Kết luận nêu rõ: Chiều 12/8, sau khi nghe Tổng Kiểm toán Nhà nước báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ thời gian qua, định hướng hoạt động trong thời gian tới, cùng các ý kiến trao đổi của thành viên Đoàn công tác, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận và đánh giá cao các kết quả hoạt động tích cực của Kiểm toán Nhà nước trong 8 tháng qua.
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước phục vụ Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019 tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV bảo đảm chất lượng, thực chất. Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính hơn 50 nghìn tỷ đồng; đưa ra nhiều kiến nghị về hoàn thiện cơ chế, chính sách; kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, hạn chế của cá nhân, tổ chức liên quan.
Có được kết quả đó là do Kiểm toán Nhà nước đã chủ động, linh hoạt trong công tác chỉ đạo, điều hành, kịp thời rà soát, điều chỉnh các phương án tổ chức hoạt động, bảo đảm vừa an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19, vừa hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội biểu dương những thành tựu đáng tự hào của Kiểm toán Nhà nước sau hơn 27 năm hình thành và phát triển. Kiểm toán Nhà nước đã có những bước tiến dài, khẳng định được vai trò, vị thế trong nước và khu vực, đặc biệt được Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao Đông Nam Á (ASEANSAI) ghi nhận, đánh giá cao; góp phần bảo đảm sự minh bạch, hiệu quả, hợp lý trong phân bổ, quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính nhà nước và tài sản công, lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia, góp phần đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và là công cụ quan trọng của Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí…
Về việc thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, nhưng hoạt động độc lập, chỉ tuân theo pháp luật và trên hết là phục vụ cho lợi ích chung của đất nước, của nhân dân; cần phát huy vai trò cơ quan kiểm tra tài chính, tài sản công “công minh, chính trực, nghệ tinh, tâm sáng”, có uy tín và trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Trong quá trình hoạt động, cần lưu ý bảo đảm tính độc lập, nhưng không để bị “cô lập” hoặc “đối lập”; theo đó, phải kiên quyết đấu tranh với sai phạm, tiêu cực, song cũng cần ghi nhận, nhân rộng các điển hình tốt trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; tăng dần tính chuyên nghiệp, nâng cao hơn nữa chất lượng các kết luận, kiến nghị kiểm toán.
Chủ tịch Quốc hội cơ bản nhất trí với nhiệm vụ các tháng cuối năm và định hướng hoạt động trong thời gian tới của Kiểm toán Nhà nước; đồng thời, đề nghị quan tâm những vấn đề sau:
Nhiệm vụ quan trọng mà Ban cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện ngay là triển khai xây dựng Đề án hoàn thiện tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Kiểm toán Nhà nước đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam (đây là Đề án thành phần trong Đề án xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, dự kiến trình Ban Chấp hành Trung ương vào cuối năm 2022).
Sớm xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030), đặt trong bối cảnh triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết của Trung ương về tổ chức bộ máy, biên chế, các Nghị quyết có liên quan của Quốc hội (như: Nghị quyết về công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của các cơ quan nhà nước, các Nghị quyết về các kế hoạch 5 năm 2021-2025 về: phát triển kinh tế - xã hội, tài chính quốc gia, vay, trả nợ công, đầu tư công trung hạn,…). Trong đó, cần đề ra các chương trình, kế hoạch hành động thiết thực hướng tới kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Kiểm toán Nhà nước.
Đồng thời, bám sát các nhiệm vụ trong Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; lựa chọn “đúng và trúng” các vấn đề, lĩnh vực cần kiểm toán, góp phần tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế - xã hội và kiến tạo sự phát triển của đất nước; trong đó, quan tâm kiểm toán việc thực hiện 3 chính sách vĩ mô trụ cột về tài khóa, tiền tệ và thương mại. Tiếp tục phát huy tính tích cực, chủ động tham gia ý kiến để xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; tăng cường kiến nghị về sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các luật gắn với định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Thời gian để hoàn thành kế hoạch kiểm toán năm 2021 không còn nhiều, trong khi tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, ảnh hưởng lớn đến công tác kiểm toán. Do vậy, cần chủ động có phương án cụ thể, hình thức phù hợp để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ, tập trung hoàn thành với chất lượng cao nhất một số nhiệm vụ trọng tâm như: quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020, các cuộc kiểm toán quan trọng…
Cân nhắc xây dựng kế hoạch kiểm toán năm 2022, bảo đảm phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và tình hình dịch COVID-19; việc lựa chọn các chủ đề kiểm toán có quy mô lớn cần lưu ý thêm các vấn đề như: tình hình quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14, trạng thái dư thừa thanh khoản tại các ngân hàng thương mại, tình trạng phát hành trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp,...
Để phục vụ Quốc hội giám sát tối cao năm 2022 chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, đề nghị Kiểm toán Nhà nước phối hợp với Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội xây dựng các Đề cương Báo cáo kết quả giám sát, báo cáo Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; xây dựng Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán về tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021; bố trí kiểm toán chuyên đề quan trọng này trong kế hoạch kiểm toán năm 2022 và huy động các Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành, Kiểm toán Nhà nước khu vực thực hiện; đồng thời, cử hai Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước tham gia hai Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội.
Chú trọng thực hiện tốt nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước được quy định tại Điều 10 Luật Kiểm toán Nhà nước và Điều 71 Luật Ngân sách nhà nước. Các quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước về cơ bản chưa phát sinh vướng mắc về cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục rà soát, đánh giá việc thực hiện Luật Kiểm toán Nhà nước, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước để kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung nếu có vướng mắc, hạn chế, nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả cho hoạt động của Kiểm toán Nhà nước. Trường hợp cần có hướng dẫn cụ thể thì đề xuất, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Tiếp tục tập trung sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp và nghiệp vụ chuyên môn cho kiểm toán viên, bảo đảm mỗi kiểm toán viên luôn hoạt động độc lập, chính trực, khách quan, năng lực chuyên môn và tính thận trọng, tính bảo mật, tư cách nghề nghiệp. Chú trọng phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kiểm toán; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp, quy trình, quy chế trong hoạt động kiểm toán.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hướng tới thực hiện kiểm toán số, ứng dụng công nghệ số cho hoạt động kiểm toán để phù hợp với tình hình mới, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19. Tổ chức triển khai thực hiện thí điểm kiểm toán theo hình thức trực tuyến tại Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông (VNPT). Nâng cao chất lượng kiến nghị, kết luận của Kiểm toán Nhà nước; tăng cường kiểm tra, đánh giá, tổng hợp việc thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, đánh giá sâu hơn nguyên nhân việc thực hiện chưa triệt để các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước và có giải pháp khắc phục tình trạng này.
Tăng cường và đa dạng hóa các hình thức công khai kết quả kiểm toán theo quy định của pháp luật; đặc biệt, cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, báo chí nhằm lan tỏa thông tin, nâng cao vị thế của Kiểm toán Nhà nước và nâng cao tính hiệu lực của kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, góp phần chấn chỉnh các hạn chế, tồn tại trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.