Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to trên diện rộng, lượng mưa đo được trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có thời điểm trên 1.000mm khiến nhiều nơi tại thành phố Hòa Bình cùng các huyện xảy ra lũ, lũ quét và sạt lở đất làm thiệt hại nhà cửa tài sản người dân và nhiều tuyến đường trong tình trạng bị ách tắc chưa thể lưu thông.
Hiện nay, nhiều điểm "nóng" cần được khẩn trương khắc phục như: 9 hộ sập nhà hoàn toàn, 10 hộ sập nửa nhà, 9 hộ nhà bị rạn nứt to có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào tại khu vực tổ 26 phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình; khu vực phía Đông đồi ông Tượng (thành phố Hòa Bình) nguy cơ sạt lở đất đồi vùi lấp khu nhà hành chính công; tuyến đường xóm Tháu đi xóm Vôi, xóm Bích, xóm Trụ, xã Thái Thịnh, thành phố Hòa Bình bị sạt lở nhiều điểm với khối lượng đất đá khá lớn đã cắt đứt giao thông nhiều ngày nay.
Đặc biệt nghiêm trọng, trong ngày 30/7, tại khu vực tại Km 3, tỉnh lộ 445, địa bàn xóm Máy Giấy, xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình, đã xảy ra sạt lở taluy dương với khối lượng khoảng 600m3, từ lý trình 3+100 đến lý trình 3+200. Mặt đường xuất hiện vết nứt kéo dài khoảng 100m, chiều rộng vết nứt lớn nhất lên đến khoảng 20cm; mặt đường có chỗ lún sâu hơn 40cm.
Đến ngày 2/8, điểm sạt lở này tiếp tục bị sụt lún và trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều, vết nứt kéo dài hơn và vị trí sâu từ mặt đường cũ với mặt đường bị sụt lún đã cách nhau gần khoảng 1m. Các vết nứt tường, móng của các ngôi nhà trong vùng di chuyển đã lớn hơn và nghiêng hẳn về phía bờ sông Đà, khả năng sập đổ bất cứ lúc nào.
Nguy hiểm hơn, đất đá trên đồi thuộc phần đất của nghĩa trang xã Dân Hạ tiếp tục bị sạt lở xuống đường, chỉ còn khoảng 3m. Trước tình hình này, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Hoàng Văn Minh cho biết, chính quyền địa phương đang khẩn trương di dời khoảng 30 ngôi mộ của người dân đến địa điểm khác.
Việc di dời 8 hộ dân tại khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn cũng được hoàn tất. Ông Hoàng Văn Minh mong muốn lãnh đạo tỉnh Hòa Bình sớm có biện pháp khắc phục, tuyến đường sớm được lưu thông trở lại để ổn định đời sống kinh tế, sinh hoạt tại địa phương.
Mặc dù, các cơ quan chức năng đã cấm các phương tiện giao thông qua lại ở khu vực nguy hiểm trên tuyến tỉnh lộ 445 từ ngày 30/7 nhưng rạng sáng 2/8, vẫn có một số người dân bất chấp nguy hiểm gỡ rào chắn để đi lại. Sau khi vụ việc diễn ra, chính quyền địa phương đã tăng cường kiểm tra, trực 24/24h, tuyệt đối không để tình trạng này lặp lại.
Trước tình hình sạt lở nghiêm trọng tại khu vực tổ 26, phường Đồng Tiến và tỉnh lộ 445 thuộc khu vực xóm Máy Giấy, xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn, Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành khảo sát, đánh giá tình hình sạt lở các khu vực thuộc địa bàn huyện Kỳ Sơn và thành phố Hòa Bình.
Đồng thời, Đài Khí tượng Thủy văn Hòa Bình, Công ty Thủy điện Hòa Bình, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình tiến hành đo vẽ địa hình lòng sông Đà khu vực sạt lở tại tổ 26, phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình làm cơ sở, từ đó đưa ra các biện pháp khắc phục báo cáo các cấp có thẩm quyền để có phương án khắc phục, ổn định đời sống nhân dân.