Bộ Công an là một trong đơn vị tiên phong thực hiện cắt giảm, sáp nhập mạnh mẽ nhất các đơn vị trong Bộ, hướng tới bộ máy tinh gọn, chuyên nghiệp và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Xây dựng lực lượng chính quy
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết số 19-NQ/TW về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”; Bộ Công an đã chủ động xây dựng Đề án “Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, với phương châm “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở” để trình Bộ Chính trị.
Xây dựng lực lượng công an chính quy tinh nhuệ. Ảnh: An Hiếu/TTXVN
|
Điểm nổi bật của đề án này đã được Bộ Công an quán triệt trong toàn ngành là không tổ chức cấp trung gian, bỏ cấp Tổng cục; sắp xếp, thu gọn các đơn vị sự nghiệp công lập, giáo dục, báo chí, y tế trong Công an nhân dân; tổ chức lại Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư gắn với Công an tỉnh, thành phố để bảo đảm gắn kết, phát huy tối đa nguồn lực trong thực thi nhiệm vụ. Cùng với đó, xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy.
Vấn đề dư luận quan tâm nhất hiện nay đối với ngành Công an là sau khi tinh giản, giải thể cấp Tổng cục, bao gồm 126 đơn vị cấp Cục trực thuộc ở Bộ Công an không còn, thì số lượng nhân sự lớn được sắp xếp như thế nào ?
Qua tìm hiểu, cấp Tổng cục ở Bộ Công an hình thành từ năm 1980. Sau khi lên đến 8 Tổng cục năm 2009, Bộ Công an thu gọn còn 6 Tổng cục vào năm 2014, gồm Tổng cục An ninh, Tổng cục Cảnh sát, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Tổng cục Tình báo, Tổng cục Thi hành án và hỗ trợ tư pháp. Ngoài ra, còn có hai Bộ tư lệnh gồm: Bộ Tư lệnh Cảnh vệ (K10); Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động (K20) tương đương cấp Tổng cục.
Về hướng xử lý vấn đề này, theo lãnh đạo Bộ Công an, Bộ sẽ điều chuyển từng bước cán bộ ở Trung ương xuống tỉnh, tăng cường cán bộ tỉnh xuống huyện và chuyển từ huyện xuống xã. Quy trình này sẽ không làm tăng biên chế ngành, vì chỉ là sắp xếp, điều chỉnh trong nội bộ.
Tại Hội nghị “Học tập, quán triệt Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” mới đây, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, quá trình triển khai đề án trên được Bộ Công an bám sát và cụ thể hóa các quan điểm của Đảng về xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước, xây dựng lực lượng Công an nhân dân chính quy.
“Việc tinh giản bộ máy là để phù hợp, đồng bộ, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo hướng Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở, làm cơ sở cho việc điều chỉnh, sắp xếp, bố trí lực lượng và từng bước thực hiện tinh giản biên chế…”, Thứ trưởng Lê Quý Vương nhấn mạnh.
Vấn đề cấp thiết
Về vấn đề này, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, khâu tổ chức, bộ máy của lực lượng công an nhân dân đều xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trong từng giai đoạn cách mạng và sự phát triển của đất nước.
Đề án tinh gọn bộ máy, Bộ Công an đang triển khai dựa trên quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ; các quan điểm của Đảng về xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước và xây dựng lực lượng công an trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả…
Tổ chức lại Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư gắn với Công an tỉnh, thành phố để bảo đảm gắn kết, phát huy tối đa nguồn lực trong thực thi nhiệm vụ. Ảnh: TTXVN
|
Để làm rõ vấn đề dư luận quan tâm về nhân sự lực lượng công an nhân dân sau tinh giản, nhất là việc không tổ chức cấp trung gian như Tổng cục, theo Bộ trưởng Tô Lâm, định hướng lớn nhất của Đề án là xây dựng tổ chức bộ máy Bộ Công an tập trung, thống nhất, chuyên sâu, tinh gọn đầu mối hoạt động hiệu lực hiệu quả, tăng cường cho cơ sở, theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”; không tổ chức cấp trung gian như Tổng cục để nâng cao chất lượng các cục trực thuộc Bộ; sắp xếp, thu gọn các đơn vị sự nghiệp công lập, báo chí, y tế; sáp nhập 20 đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với Công an các tỉnh, thành phố để bảo đảm gắn kết, phát huy tối đa nguồn lực trong thực thi nhiệm vụ.
Tuy nhiên, để đảm bảo quá trình tinh gọn hiệu quả, tránh xáo trộn tư tưởng, tâm lý, Bộ Công an sẽ triển khai thận trọng, khách quan, khoa học, có sự thống nhất, đồng thuận của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân và dư luận xã hội.
Cũng theo Bộ trưởng Tô Lâm, đến nay, Bộ Công an đã rà soát các chức năng, nhiệm vụ trùng lặp, chồng chéo giữa Bộ Công an với các bộ, ngành, giữa các đơn vị, lực lượng trong Công an các cấp; nghiên cứu phương án kiện toàn tổ chức bộ máy của Công an cấp tỉnh, cấp huyện, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng và phương án xây dựng lực lượng Công an xã chính quy... Đồng thời, tạm dừng tuyển chọn công dân vào lực lượng, tạm dừng bổ nhiệm lãnh đạo chỉ huy. Tất cả các vấn đề này tới đây sẽ được sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung trong Luật Công an nhân dân.
Được biết, Bộ Công an hiện đang tập trung quán triệt Nghị quyết số 22-NQ/TW để các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ chiến sĩ nắm rõ; xác định nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể đối với từng tổ chức, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu các đơn vị trong tổ chức triển khai thực hiện.
Qua đó, nhằm phòng ngừa, phát hiện sớm các trường hợp cán bộ, chiến sĩ vi phạm pháp luật, kỷ luật, có dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và kịp thời ngăn chặn, xử lý, tinh lọc đội ngũ cán bộ ở tất cả các cấp, nâng cao uy tín và tăng cường xây dựng hình ảnh đẹp của lực lượng công an nhân dân.
Bài 2: Bộ Công Thương giảm số Cục, Vụ, tăng hiệu quả hoạt động