Hiệu quả rõ rệt từ việc tinh gọn, sắp xếp bộ máy - Bài cuối: Địa phương vào cuộc quyết liệt 

Quảng Ninh, Vĩnh Phúc là hai tỉnh đi đầu trong công tác tinh gọn bộ máy, giảm biên chế. Chính sự vào cuộc quyết liệt của hai tỉnh này trong thời gian qua đã mang lại những hiệu quả rõ rệt. 

Giảm chồng chéo, rút ngắn thời gian làm việc

Quảng Ninh là một trong những đơn vị đi đầu trong việc rà soát, kiện toàn lại cơ cấu tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Đề án 25 về đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, thực hiện tinh giản bộ máy biên chế đã qua hơn 3 năm triển khai, cho thấy sự chuyển biến tích cực tại địa phương này.

Đây là địa phương đầu tiên thực hiện nhất thể hóa về lãnh đạo quản lý, sáp nhập các cơ quan Đảng và chính quyền có cùng chức năng, nhiệm vụ. Tỉnh đã hợp nhất hàng loạt cơ quan cấp huyện, sau khi được hợp nhất, các đơn vị này chỉ có một thủ trưởng và không quá hai cấp phó.

Theo Ban tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ninh, đến đầu tháng 4/2018, tỉnh đã hợp nhất Ban tổ chức với Phòng nội vụ, Ủy ban kiểm tra với Thanh tra cấp huyện tại 11/14 đơn vị hành chính trên địa bàn để giảm cồng kềnh, nâng cao hiệu quả bộ máy.

Ông Phạm Văn Bình, Trưởng cơ quan Kiểm tra - Thanh tra huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) cho biết, với việc hợp nhất hai cơ quan Kiểm tra - Thanh tra, quy trình và thời gian kiểm tra, thanh tra đối với một đơn vị được rút xuống một nửa. Các công việc sẽ được kết luận ngay trong một lần làm việc thay vì hai buổi riêng biệt của hai cơ quan như trước đây.

Còn theo ông Trương Công Ngàn, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên, khi sắp xếp lại bộ máy sẽ đụng chạm tới quyền lợi của cán bộ, công chức. Do vậy, phải làm tốt công tác tư tưởng, làm rõ về mặt nhận thức cho cán bộ công chức, viên chức vì sao chúng ta phải tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao năng lực hiệu quả.

Trao quyết định phân công nhiệm vụ cho Thủ trưởng và Phó Thủ trưởng Cơ quan khối. Ảnh: Nguyễn Hoàng-TTXVN

Về vấn đề này, ông Vũ Ngọc Giao, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ninh cho rằng, trước đây một việc giao cho nhiều người nhưng nay một việc chỉ giao cho một người. Nếu Bí thư kiêm Chủ tịch UBND cấp huyện được giao việc sẽ giải quyết công việc nhanh hơn, quyết đoán hơn.

Bên cạnh đó,  Tỉnh cũng đã quyết định thành lập cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc chung khối Mặt trận tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh và 100% cấp huyện, qua đó đã giảm được 27 đầu mối, 69 vị trí trưởng, phó phòng và tương đương.

Cơ quan này có tên gọi là chung là Cơ quan Khối cấp tỉnh. Cơ quan Khối cấp tỉnh có  chức năng là cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc chung cho MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội. Đồng thời, là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác MTTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội theo quy định của Luật, Pháp lệnh và Điều lệ của từng tổ chức.

Cơ quan Khối cấp tỉnh được thành lập sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; xây dựng, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, rõ chức năng, nhiệm vụ, đạt hiệu quả cao; khắc phục tình trạng “hành chính hóa”. Qua đây, góp phần nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân trong các cơ quan MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc khẳng định, Quảng Ninh đã chủ động, tiên phong trong cả nước về thực hiện mô hình Cơ quan Khối cấp huyện, bước đầu đạt kết quả tích cực. Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Ban Tổ chức Trung ương, của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội Trung ương, Quảng Ninh tiếp tục mạnh dạn xây dựng Đề án thí điểm mô hình Cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc chung khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh.

Theo ông Đọc, việc thành lập Cơ quan Khối cấp tỉnh thể hiện quyết tâm chính trị cao của tỉnh Quảng Ninh bám sát theo sự chỉ đạo của Trung ương, góp phần hoàn thiện hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Văn Đọc, sáp nhập bộ máy Cơ quan Khối cấp tỉnh cần thận trọng, triển khai từng bước, làm đến đâu điều chỉnh đến đó để phù hợp với thực tiễn, nhất là trong công tác lãnh đạo chỉ đạo. Lãnh đạo cấp ủy địa phương trên địa bàn cũng cần chủ động, chỉ đạo chung đối với Cơ quan Khối địa phương để tạo sự thống nhất với Cơ quan khối cấp tỉnh, tạo sự thống suốt từ tỉnh đến cơ sở.

