Thúc đẩy việc thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững
Kiểm toán Nhà nước Việt Nam cho biết, trong giai đoạn 2018-2021, các hoạt động kiểm toán đều tập trung đánh giá việc thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Chính phủ. Nổi bật là việc triển khai kiểm toán thường xuyên hoạt động quản lý tài chính công, tài sản công của hầu hết các địa phương, bộ, ngành; các chuyên đề về các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội…
Các hoạt động kiểm toán đã góp phần vào việc đánh giá công tác triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách; bố trí, huy động và tăng cường nguồn lực tài chính để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong dự toán chi ngân sách hàng năm, lồng ghép trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án khác có liên quan; tăng cường nguồn lực tài chính công thông qua việc nâng cao hiệu quả hệ thống chính sách thuế; nâng cao hiệu quả chi tiêu công; đổi mới quản lý tài chính công theo hướng công khai, minh bạch...
Thông qua hoạt động kiểm toán giai đoạn 2018-2021, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã chỉ ra nhiều tồn tại, bất cập trong các văn bản quản lý, điều hành ngân sách; phát hiện nhiều hạn chế trong cơ chế quản lý tài chính công, tài sản công tại các đơn vị được kiểm toán. Qua đó, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền kịp thời ban hành, hủy bỏ, sửa đổi, thay thế 563 văn bản không phù hợp với thực tiễn; kiến nghị 332 lượt kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân; đưa ra nhiều kiến nghị nhằm hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ của các đơn vị được kiểm toán, góp phần nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình trong quản lý tài chính công, tài sản công...
Trong giai đoạn 2018-2021, hầu hết các hoạt động phát triển bền vững của Chính phủ đều được Kiểm toán Nhà nước Việt Nam quan tâm, bố trí kiểm toán theo các kế hoạch và lộ trình hợp lý. Nhiều phát hiện của hoạt động kiểm toán đã giúp các cơ quan quản lý kịp thời chấn chỉnh các hoạt động của mình, góp phần không nhỏ vào việc đạt được các mục tiêu theo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Nổi bật là qua kiểm toán các chương trình mục tiêu, chương trình mục tiêu quốc gia, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã chỉ ra các bất cập, hạn chế trong tổ chức thực hiện các chương trình như: Cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và huy động sự tham gia của các bên chưa thực sự hiệu quả; nguồn lực huy động đáp ứng nhu cầu tài chính còn hạn chế, trong khi việc sử dụng kinh phí nhiều địa phương còn chưa đúng nội dung, đối tượng, không sử dụng hết kinh phí phải hủy dự toán, công tác phân bổ vốn còn chậm, chưa đảm bảo thứ tự ưu tiên… Từ đó, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị để chấn chỉnh công tác quản lý, chỉ đạo đối với từng chương trình.
Đẩy mạnh kiểm toán môi trường
Trong giai đoạn 2018-2021, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã đẩy mạnh kiểm toán môi trường - lĩnh vực kiểm toán mới tại Việt Nam, có tác động lan tỏa tích cực đến nhiều mục tiêu phát triển bền vững. Trong giai đoạn 2018 - 2021, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã đưa vào kế hoạch thực hiện trên 32 cuộc kiểm toán, trong đó đã triển khai 8 cuộc kiểm toán hoạt động chuyên đề sâu về các vấn đề môi trường như công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, nhà máy nhiệt điện; kiểm toán công tác quản lý chất thải y tế, phế liệu nhập khẩu, việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mekong gắn với các mục tiêu phát triển bền vững.
Qua kết quả kiểm toán cho thấy, việc ban hành văn bản hướng dẫn công tác quản lý môi trường thiếu đồng bộ. Công tác thẩm định, phê duyệt hồ sơ, cấp phép đề án bảo vệ môi trường còn hạn chế, thiếu biện pháp quản lý, giám sát tình hình khắc phục của các cơ sở vi phạm. Công tác quy hoạch, thực hiện quy hoạch tổng thể quản lý xử lý chất thải còn tồn tại, bất cập. Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, chưa xây dựng, lắp đặt đầy đủ các công trình bảo vệ môi trường đối với nước thải, khí thải. Nhiều cơ sở đang hoạt động có nguy cơ xả thải, tác động xấu đến môi trường…
Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã kiến nghị đối với các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý, khắc phục, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong quá trình phê duyệt các thủ tục, hồ sơ môi trường; hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách về quản lý môi trường gắn với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; xử lý nghiêm các cơ sở hoạt động chưa tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường...
Nỗ lực đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững
Xác định phát triển bền vững là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế và mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc, trong thời gian tới Kiểm toán Nhà nước Việt Nam tiếp tục từng bước hoàn thiện, nâng cao năng lực kiểm toán từ khâu lập kế hoạch đến thực hiện kiểm toán, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của Việt Nam theo các mục tiêu đã đề ra.
Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động kiểm toán để tăng cường chất lượng, hiệu lực kiểm toán trong lĩnh vực liên quan đến đánh giá việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững quốc gia và từng địa phương; chú trọng phát triển các phương pháp thu thập bằng chứng kiểm toán mới, phù hợp với yêu cầu, mục tiêu kiểm toán đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam sẽ kiện toàn tổ chức bộ máy, phát triển nguồn nhân lực theo hướng tinh gọn, chuyên sâu; phát triển đội ngũ đủ về số lượng, cơ cấu hợp lý, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu kiểm toán đối với các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội từ trung ương đến địa phương.
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam tiếp tục tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế để tham khảo, chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam; học tập kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế, các cơ quan kiểm toán tối cao có kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm toán này; đẩy mạnh cơ chế phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về phát triển kinh tế-xã hội; tạo nền tảng đồng thuận chung trong các đánh giá và kiến nghị của kiểm toán trong lĩnh vực kiểm toán các mục tiêu về phát triển bền vững.