Người dân làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Bình Dương. Ảnh: Hải Âu/TTXVN |
Nêu rõ mục tiêu của nền hành chính là công khai, minh bạch, trong sạch, xây dựng một nền hành chính có hiệu lực, hiệu quả, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: Để đáp ứng yêu cầu này, việc xây dựng được cơ sở pháp lý để cơ quan hành pháp điều hành quản trị, quản lý theo tinh thần pháp quyền trong điều kiện hiện nay là điều rất cần thiết.
Dự án Luật Hành chính công phải đảm bảo phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng không trùng lặp với các luật hiện hành, đồng thời đảm bảo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước.
Theo đại biểu Quốc hội, Trưởng Ban soạn thảo dự luật Trần Thị Quốc Khánh, vấn đề phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự luật đã được rà soát nhiều lần từ năm 2013 trong quá trình nghiên cứu, đề xuất sáng kiến xây dựng luật. Qua quá trình nghiên cứu, rà soát, bà Khánh cho hay, trong quản lý điều hành nền hành chính, hệ thống pháp luật hiện chỉ có các qui định mang tính chuyên ngành với những nguyên tắc của từng đạo luật, mà chưa có quy định về những nguyên tắc chung.
Chính vì chưa có một đạo luật chung về nền hành chính công nên từng đạo luật của các bộ, ngành chủ trì soạn thảo không thể khắc phục được tình trạng cục bộ, hầu hết các cơ quan chủ trì soạn thảo đều muốn thuận lợi cho cơ quan mình mà không nhìn thấy khó khăn của các bộ, ngành khác cũng như khó khăn của người dân và doanh nghiệp.
Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, GS.TS Phan Trung Lý nhìn nhận, việc Quốc hội chấp nhận đưa vào chương trình xây dựng pháp luật dự án Luật Hành chính công là sự đổi mới quan trọng trong công tác lập pháp bởi phần lớn các luật do Chính phủ trình, còn dự án Luật này do đại biểu Quốc hội trình, dù đây không phải lần đầu tiên đại biểu Quốc hội có ý tưởng và trình dự án luật. Theo GS.TS Phan Trung Lý, dự luật này nếu được ban hành sẽ góp phần thể chế hóa nhiều chủ trương của Đảng, Nhà nước.
PGS.TS Đinh Xuân Thảo, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp cho rằng, dự luật Hành chính công áp dụng với mọi tổ chức, cá nhân, kể cả tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động liên quan đến Việt Nam và không trùng lắp với nội dung của các luật khác. Tuy nhiên, dự luật cần đưa ra định nghĩa về hành chính công đúng nhất, bởi nếu hiểu về hành chính công quá rộng thì sẽ trùng vào các luật khác.
Theo TS Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp, quy định về hành chính công, nền hành chính công… chiếm đến 50% số văn bản đã ban hành. Vì vậy, ông Sơn cho rằng, dự luật nên hướng tới quy định những nguyên tắc chung nhất của nền hành chính công làm cơ sở cho các luật đã ban hành quy định các nội dung, lĩnh vực cụ thể.
Nhiều ý kiến tham gia hội thảo đồng tình với việc cần thiết phải xây dựng dự án Luật Hành chính công. Có ý kiến cho rằng, hành chính công liên quan đến cấu trúc bộ máy Nhà nước nói chung nhưng trong đó tập trung nhất vào tổ chức, hoạt động của bộ máy hành chính và việc thực hiện chức năng hành chính, cung cấp dịch vụ công cho xã hội, công dân nên khi xác định phạm vi điều chỉnh của luật chỉ điều chỉnh đối với hoạt động diễn ra trong quá trình các chủ thể hành chính Nhà nước thực hiện chức năng triển khai thực hiện pháp luật và cung cấp dịch vụ công...