Tuy nhiên, theo ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, Quảng Ninh là một trong những đơn vị đi đầu về cơ cấu lại bộ máy cấp huyện rồi tiếp đến là bộ máy cấp tỉnh. Việc hợp nhất đó giúp tinh gọn bộ máy, nhưng một số vấn đề. Ví dụ khi bộ  máy thanh tra và kiểm tra hợp nhất vào đầu mối, thì việc kiểm tra có mất tác dụng không, thanh tra có lấn át kiểm tra không, việc kiểm tra Đảng có lấn át thanh tra của nhà nước không?

Vì theo ông Thưởng, Thanh tra thuộc về nhà nước, thuộc về Chính phủ. Kiểm tra thuộc về cấp ủy Đảng. Hai đơn vị này phải tôn trọng chức năng của nhau, để cùng thực hiện tốt nhiệm vụ. Do vậy, vẫn cần tôn trọng tính độc lập của các thành viên.

Làm triệt để, không nể nang, né tránh

Tương tự như Quảng Ninh, trong hơn hai năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều giải pháp sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hoạt động hiệu quả.
          
Để chủ động trong công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành Đề án 01 về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị tỉnh giai đoạn 2016 – 2021.

Theo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, khi bắt đầu triển khai, các cấp ủy, tổ chức Đảng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và quán triệt sâu rộng nội dung của Đề án. Cùng với đó, HĐND tỉnh đã ban hành các nghị quyết về cơ chế, chính sách cho cán bộ, công chức… tạo động lực mạnh mẽ trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.
          

Sau 3 năm (2014 – 2017), kiện toàn bệnh viện tuyến huyện và Trung tâm Y tế Dự phòng thành thành một đơn vị thực hiện 2 chức năng, Trung tâm Y tế huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) đã là điểm sáng trong việc tinh giản bộ máy tổ chức. Ảnh: Dương Ngọc- TTXVN

Một trong những nghị quyết cơ bản của tỉnh là Nghị quyết số 22/2017/NQ-HĐND, quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp và một số chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách, mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị- xã hội ở cấp xã, thôn, tổ dân phố.

Trước khi thực hiện nghị quyết này, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, tổ dân phố toàn tỉnh có 18.700 người. Dự kiến, sau khi thực hiện Nghị quyết trên, sẽ giảm xuống chỉ còn 8.073 người. Nghị quyết số 31/2017/NQ-HĐND về hỗ trợ công chức, viên chức và lao động hợp đồng thôi việc theo nguyện vọng được đánh giá sẽ tạo sự công bằng, bình đẳng giữa cán bộ, công chức, viên chức khi có nhu cầu thôi việc tự nguyện.
          
UBND tỉnh cũng đã ban hành 2 chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Đến nay, tỉnh đã giảm được 85 đơn vị sự nghiệp công lập và 28 đơn vị thuộc sở, ban ngành và Ủy ban nhân dân Huyện.

Ông Hoàng Văn Toàn, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết: “Tuy là bước đầu nhưng rất quan trọng. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, của các cấp các ngành trong tỉnh. Được sự đồng thuận của người dân, cán bộ”.

Theo ông Toàn, việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế là việc làm khó, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều người, nhưng không thể không làm bởi bộ máy các cơ quan của tỉnh cồng kềnh, chức năng chồng chéo… Chính vì thế, Vĩnh Phúc đã quyết tâm làm triệt để, không nể nang, né tránh và hiện nay đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Về tinh giản biên chế đối với công chức, viên chức, tính đến hết tháng 2/2018, tỉnh đã giảm được 563 biên chế. Điều đáng quan tâm là người hoạt động không chuyên trách giảm với số lượng khá lớn, đến hết tháng 2/2018, toàn tỉnh giảm gần 9.983 người.

 Còn theo ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy chia sẻ: “Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hiện đang là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt từ Trung ương xuống địa phương”.

Theo ông Mạnh, cùng với các địa phương khác trong cả nước, bằng những chủ trương, cơ chế chính sách, cách làm sáng tạo, phù hợp với đặc điểm tình hình cũng như điều kiện, hoàn cảnh thực tế của tỉnh, Vĩnh Phúc đã tập trung quyết liệt, chỉ đạo các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở thống nhất nhận thức quyết tâm đổi mới, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan đơn vị.
 
Nhóm PV/Báo Tin tức
Ngành Y tế giảm biên chế theo hướng tinh gọn, hiệu quả
Ngành Y tế giảm biên chế theo hướng tinh gọn, hiệu quả

Bộ Y tế đang tiếp tục cắt giảm, sắp xếp lại các phòng, ban trực thuộc các vụ trong Bộ. Theo đó, ở tuyến y tế trung ương, các vụ, cục được sắp xếp, thu gọn đầu mối từ 94 phòng xuống còn 59 phòng, giảm khoảng 105 cán bộ lãnh đạo cấp phòng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN