Cải cách hành chính “chuyển nhưng chưa biến”
Mặc dù cơ quan quản lý Nhà nước đã nỗ lực cải thiện nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng thủ tục hành chính (TTHC) vẫn là rào cản lớn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Đơn cử trong lĩnh vực kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu, sự chồng chéo trong quy trình kiểm tra chuyên ngành đang cản trở và giảm tính cạnh tranh của sản phẩm.
Doanh nghiệp đến bộ phận “một cửa” Cục Thuế tỉnh Quảng Trị nhờ tư vấn lĩnh vực thuế. Ảnh: Hoàng Hùng – TTXVN |
Bà Thái Thị Hoa, đại diện Công ty giày Chinlu (Bến Lức, Long An) cho biết, công ty này thực hiện gia công giày các loại nên để hoàn thiện sản phẩm phải nhập một số vải và nguyên phụ liệu. Theo quy trình kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, trước khi nhập hàng phải kiểm tra chất lượng. Cụ thể, 25m nguyên liệu là phải lấy mẫu để kiểm tra, 10 mẫu giống nhau cũng phải kiểm tra... nên trung bình mỗi tháng doanh nghiệp chi phí từ 40 - 50 triệu đồng cho hoạt động kiểm tra mẫu. Điều này gây lãng phí, giảm sức cạnh tranh sản phẩm của DN.
Một số doanh nghiệp chuyên kinh doanh mặt hàng khí hóa lỏng cũng cho biết hiện nay, các quy định quản lý mặt hàng khí hóa lỏng vẫn còn sự chồng chéo, dù hành lang pháp lý đối với mặt hàng này đã được xây dựng tương đối đầy đủ. Cụ thể, mặt hàng khí hóa lỏng muốn thông quan phải có chứng nhận đủ tiêu chuẩn, đồng thời phải có thêm kết quả của tiêu chuẩn đo lường chất lượng địa phương. Trong khi đó, để hoàn chỉnh các thủ tục này thì DN mất khá nhiều thời gian, dẫn đến tình trạng chậm hàng hoặc hàng nằm chờ tại kho, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thời gian qua, cải cách TTHC có bước “chuyển nhưng chưa biến”, có tiến bộ nhưng chưa đột phá, đặc biệt ở khâu thực thi. Ông Lộc cho rằng, điểm yếu trong TTHC hiện nay không phải thủ tục riêng lẻ của từng cơ quan mà là tính liên thông, phối hợp giữa các bộ ngành. Chẳng hạn như để kiểm định hàng hóa xuất nhập khẩu, hải quan làm tốt nhưng các cơ quan chuyên ngành lại không thực hiện được nên không thể kết nối. Đây là điểm nghẽn rất lớn, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của Việt Nam với các nước.
Ông Lộc cho biết, đến cuối năm 2015 đã công bố được 5.800 TTHC. Trong số đó, có đến 2.800 TTHC (gần 50%) được quy định bởi thông tư của các Bộ, ngành không phù hợp theo Hiến pháp và Luật DN mới và tới 30% thủ tục bất hợp lý. “Đây là điều không thể chấp nhận trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Đích đến là sự hài lòng của người dânÔng Vũ Tiến Lộc cho rằng, TTHC không chỉ đơn giản là cắt bỏ, tháo gỡ khó khăn và còn phải nhằm mục tiêu thuận lợi hóa các thủ tục thương mại đầu tư, thậm chí hỗ trợ tích cực cho người dân và DN. Trong cải cách TTHC, sự hài lòng của người dân là điểm tựa quan trọng nhất. Vì vậy, Chủ tịch VCCI đề xuất tạo cơ chế cạnh tranh trong thực hiện dịch vụ công, do tư nhân thực hiện nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân. Theo đó, có 2 cấp thực hiện TTHC công.
Cấp 1 là phục vụ theo đúng tiêu chuẩn, đúng trách nhiệm. Cấp 2 là thực hiện dịch vụ hành chính công theo yêu cầu và DN sẵn sàng trả tiền cho dịch vụ này. Với việc chuyển giao dịch vụ công cho các tổ chức xã hội và cạnh tranh lành mạnh với cơ quan Nhà nước thì cả người dân, DN và cơ quan Nhà nước đều được lợi. Cụ thể, người dân, DN được thuận lợi trong thủ tục còn cơ quan Nhà nước có thêm nguồn thu đồng thời khuyến khích tạo động lực để bộ máy hành chính thay đổi. “Sự hài lòng của người dân là điểm đến cuối cùng để khẳng định chất lượng TTHC cũng như sự vững mạnh của Nhà nước. Đây là một mũi tên trúng hai đích”, ông Lộc giải thích.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa kiến nghị, cần nghiên cứu giải pháp cải cách TTHC một cách mạnh mẽ theo hướng tập trung, có giám sát cũng như đưa ra chỉ tiêu cắt giảm thời gian, chi phí tuân thủ, tránh tình trạng một số ngành lợi dụng tăng thu nhập.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, để năm 2016 là năm tiến bộ vượt bậc về cải cách TTHC, cần tập trung thực hiện TTHC trong các lĩnh vực liên quan đến cung cấp dịch vụ công; thực hiện đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính. Hội đồng tư vấn cải cách TTHC cần phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đánh giá, đề xuất sáng kiến cải cách theo chỉ đạo của Thủ tướng.