Trong đó Sơn La 2 người do lũ cuốn trôi; Thanh Hóa 1 người do sạt lở đất đá, 1 người do lũ cuốn trôi; Nghệ An 6 người do lũ cuốn trôi. Có 2 người bị mất tích do lũ cuốn trôi: Sơn La 1 người, Thanh Hóa 1 người.
Hiện các tuyến đường vẫn sạt lở gây ách tắc giao thông là Quốc lộ 6C, 43, 4G địa phận tỉnh Sơn La; Quốc lộ 37 địa phận tỉnh Yên Bái bị sạt lở ta luy dương; các tuyến Quốc lộ 15, 15C, 16, 217, 217B, 47 thuộc địa phận tỉnh Thanh Hóa bị sạt lở; các tuyến Quốc lộ 7, 15, 16, 48, 48C, 48D, 48E thuộc địa phận tỉnh Nghệ An bị ngập và sạt lở một số điểm.
Ngoài ra còn một số tuyến tỉnh lộ, đường liên xã, liên thôn thuộc địa bàn tỉnh Nghệ An còn bị chia cắt do sạt lở và ngập cục bộ. Chính quyền địa phương đang huy động phương tiện, nhân lực tích cực khắc phục để các phương tiện được lưu thông bình thường.
Cho đến nay đã xảy ra 3 sự cố đê điều: Tỉnh Bắc Giang 2 sự cố kênh cánh cống (cống Đa Mai, đê hữu Thương và cống Yên Ninh, đê tả Cầu). Địa phương đã xử lý xong trong ngày 18/8, hiện cánh cống đã được đóng kín. Tỉnh Thanh Hóa xảy ra 1 sự cố bãi sủi tại K16+360 đê tả Chu. Địa phương đã xử lý giờ đầu và tiếp tục theo dõi sự cố.
Theo báo cáo của Chi cục Phòng chống thiên tai khu vực miền Nam, sáng 18/8, tại ấp Tân Phong, xã Đông Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau xảy ra giông lốc gây sập tường nhà dân, làm 2 người chết (Bà Trần Thị Út 59 tuổi và cháu Nguyễn Thị Niêm 4 tuổi).
Hiện các bộ, ngành, địa phương vẫn đang tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 1068 ngày 16/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Công điện số 38 ngày 15/8/2018 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai… Tập trung huy động lực lượng, phương tiện để khắc phục hậu quả do mưa, lũ sau bão gây ra, nhất là Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An; tiếp tục tìm kiếm người mất tích tại Sơn La, Thanh Hóa; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại.
Đặc biệt, tỉnh Nghệ An bố trí nơi ở cho các hộ dân bị mất nhà cửa, đảm bảo sinh hoạt cho những hộ dân phải sơ tán và bị cô lập tại 26 xóm, bản thuộc các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Tân Kỳ, Anh Sơn, Nghĩa Đàn. Kiểm soát chặt chẽ giao thông qua khu vực ngầm tràn, đò ngang, đò dọc, đường bị ngập sâu. Vận hành hồ chứa thủy điện, thủy lợi tuân thủ quy trình đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du; tuần tra canh gác, kịp thời xử lý giờ đầu các sự cố đê điều.
Trước những thiệt hại do bão số 4 gây ra đối với nhân dân các huyện Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Mường Lát… Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa đã chỉ đạo các đơn vị trên tuyến biên giới điều động 34 lượt phương tiện, ô tô, tàu, xuồng; trên 420 lượt cán bộ, chiến sĩ trực tiếp xuống địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương rà soát nắm các hộ dân trong khu vực có nguy cơ ngập úng, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét do mưa lũ, triều cường để di dời đến nơi an toàn.
Cán bộ chiến sĩ các Đồn Biên phòng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương bố trí máy móc, phương tiện tổ chức giải tỏa các điểm sạt lở trên tuyến Quốc lộ 15C, trong đó tập trung các khu vực bị nặng, các điểm giao thông xung yếu từ xã Trung Lý đi thị trấn Mường Lát. Do mưa đã giảm nên huyện Mường Lát phấn đấu đến cuối giờ chiều 19/8 sẽ cơ bản giải tỏa xong, thông tuyến trở lại Quốc lộ này.
Đến chiều 18/8, các tuyến đường lên huyện Bá Thước cơ bản đã được giải tỏa, thông tuyến. Đối với các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, huyện cũng đã di dời 102 hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; đồng thời tiếp tục triển khai các phương án khắc phục thiệt hại về lúa, hoa màu…, khẩn trương thực hiện các giải pháp ổn định đời sống nhân dân sau bão.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa đang tiếp tục chỉ đạo các đồn trên tuyến biên giới tăng cường cán bộ chiến sĩ xuống địa bàn, phối hợp với cấp ủy chính quyền các xã biên giới và địa phương bám sát diễn biến cũng như ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, đẩy nhanh tiến độ giải tỏa các điểm sạt lở, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn trên các tuyến quốc lộ, cũng như rà soát, kịp thời di dời các hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở tới nơi an toàn.