Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều lỗ hổng trong quản lý, sử dụng vốn

Kiểm toán Nhà nước vừa ban hành Báo cáo kết quả kiểm toán năm 2020 và chỉ ra nhiều lổ hổng trong việc quản lý sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại các doanh nghiệp, ngân hàng…

Nhiều doanh nghiệp quản lý dòng tiền chưa hiệu quả

Theo Kiểm toán Nhà nước, năm 2020, đơn vị đã kiểm toán Báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước năm 2019 của 160 doanh nghiệp thuộc 17 tập đoàn và tổng công ty. Theo đó, phần lớn các đơn vị còn sai sót trong việc hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Do vậy, qua kiểm toán phải điều chỉnh tài sản, nguồn vốn; doanh thu, chi phí và kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước 1.031,36 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, nhiều đơn vị còn tình trạng quản lý dòng tiền chưa hiệu quả, như Công ty Cổ phần vận tải Nhật Việt thuộc Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans) có khoản tiền gửi có kỳ hạn được thế chấp tại Ngân hàng để mua tàu, nhưng không thể giao dịch, dẫn đến có thể xảy ra tranh chấp bất lợi. Hoặc Công ty Cổ phần dịch vụ kỹ thuật điện lực Dầu khí Việt Nam để xảy ra tồn quỹ tiền mặt vượt mức quy định tại Quy chế quản lý và sử dụng vốn bằng tiền. 

Bên cạnh đó, nhiều đơn vị quản lý nợ chưa được chặt chẽ, còn để phát sinh nợ phải thu quá hạn, khó đòi lớn. Một số đơn vị thực hiện bán hàng, đặt cọc cho nhà cung cấp không có bảo lãnh hoặc tài sản đảm bảo, khiến cho nợ tồn đọng kéo dài hoặc vượt giá trị bảo lãnh, dẫn đến trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi… 

Một số doanh nghiệp đầu tư bất động sản đã hoàn thành công tác xây dựng nhưng chưa bán/khai thác, chậm đưa vào khai thác, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn như Công ty mẹ - Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn (Khu đất số 481 Bến Ba Đình, phường 9, Quận 8 xây dựng hoàn thành chung cư từ năm 2010, đến nay còn 242/350 căn hộ để trống; khu đất số 339/34A Tô Hiến Thành, phường 12, Quận 10 đến nay còn 119 căn hộ để trống từ năm 2013).

Kiểm toán Nhà nước cho biết, một số dự án dừng triển khai từ nhiều năm, chậm tiến độ, chưa hiệu quả như dự án kho ngoại quan; dự án nhà máy gạch bê tông khí chưng áp của Hancorp; dự án 174 Hà Huy Tập, Yên Viên, Hà Nội và 51,89 ha tại cụm công nghiệp vừa và nhỏ huyện Sóc Sơn của Handico.

Đặc biệt, dự án đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) của Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) đã quá hạn trên 16 năm, nhưng đến nay chưa được UBND Thành phố Hà Nội gia hạn thực hiện dự án. Dự án khu đô thị mới Cao Xanh - Hà Khánh B và dự án N01 - T8 của Hancorp lần lượt chậm 10 năm và 6 năm; dự án chung cư Khuông Việt của Resco chậm 2 năm...

Nhiều tập đoàn, tổng công ty, công ty chưa thoái vốn đầu tư theo kế hoạch được duyệt như UDIC (toàn bộ các đơn vị theo danh mục được phê duyệt); Handico chậm thoái vốn đầu tư tại 5 đơn vị, chưa thoái vốn tại 10 đơn vị...; chậm thoái vốn khỏi lĩnh vực tài chính ngân hàng, lĩnh vực không phù hợp với ngành nghề kinh doanh chính như Sawaco (Công ty Cổ phần Quảng trường Quốc tế); Handico (Công ty Tài chính Cổ phần Handico)…

Đầu tư không hiệu quả, gây thiệt hại lớn

Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra nhiều sai phạm trong hoạt động của các ngân hàng, tổ chức tài chính, gây thất thoát hàng nghìn tỉ đồng.
 
