Các nội dung được thông qua tại Đại hội gồm: Báo cáo về thực hiện Kế hoạch chiến lược ASOSAI 2016-2021 và dự thảo Kế hoạch chiến lược ASOSAI giai đoạn mới 2022-2027; báo cáo của các nhóm công tác, đặc biệt là hai nhóm công tác mới của ASOSAI là Nhóm kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững và Nhóm kiểm toán quản lý khủng hoảng; báo cáo thực hiện Tuyên bố Hà Nội; Báo cáo về Hội nghị chuyên đề lần thứ 8; thông qua Tuyên bố Bangkok 2021.
Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch ASOSAI lần thứ 14, nhiệm kỳ 2018 - 2021 điều hành phiên toàn thể lần thứ nhất. Tổng Kiểm toán Nhà nước Thái Lan Chanathap Indamra - Chủ tịch ASOSAI lần thứ 15, nhiệm kỳ 2021- 2024 điều hành Phiên toàn thể lần thứ 2.
Tuyên bố Hà Nội đã giải quyết tốt các vấn đề toàn cầu
Trong Phiên toàn thể lần thứ nhất, Đại hội đã nghe Tổng Kiểm toán Nhà nước Trung Quốc Hầu Khải - Tổng Thư ký ASOSAI lần thứ 14 báo cáo Kế hoạch Chiến lược ASOSAI giai đoạn 2016-2021 và Kế hoạch Chiến lược cho 2022-2027.
Theo ông Hầu Khải, đại dịch COVID-19 là thách thức lớn với tất cả các thành viên của tổ chức, một số hoạt động theo kế hoạch đã bị hủy bỏ hoặc trì hoãn, nhưng ASOSAI đã thể hiện khả năng phục hồi, nhanh nhẹn và quyết tâm của mình, đồng thời quản lý một cách khoa học để thực hiện thành công. Kế hoạch sắp tới, ASOSAI mong đợi các thành viên có thể nâng cao khả năng phục hồi và thực hiện phản ứng nhanh chóng, phù hợp trước những thách thức mới; đồng thời, thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ của mình, mang lại giá trị lớn lao hơn cho các quốc gia và dân tộc.
Bên cạnh đó, báo cáo Tuyên bố Hà Nội cho thấy, ASOSAI đã tập trung vào những lĩnh vực có ý nghĩa to lớn trong việc mang lại giá trị và lợi ích cho người dân như: Nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe, cung cấp dịch vụ phúc lợi; phát triển bền vững lĩnh vực giáo dục công; an ninh lương thực bền vững; quản lý tài chính quốc gia bền vững; quản lý bền vững chính sách dân số và nhân khẩu học...
Giá trị chính của Tuyên bố Hà Nội là thực hiện thành công hai trụ cột chiến lược: “Thúc đẩy việc chia sẻ kiến thức trong cộng đồng ASOSAI, song song với hoạt động phát triển năng lực cho các SAI thành viên trong lĩnh vực kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” và “Thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và giải quyết thách thức về môi trường toàn cầu”.
Các khuyến nghị trong Tuyên bố Hà Nội của ASOSAI và các SAI thành viên cho thấy sự nghiêm túc và luôn chủ động để ứng phó với những thách thức chung của khu vực trong lĩnh vực kiểm toán công, trong đó có lĩnh vực kiểm toán môi trường và kiểm toán thực hiện mục tiêu phát triển bền vững - một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ mỗi quốc gia, khu vực châu Á và toàn cầu hiện nay. Các cuộc kiểm toán nói trên đã góp phần thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững ngày càng toàn diện, mạnh mẽ, đưa ra các phát hiện, kiến nghị kiểm toán hết sức giá trị cả về mặt chuyên môn và quản lý chính sách.
Các cuộc kiểm toán môi trường giúp Chính phủ áp dụng các biện pháp ngày càng mạnh mẽ, kịp thời để bảo vệ hệ môi trường sinh thái, đồng thời nâng cao nhận thức của các cơ quan hữu quan trong việc khắc phục các vấn đề một cách nghiêm túc, chủ động hơn; thiết lập cơ chế dài hạn và tạo điều kiện cho việc ban hành, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp lý, khung chính sách về môi trường quốc gia.
Thông qua Tuyên bố Bangkok 2021
Tại Phiên toàn thể thứ hai, dưới sự điều hành của Tổng Kiểm toán Thái Lan - Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2021-2024 và Tổng Kiểm toán Nhà nước Trung Quốc Hầu Khải - Tổng thư ký ASOSAI, Đại hội đã thông qua Tuyến bố Bangkok.
Tuyên bố Bangkok 2021 bao gồm bốn chương: SAI và thúc đẩy quản trị tốt trong trạng thái bình thường mới tiếp theo; SAI và các biện pháp khuyến khích để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDG); SAI và việc tận dụng các công nghệ tiên tiến để kiểm toán khu vực công; SAI và ứng phó với các vấn đề thiên tai và đại dịch.
Theo Tuyên bố Bangkok 2021, đại dịch COVID-19 đã định hình lại tương lai của kiểm toán khu vực công, dẫn đến cải cách mới trong những thách thức của trạng thái bình thường mới tiếp theo. Mặc dù đại dịch là một trở ngại đầy thách thức đối với kiểm toán khu vực công, nhưng nó tạo ra cơ hội phát triển trong giai đoạn bình thường mới, đặc biệt là tận dụng các công nghệ kiểm toán từ xa và làm việc từ xa. Tuy nhiên, các SAI đang đối mặt với kỷ nguyên bình thường tiếp theo, có liên quan đến hậu đại dịch COVID-19.
Trước đại dịch COVID-19, hậu quả của sự gián đoạn kỹ thuật số đã dẫn đến chuyển đổi kỹ thuật số, điều này đã định hình lại sự thay đổi mô hình toàn cầu. Đại dịch đã gây ra sự thay đổi mô hình toàn cầu, làm thay đổi ít nhất ba vấn đề, đó là: Kỳ vọng của người dân đối với Chính phủ; vai trò của Chính phủ trong đại dịch; cải cách hệ thống y tế công cộng và Chính phủ sau đại dịch.
Hậu đại dịch khiến thế giới phải suy nghĩ lại một lần nữa để đáp ứng các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), đặc biệt là công nhận khái niệm "không bỏ lại ai phía sau" (LNOB). Trong thời gian tới, các SAI cần truyền đạt một kế hoạch nhất quán để xây dựng một quốc gia kiên cường có khả năng liên tục vượt qua các rủi ro của COVID-19, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Thông điệp chính tại Đại hội trực tuyến ASOSAI 15 cho thấy cộng đồng ASOSAI chuẩn bị cho trạng thái bình thường mới tiếp theo trong kiểm toán khu vực công, được công bố trong Tuyên bố Bangkok 2021: SAI và việc chuẩn bị cho trạng thái bình thường mới tiếp theo.