Hoàn thiện Luật Hòa giải ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới

Ngày 19/5, tại Hà Nội, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) tổ chức tọa đàm “Định hướng hoàn thiện Luật Hòa giải ở cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới”.

Chú thích ảnh
Phó Cục trưởng Cục PBGDPL&TGPL Ngô Quỳnh Hoa phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: VGP/Kim Liên

Phát biểu khai mạc, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) Ngô Quỳnh Hoa cho biết: Tính hết năm 2024, cả nước có 87.396 tổ hòa giải được thành lập tại thôn, tổ dân phố với 549.446 hòa giải viên, tỷ lệ hòa giải thành đạt 85,95%. Đến nay, hầu hết mỗi thôn, tổ dân phố có 1 tổ hòa giải. Bên cạnh các kết quả nêu trên, sau 10 năm triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở vẫn tồn tại một số điểm hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được sự phát triển của đất nước và thế giới. Quy định phạm vi hòa giải ở cơ sở còn bó hẹp, chưa mở rộng các mối quan hệ xã hội có thể được hòa giải ở cơ sở để tạo điều kiện giải quyết nhanh chóng các tranh chấp, mâu thuẫn nhằm giải phóng nguồn lực cho người dân tập trung vào phát triển kinh tế.

Các quy định về phạm vi hòa giải ở cơ sở chưa rõ ràng về trường hợp được hòa giải ở cơ sở gây khó khăn cho hòa giải viên khi xác định vụ việc có thuộc phạm vi hòa giải không; chưa có cơ chế, chính sách thiết thực để huy động những người có uy tín, trình độ, am hiểu kiến thức pháp luật tham gia làm hòa giải viên ở cơ sở; thu hút các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia đóng góp, hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở.

Trong bối cảnh sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo định hướng, Kết luận của Bộ Chính trị theo hướng bỏ chính quyền cấp huyện, các quy định tại Luật Hoà giải ở cơ sở năm 2013 liên quan đến cấp huyện không còn phù hợp. Để kịp thời tạo điều kiện cho các địa phương tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trong lĩnh vực tư pháp, Bộ Tư pháp đã tham mưu trình Chính phủ Nghị định quy định về phân cấp, phân định thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực tư pháp khi tổ chức chính quyền hai cấp, trong đó xử lý các quy định về phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện một số nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân cấp huyện trong công tác hoà giải ở cơ sở. Dự kiến Nghị định hết hiệu lực thi hành vào tháng 3/2027.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Hoà giải ở cơ sở nhằm khắc phục những bất cập nêu trên, đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tiễn là yêu cầu cấp bách, cần phải thực hiện và trình Quốc hội thông qua trong năm 2026, để có hiệu lực thi hành trước thời điểm hết hiệu lực của Nghị định của Chính phủ quy định về phân cấp trong lĩnh vực tư pháp, qua đó nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở cũng như công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở, góp phần thiết thực vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Đại diện Sở Tư pháp Hà Nội cho biết, từ khi Luật Hòa giải ở cở sở có hiệu lực thi hành, công tác tổ chức và hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ hòa giải thành hằng năm đều tăng, trung bình tỷ lệ hòa giải thành từ năm 2014 đến nay đạt 84,54%, đặc biệt năm 2024 tỷ lệ hòa giải thành cao, đạt 90,86%. Mạng lưới tổ hòa giải được củng cố, kiện toàn thường xuyên và việc tổ chức bầu hòa giải viên được đa số các xã, phường, thị trấn thực hiện theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở.

Sở Tư pháp Hà Nội đề nghị xem xét, xác định rõ vai trò định hướng của cơ quan Đảng trong hoạt động hòa giải ở cơ sở. Qua thực tế cho thấy khi xác định vai trò cơ quan của Đảng trong hoạt động hoà giải thì hoạt động hoà giải ở cơ sở được quan tâm đi vào thực chất. Hiện nay, quy định về phạm vi hòa giải còn mang tính định tính, chưa đầy đủ và chưa phản ánh rõ ràng những tranh chấp nào thuộc thẩm quyền hòa giải ở cơ sở. Vì vậy cần làm rõ các loại mâu thuẫn, tranh chấp được và không được hòa giải ở cơ sở. Bổ sung quy định để mở rộng phạm vi điều chỉnh phù hợp với thực tế phát sinh nhiều dạng mâu thuẫn mới, nhất là trong môi trường mạng, tranh chấp đất đai, dân sự đơn giản… 

Các ý kiến cho rằng, hiện nay, đội ngũ hòa giải viên chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm, thiếu kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải; điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hòa giải. Do đó cần quy định rõ tiêu chuẩn hòa giải viên về đạo đức, trình độ học vấn, am hiểu pháp luật; có chính sách đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng hòa giải bắt buộc, định kỳ; đưa quy định về đội ngũ tập huấn viên hoà giải ở cơ sở trong Luật Hòa giải ở cơ sở để phù hợp với việc triển khai Đề án của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024-2030”.

Đặc biệt, hiện nay, biên bản hòa giải thành chưa có giá trị pháp lý ràng buộc, gây khó khăn khi các bên vi phạm thỏa thuận, cần nghiên cứu cơ chế công nhận kết quả hòa giải thành có giá trị như một thỏa thuận dân sự hoặc được Tòa án xác nhận theo thủ tục rút gọn; tăng tính khả thi và hiệu lực thực tế của hoạt động hòa giải cơ sở; tăng cường công tác quản lý nhà nước và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác hòa giải ở cơ sở.

Tin, ảnh: Đỗ Bình (TTXVN)
Bắc Ninh tổng kết hòa giải ở cơ sở
Bắc Ninh tổng kết hòa giải ở cơ sở

Sở Tư pháp Bắc Ninh vừa đánh giá Kết quả triển khai, tổng kết thực hiện Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022”; kết quả thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN