Phát triển năng lực trong kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững
Theo Điều khoản tham chiếu đề xuất về việc thành lập ASOSAI WGSDG, sứ mệnh của ASOSAI WGSDG là thúc đẩy vai trò của cộng đồng ASOSAI thông qua việc đóng góp vào các mục tiêu quốc gia và đánh giá việc thực hiện SDGs trong khu vực bằng cách nâng cao kiến thức, kỹ năng và sử dụng các chỉ số SDGs thích hợp của các kiểm toán viên. Mục tiêu chiến lược của Nhóm nhằm đẩy mạnh việc chia sẻ kiến thức và phát triển năng lực trong cộng đồng ASOSAI đối với lĩnh vực kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững; thực hiện các SDGs và giải quyết các thách thức môi trường toàn cầu.
Nhóm công tác ASOSAI WGSDG sẽ tiến hành các hoạt động khác nhau về SDGs theo đúng kế hoạch hoạt động, gồm các báo cáo kiểm toán, chương trình đào tạo, hội thảo, dự án nghiên cứu, trao đổi thư từ với các cơ quan quốc tế có liên quan đến SDGs… và bất kỳ hoạt động nào khác mà các thành viên Nhóm công tác ASOSAI về SDGs đề xuất và ủng hộ.
Nhóm công tác ASOSAI về SDGs bao gồm tối đa 20 thành viên. Nếu số thành viên vượt quá con số này, quy trình bổ nhiệm sẽ được áp dụng bằng cách bỏ phiếu từ các thành viên là đại diện các Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) thuộc ASOSAI. Chủ tịch có thể là đại diện từ các cơ quan quốc tế/khu vực với vai trò là quan sát viên. Nhóm công tác ASOSAI về SDGs dự kiến sẽ hoạt động cho đến khi kết thúc Chương trình Nghị sự của Liên hợp quốc vào năm 2030 và có thể được gia hạn nếu cần thiết.
Điều khoản tham chiếu chỉ rõ, các thành viên của ASOSAI WGSDG phải chủ động tham gia tích cực vào ít nhất một dự án mỗi năm, nếu được yêu cầu. Do đó, các thành viên cần có sự hỗ trợ đầy đủ từ các SAI để đáp ứng yêu cầu này. Mỗi thành viên được yêu cầu cung cấp các báo cáo/hoạt động có liên quan đến SDGs để phát triển cơ sở dữ liệu SDGs và thực hiện quy trình tiếp theo trong khu vực ASOSAI.
Các nhóm dự án ASOSAI WGSDG được thành lập nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn thành các dự án ASOSAI WGSDG. Mỗi nhóm dự án có trách nhiệm bầu ra một trưởng ban chịu trách nhiệm tổ chức các hoạt động của nhóm dự án. Các thành viên của Nhóm công tác ASOSAI về SDGs sẽ tổ chức họp hàng năm. Các cuộc họp có thể được tổ chức bởi một SAI thành viên hoặc theo đánh giá của Chủ tịch. Tổ chức cuộc họp thường niên của Nhóm công tác ASOSAI về SDGs là tự nguyện.
Xây kế hoạch ứng phó với các khủng hoảng trong tương lai
Theo SAI Hàn Quốc - Chủ tịch Ủy ban đặc biệt nghiên cứu tính khả thi của việc thành lập Nhóm công tác kiểm toán quản lý khủng hoảng ASOSAI, trong bối cảnh đại dịch diễn ra hết sức phức tạp cùng với những thách thức an ninh phi truyền thống, mỗi chúng ta cần phải trân trọng giá trị về sự an toàn của từng quốc gia. Vì vậy, cần phải xây dựng được những phương pháp đối mặt với việc quản lý khủng hoảng cụ thể để mỗi SAI có được cơ chế minh bạch, rõ ràng nhằm thúc đẩy việc Chính phủ tham gia ứng phó với những khủng hoảng.
Trước yêu cầu đó, Nhóm công tác kiểm toán quản lý khủng hoảng ASOSAI đã được thành lập với khoảng 150 người đến từ 42 SAI thành viên. Nhóm đã cùng nhau chia sẻ thông tin về tầm quan trọng của kiểm toán khủng hoảng cũng như xây dựng sự đồng thuận, tính khả thi về lập một báo cáo nghiên cứu về quản lý khủng hoảng.
Báo cáo gồm 4 nội dung: Tổng quan về quản lý khủng hoảng; khái niệm về khủng hoảng, quản lý khủng hoảng; tính chất của từng giai đoạn khủng hoảng; các vấn đề chính liên quan đến quản lý khủng hoảng.
Theo SAI Hàn Quốc, với việc thông qua Tuyên bố Bangkok tại Đại hội lần thứ XV, các SAI cần phải có những chiến lược, kế hoạch ứng phó với những khủng hoảng tương lai dựa vào đề cương tuyên bố này một cách tích cực hơn.