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc xác định giá trị tài sản đảm bảo, việc hạch toán giá trị tài sản cho thuê tài chính chưa phù hợp. Theo đó, việc xác định giá trị tài sản bảo đảm cho thuê tài chính theo Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21/1/2013 chưa căn cứ vào giá trị thực tế hợp lý của tài sản mà phụ thuộc vào dư nợ cho thuê, chưa phản ánh đúng bản chất của tài sản bảo đảm. Việc hạch toán, theo dõi, phản ánh giá trị tài sản cho thuê tài chính theo giá gốc ban đầu theo quy định tại Văn bản hợp nhất số 05/VBHN-NHNN ngày 17/1/2018 chưa phù hợp với nguyên tắc giá trị tài sản cho thuê giảm dần và được chuyển giao cho bên đi thuê khi hết thời gian thuê.

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra, một số tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng vượt mức tối đa cho phép của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Cụ thể: Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Chúng vượt 13.656 tỉ đồng, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn vượt 8.654 tỉ đồng, Ngân hàng Thương mại cổ phần Bảo Việt vượt 3.153 tỉ đồng, Ngân hàng Shinhan vượt 132 tỉ đồng, Ngân hàng Mizuho Hồ Chí Minh vượt 192 tỉ đồng, Ngân hàng Busan - Chi nhánh Hồ Chí Minh vượt 83 tỉ đồng, Ngân hàng Liên doanh Việt - Nga vượt 69 tỉ đồng.

Một số đơn vị đầu tư tài chính không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp. Cụ thể Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đầu tư 294,41 tỉ đồng vào Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cho thuê tài chính II - NHNNo (ALC II) đã phá sản và chấm dứt hoạt động, phải trích lập dự phòng 100% vốn đầu tư. Ngoài ra, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam còn phải chịu trách nhiệm về khoản tổn thất phải bồi thường cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo phán quyết của Tòa án 862,64 tỉ đồng do bảo lãnh cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cho thuê tài chính II.

Ngoài ra, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam còn đầu tư 172,08 tỉ đồng vào Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cho thuê tài chính I và 8,2 tỉ đồng vào Công ty Trách nhiệm hữu hạn Liên doanh Quản lý Đầu tư Agribank-VGFM phải trích lập dự phòng 100% vốn đầu tư; đầu tư 1.250,91 tỉ đồng vào Công ty Cổ phần Chứng khoán Agribank phải trích lập dự phòng 92,34 tỉ đồng (lỗ lũy kế đến 31/12/2019 của Công ty là 360,6 tỉ đồng)...

Về hạch toán doanh thu, thu nhập, chi phí chưa phù hợp, chính xác, đơn cử có Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB): Ghi nhận lãi dự thu không đúng quy định đối với các khoản nợ được cơ cấu lại 85,47 tỉ đồng; hạch toán thiếu 29,25 tỉ đồng phí bảo lãnh, phí phát hành…

Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh có nợ quá hạn phí bảo hiểm gốc 1.062,16 tỉ đồng, chiếm 98,77% nợ phải thu phí bảo hiểm gốc, trong đó nợ phải thu khó đòi 743,56 tỉ đồng, bằng 70,67% nợ quá hạn. Một số ngân hàng phân loại nợ chưa phù hợp. Ngoại trừ các trường hợp năm 2020 các ngân hàng đã phân loại vào nhóm nợ cao hơn hoặc đã tất toán nợ vay nên Kiểm toán Nhà nước không điều chỉnh nhóm nợ.

Theo Kiểm toán Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội xóa nợ 19,44 tỉ đồng cho nhiều khách hàng được coi là mất tích theo xác nhận của chính quyền cấp xã, không phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Trong đó, có 17 trường hợp vẫn đóng bảo hiểm xã hội; điều chỉnh kế hoạch vốn Chương trình cho vay hộ dân tộc thiểu số nghèo chưa kịp thời dẫn đến năm 2018, 2019 có 3.135 trường hợp không được vay lãi suất ưu đãi, tương ứng tiền lãi ưu đãi 2,56 tỉ đồng…

Đỗ Bình (TTXVN)
Kiểm toán Nhà nước sẽ đánh giá việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước sẽ đánh giá việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, đã tác động, ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động kiểm toán. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN