Chính quyền và các lực lượng chức năng địa phương đang khẩn trương khắc phục sự cố, thông đường trong thời gian sớm nhất.
Theo báo cáo của UBND huyện Mường Lát, tính đến sáng 18/8, trên địa bàn huyện có trên 50 điểm sạt lở chủ yếu nằm dọc tuyến quốc lộ 15C từ Trung Lý đi thị trấn Mường Lát, quốc lộ 16C và tỉnh lộ 521E, khiến huyện miền núi này bị cô lập.
Hiện Mường Lát đang tập trung triển khai công tác khắc phục hậu quả, trong đó quan trọng nhất là giải tỏa các điểm sạt lở, gây chia cắt, ách tắc giao thông trên tuyến quốc lộ 15C và các tuyến đường khác.
Theo đó, từ chiều 17 đến ngày 18/8, UBND huyện Mường Lát đã huy động 10 máy xúc giải tỏa các điểm sạt lở, đồng thời đề nghị Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ thêm máy móc, phương tiện.
Đến ngày 18/8, Sở Giao thông Vận tải tỉnh đã đưa 6 máy múc lên huyện Mường Lát để tập trung khắc phục các điểm sạt lở, gây chia cắt trên quốc lộ 15C. Nếu thời tiết thuận lợi, mưa giảm, dự kiến đến cuối giờ chiều 19/8 cơ bản giải tỏa xong các điểm ách tắc, thông tuyến trở lại.
Bên cạnh đó, mưa bão cũng làm huyện Mường Lát mất điện trên diện rộng từ sáng 17/8. Chủ tịch UBND huyện Mường Lát Cao Văn Cường cho biết: Mưa lũ đã gây ngập và làm đứt dây điện tại khu vực Hang Ma, xã Hồi Xuân, huyện Quan Hóa khiến huyện Mường Lát bị mất điện trên diện rộng. Hiện các đơn vị điện lực đang chờ nước rút mới có thể triển khai khắc phục.
Mưa bão cũng gây ra tình trạng sạt lở làm sập hoàn toàn 1 nhà dân tại bản Chai, xã Mường Chanh, huyện Mường Lát và khiến một người bị chết, nhiều nhà dân ở một số xã bi hư hỏng, nhiều diện tích lúa, hoa màu, ao hồ nuôi trồng thủy sản của người dân bị thiệt hại…
Trước mắt, UBND huyện Mường Lát đã chỉ đạo các xã, thị trấn, các ngành chủ động thăm hỏi, động viên các gia đình có người thiệt mạng, bị sập nhà, chịu thiệt hại nặng về hoa màu, đồng thời tiếp tục thực hiện nghiêm việc di dời các hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở tới nới an toàn.
Tại huyện Lang Chánh, mưa bão đã gây ra tình trạng sạt lở cho nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện. Trong đó nặng nhất là tại km 143, Quốc lộ 16 thuộc địa bàn Bản Vặn, xã Yên Thắng đã bị sạt lở ta ly dương gây lấp khoảng 70m đường, khối lượng đất sạt lở ước khoảng 500 m3. Ngoài ra, đường giao thông thôn Poọng đi bản Húng thuộc xã Giao Thiện cũng bị sạt lở 2 điểm với khối lượng đất đá sạt lở khoảng 750 m3.
Tình trạng sạt lở cũng gây thiệt hại về đường giao thông tại các tuyến tỉnh lộ và liên thôn, liên bản tại các xã Lâm Phú, Đồng Lương, Yên Khương. Theo thống kê, huyện Lang Chánh đã sơ tán 114 hộ dân với 457 nhân khẩu của 8 xã đến ở xen ghép với các hộ an toàn trong các thôn, bản khác. Đối với một số đường tràn vẫn còn bị ngập nước, huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn cắt cử các tổ trực chốt hai bên đường tràn để hướng dẫn và cương quyết ngăn chặn người và các phương tiện giao thông qua lại khi nước ngập và chảy xiết.
Tại huyện miền núi Bá Thước, do lượng mưa giảm, nước rút dần nên một số điểm ngập úng sâu gây chia cắt giao thông đã cơ bản thông tuyến. Một số điểm sạt lở trên địa bàn huyện Bá Thước đã được UBND huyện huy động máy móc, nhân lực giải tỏa các điểm sạt lở.
Đến thời điểm hiện tại, các tuyến đường lên huyện Bá Thước cơ bản đã được giải tỏa, thông tuyến. Đối với các khu vực có nguy cơ cao xẩy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, huyện cũng đã di dời 102 hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; đồng thời tiếp tục triển khai các phương án khắc phục thiệt hại về lúa, hoa màu…, khẩn trương thực hiện các giải pháp ổn định đời sống nhân dân sau bão.