Các đại biểu đánh giá, Báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước về công tác của Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (2016-2021) trình Quốc hội cho thấy, trong nhiệm kỳ qua, việc thực hiện Kế hoạch kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần quan trọng hoàn thiện cơ chế chính sách, phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, lãng phí và siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 353.733 tỷ đồng; chuyển 20 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật, 2 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý; cung cấp 498 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 786 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho rằng, Kiểm toán Nhà nước đã quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đặc biệt triển khai các Nghị quyết, chương trình theo chương trình giám sát của Quốc hội đến quyết định kế hoạch kiểm toán đã căn cứ vào bám sát vào chủ trương của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội tập trung vào các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Theo đại biểu, việc thực hiện các kế hoạch kiểm toán cũng được triển khai một cách khoa học, hợp lý hơn, bảo đảm thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đại biểu phân tích, trong nhiệm kỳ vừa qua, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 3.500 tỷ, bằng 3,5 lần so với giai đoạn 2011-2015 và kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ thay thế 786 văn bản, bằng 2,18 lần nhiệm kỳ trước. Tuy nhiên, theo báo cáo của kiểm toán, số kiến nghị về tài chính hàng năm đạt bình quân khoảng 73,6 %, nghĩa là trong 5 năm qua, mỗi năm còn tồn tại khoảng hơn 25% số kiến nghị của kiểm toán chưa được thực hiện. Bên cạnh đó số văn bản kiến nghị sửa đổi, bổ sung chỉ đạt được 136 trên 786 văn bản. Đại biểu tỉnh Đắk Nông cho rằng, đây là những tồn tại mà Kiểm toán Nhà nước cần phải có các giải pháp trong nhiệm kỳ tới.
"Kiến nghị của Kiểm toán theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước có giá trị bắt buộc thi hành, vì thế các đơn vị được kiểm toán khi có kiến nghị xử lý vấn đề tài chính mà không thực hiện thì phải có giải trình rõ ràng về việc tại sao không thực hiện", đại biểu Nguyễn Trường Giang nêu ý kiến.
Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, những năm gần đây, chất lượng kiểm toán đã tăng lên rất nhiều, góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống tham nhũng. Kết quả đó đã khẳng định thành công của Kiểm toán Nhà nước, đồng thời thể hiện bản lĩnh của Tổng kiểm toán trong nhiệm kỳ vừa qua.
Theo đại biểu, thực tế cho thấy, nhiều cơ quan bị kiểm toán đã cố tình kéo dài thời gian để các đoạn kiểm toán khó tiếp cận tài liệu. Nếu Kiểm toán Nhà nước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng dữ liệu điện tử để thực hiện hoạt động kiểm toán, những bất cập trên sẽ không còn xảy ra nữa. Bên cạnh đó, đại biểu thành phố Hà Nội cũng đề nghị Kiểm toán Nhà nước cần công khai hơn nữa kết luận kiểm toán trên các hệ thống thông tin để các cơ quan, đơn vị có nhu cầu có thể tiếp cận.
Theo đại biểu Quách Thế Tản (Hòa Bình), sau khi có kiến nghị xử lý của Kiểm toán Nhà nước, các tập thể, cá nhân sai phạm trong vấn đề quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công phải nghiêm túc thực hiện nhằm để siết chặt kỷ cương, sử dụng hiệu quả nguồn lực của đất nước.
Theo đại biểu, bên cạnh việc thực hiện kế hoạch kiểm toán hàng năm đã được phê duyệt, Kiểm toán Nhà nước cũng thường xuyên thực hiện các kiểm toán chuyên đề liên quan đến vấn đề quản lý, sử dụng đất sau cổ phần hóa các doanh nghiệp rất hiệu quả. Theo đại biểu tỉnh Hòa Bình, đất đai là tài nguyên rất lớn của đất nước và cũng đã có nhiều sai phạm trong công tác sử dụng, quản lý trong thời gian qua. Chính vì vậy, Kiểm toán Nhà nước cần phát huy những thành tích đã đạt được trong giai đoạn qua, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa hoạt động này trong thời gian tới...
Giải trình một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm, ông Hồ Đức Phớc cho biết, trong nhiệm kỳ vừa qua, kiểm toán nhà nước xử lý tài chính được 353.000 tỷ, gấp 3,5 lần so với nhiệm kỳ trước. Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, thời gian tới, Kiểm toán Nhà nước sẽ tích cực kiểm tra, đôn đốc các đơn vị được kiểm toán thực hiện kết quả kiểm toán.
Giải thích lý do các kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện được một cách triệt để, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, có những khoản Kiểm toán nhà nước đề nghị truy thu hoặc giảm quyết toán lại phụ thuộc vào nguồn vốn liên quan đến những khoản chi sai. Ví dụ các công trình đã quyết toán trả cho nhà thầu rồi mới có kiến nghị chi sai do không phù hợp với định mức, dự toán hay đơn giá. Tuy nhiên, để thu lại được tiền đấy thì phải chờ các doanh nghiệp nộp tiền thì Ban quản lý dự án mới nộp tiền lại cho Nhà nước. Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cũng khẳng định, cơ quan kiểm toán luôn thực hiện các hình thức công khai kết quả kiểm toán tương đối nghiêm và sẽ nỗ lực hơn nữa sắp tới.
Về kiểm soát chất lượng các cuộc kiểm toán, theo ông Hồ Đức Phớc, Kiểm toán Nhà nước có riêng một vụ chuyên để kiểm soát chất lượng kiểm toán; bên cạnh đó, kiểm toán nhà nước cũng thực hiện luân chuyển các địa bàn kiểm toán và kiểm soát chất lượng kiểm toán theo kế hoạch và thực hiện các cuộc kiểm toán đột xuất và sử dụng bộ máy thanh tra của kiểm toán để kiểm tra chéo.
"Chúng tôi luôn xác định, đảm bảo chất lượng kiểm toán là vấn đề sống còn đối với tính chuyên nghiệp của Kiểm toán Nhà nước. Kiểm toán Nhà nước sẽ tiếp tục nỗ lực hơn trong thời gian tới để có thể cung cấp những thông tin thiết thực, chính xác nhất cho đại biểu Quốc hội", ông Hồ Đức Phớc khẳng định.