyến theo hướng hội tụ cơ sở dữ liệu tài chính tập trung toàn ngành cho chuyển đổi số.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN