Nhằm sớm ổn định cuộc sống người dân, tỉnh Điện Biên đang tập trung nhân lực khắc phục hậu quả và chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ đang diễn biến cực đoan trên địa bàn.
Huyện Điện Biên là địa phương chịu ảnh hưởng lớn nhất khi có 4 ngôi nhà (ở các bản Tâu, Na Hý xã Hua Thanh) bị sạt lở đất, đất sạt vào nhà làm hư hỏng nhà, các công trình phụ, trong đó 2 hộ dân phải di dời khẩn cấp.
Toàn huyện có hơn 17 ha ruộng lúa bị lũ cuốn, cát lấp, sạt lở, mức thiệt hại từ 30 - 70%, chủ yếu xảy ra tại hai xã Thanh Nưa và Hua Thanh; hơn 11 ha lúa ruộng bị đất đá vùi lấp, mức thiệt hại trên 70%, rải rác tại các xã vùng ngoài lòng chảo Mường Thanh. Ngoài ra, gần 10 ha ao nuôi cá, nhiều đàn gia cầm của người dân trên địa bàn cũng bị nước lũ cuốn trôi, sạt lở vùi lấp; đường ống dẫn nước sinh hoạt ở Mường Lói bị hư hại nặng …
Anh Quàng Văn Thương, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho biết: Rạng sáng 16/8 mực nước ở hai con suối Me Lẻ, Huổi Co Lót dâng cao đột ngột khiến nhà tôi bị lũ ngập gầm sàn sâu 1 mét, hơn 600 m2 ao cá bị nhấn chìm trong nước lũ, gần 100 con gà cũng trôi theo lũ.
Chị Lò Thị Hịa, bản Tâu, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên ngậm ngùi kể lại, mưa to xảy ra làm quả đồi sau nhà sạt lở, đổ ập đất xuống, nhà cửa bị hư hỏng, gà vịt, lúa gạo cũng không kịp lấy, ba mẹ con tôi phải chạy khỏi nhà trong đêm mưa vì quá hoảng sợ.
Trong các ngày 16 - 17/8, tại các địa bàn bị thiệt hại do mưa lũ, chính quyền địa phương đã huy động các lực lượng dân quân tự vệ, công an, bộ đội biên phòng đóng chân trên địa bàn sơ tán người dân, di chuyển nhà cửa, đồ đạc, tài sản ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, lũ lụt để giảm thiệt hại, đảm bảo tính mạng của người dân an toàn khi tình huống xấu xảy ra.
* Tại Hòa Bình, theo tin nhanh từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, từ ngày 16 - 17/8, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xuất hiện mưa to đến rất to, có nơi lượng mưa đo được lên đến 207,8 mm như xã Đồng Bảng, huyện Mai Châu; xã Tân Pheo, huyện Đà Bắc 171,4 mm; xã Xuân Phong huyện Cao Phong 144,8 mm; xã Tiến Sơn, huyện Lương Sơn 139,4 mm; tại xã Độc Lập, huyện Kỳ Sơn và thành phố Hòa Bình là gần 100 mm. Mưa lớn đã dẫn đến tình trạng ngập úng, sạt lở đất đá gây ách tắc nhiều tuyến đường giao thông trong tỉnh.
Hiện 4 tuyến đường tỉnh (432, 433, 436, 439) bị ách tắc do sạt lở taluy dương với khối lượng rất lớn và các vị trí ngầm nước ngập sâu đến hơn 5m, các phương tiện chưa thể lưu thông được.
Ngoài ra, mưa lớn cũng đã làm tốc mái hoàn toàn 4 nhà dân ở xã Tân Minh, huyện Đà Bắc, 16 ha ruộng bị lũ cuốn trôi (đây là lần thứ 2 người dân phải gieo cấy lại); huyện Cao Phong có 5 nhà bị tốc mái hoàn toàn.
Tại Tiểu khu II, thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn có 6 hộ nằm trong khu vực sạt lở nguy hiểm với vết rạn nứt đất đá rộng khoảng 30cm (trong đó 1 hộ bị sạt lở đất đá phủ kín tường bao), 16 hộ dân tại xóm Rổng Vòng, xã Lâm Sơn bị đất đá sạt lở phủ kín ngõ đi lại và 2 hộ dân bị ngập úng, 1 hộ dân ở xóm Cao, xã Cao Răm bị đất đá sạt lở đến tường nhà, gây ngập úng đến 3 hộ dân.
Tại huyện Mai Châu, 3 hộ dân có nguy cơ cao bị sạt lở đất, ở xóm Diềm 2, xã Tân Dân sạt lở đá taluy dương vào Trường Mầm non và 6 nhà dân, trạm thu phát đài truyền thanh – truyền hình bị đổ 8m tường bao, hơn 40 ha lúa bị ngập úng…
Nhằm khắc phục thiệt hại, UBND tỉnh Hòa Bình đã có công văn chỉ đạo các địa phương huy động lực lượng và phương tiện để khắc phục hậu quả mưa lũ; cắm biển cảnh báo, chăng dây khu vực nguy hiểm, các điểm sạt lở, khu vực ngầm bị ngập nước cấm các phương tiện giao thông và người qua lại; sơ tán, di chuyển dân ra khỏi khu vực có nguy cơ bị sạt lở đảm bảo an toàn cho người dân; huy động toàn bộ lực lượng, máy móc thiết bị dọn đất đá đảm bảo thông xe trong thời gian sớm nhất.
* Tại Nghệ An, do ảnh hưởng của bão số 4 và do các hồ thủy điện xả lũ, mực nước các sông lên nhanh đã gây ngập nước tại một số xã ở các huyện miền núi. Ngay trong chiều và tối 17/8 các ngành chức năng và chính quyền địa phương đã tổ chức giúp dân sơ tán đồ đạc và di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm.
Xã Bồng Khê là một trong những địa phương bị nước ngập nhiều nhất huyện miền núi Con Cuông, Nghệ An. Ngay trong chiều và tối ngày 17/8, 13 hộ dân, với 52 nhân khẩu trong xã đã phải sơ tán đến nơi an toàn. Tại thị trấn huyện Con Cuông có 35 hộ dân bị cô lập, nước ngập tràn vào nhà, buộc phải sơ tán. Ở huyện Kỳ Sơn giáp biên giới với Lào do mực nước thượng nguồn sông Cả lên nhanh gây ngập lụt buộc huyện phải lên phương án di dời 103 hộ dân…
Trong tình huống cấp bách lũ lụt, ngập nước, xác định nếu không khẩn trương di dời người và tài sản của người dân đến nơi an toàn thì sẽ gây thiệt hại lớn, nhất là an toàn tính mạng của người dân, chính quyền các địa phương đã tích cực, khẩn trương phối hợp với các ngành chức năng huy động hàng trăm lượt cán bộ, chiến sỹ và người dân nhanh chóng tìm mọi cách di chuyển đồ đạc đến vị trí cao hơn, cũng như sơ tán người già và trẻ nhỏ đến nơi an toàn.
Ở huyện Quỳ Hợp một trong những địa phương bị ngập lụt nặng nhất của tỉnh Nghệ An, các ngành, địa phương đã vào cuộc một cách tích cực với phương châm 4 tại chỗ. Ngày 17/, hầu hết cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Quỳ Hợp đã không quản khó khăn, nguy hiểm vào tận nhà các hộ dân để giúp dân di dời đồ đạc, tài sản và người. Ở huyện Kỳ Sơn, cán bộ chiến sỹ biên phòng cũng đã phối hợp tích cực với chính quyền địa phương để di dời đồ đạc, đưa người dân đến nơi an toàn.
Ở các vùng ngập lụt tại các huyện miền núi Nghệ An, việc di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn gặp nhiều khó khăn do địa hình phức tạp, đường giao thông ngập lụt, chia cắt, sạt lở đất đá có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhưng tất cả đều đặt mục tiêu an toàn cho người dân lên trên hết.
Tối 17/8 mực nước các sông, suối ở các huyện miền núi vẫn đang dâng, đồng nghĩa với nguy cơ ngập lụt vẫn còn có thể xảy ra. Chính quyền địa phương và các ngành chức năng vẫn đang tích cực túc trực và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản của người dân.