Sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp, tiến tới tự chủ tài chính
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, trong năm 2017, Hà Nội đã sắp xếp xong các đơn vị sự nghiệp công lập trên toàn địa bàn thành phố; các đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện được tổ chức lại theo hướng tinh gọn, giảm từ 607 đơn vị xuống còn 376 đơn vị (giảm 231 đơn vị).
Đáng chú ý, thời gian qua, Hà Nội đã sắp xếp thành công 70 Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng thành 41 Ban Quản lý dự án (giảm 41,4%); hoàn thành việc tổ chức lại Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Hà Nội trên cơ sở hợp nhất Quỹ Đầu tư phát triển thành phố, Quỹ Phát triển đất thành phố, Quỹ Bảo vệ môi trường trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường.
Cục thuế Hà Nội cắt giảm nhiều thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN
|
Thành phố cũng hoàn thành sắp xếp các đơn vị sự nghiệp cấp huyện như sáp nhập các đơn vị Trung tâm văn hóa, Nhà văn hóa, Trung tâm Thể thao và Đài truyền thanh huyện thành Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao. Sáp nhập các Trung tâm phát triển cụm công nghiệp vào Ban quản lý dự án. Sáp nhập 4 Ban bồi thường giải phóng mặt bằng 4 quận trung tâm (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng) vào Ban quản lý dự án quận. Sáp nhập Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng và Chi nhánh phát triển quỹ đất thành Trung tâm phát triển quỹ đất trực thuộc UBND cấp huyện quản lý...
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng sáp nhập trung tâm sát hạch cấp phép lái xe trực thuộc Sở Giao thông Vận tải vào Tổng Cty vận tải Hà Nội; chuyển 5 trường Trung cấp chuyên nghiệp và chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Sở GD&ĐT sang Sở LĐ,TB&XH quản lý theo quy định Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Về các đơn vị sự nghiệp, thành phố Hà Nội cũng đã chuyển được 5 đơn vị tự chủ kinh phí thường xuyên với 1.145 biên chế viên chức. Năm 2017, thành phố Hà Nội đã chuyển được 95 đơn vị sang tự chủ, với 6.635 biên chế viên chức. Thành phố cũng đang thực hiện việc chuyển 5 đơn vị sự nghiệp công lập sang công ty cổ phần. Liên quan đến lực lượng thanh tra xây dựng và thanh tra giao thông, thành phố Hà Nội đã yêu cầu Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải rà soát, giải quyết các tồn tại về hợp đồng lao động đối với lực lượng thanh tra xây dựng, thanh tra giao thông theo chỉ đạo của Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố.
Từ nay đến năm 2021, Hà Nội phấn đấu giảm 10% chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Để đạt được mục tiêu đó, thành phố sẽ tăng cường đổi mới cơ chế quản lý theo hướng phân cấp, phân quyền, hướng tới trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện cho các đơn vị sự nghiệp công lập, gồm cả về tài chính, thực hiện nhiệm vụ và bộ máy tổ chức, biên chế.
Thành phố Hà Nội đang tích cực triển khai kế hoạch số 97/KH-UBND làm cơ sở phân loại các đơn vị tự chủ và đẩy mạnh cơ chế tự chủ kinh phí thường xuyên, xã hội hóa. Hà Nội đã có 5 đơn vị đăng ký tự chủ tài chính trong năm 2017 gồm bệnh viên Thanh Nhàn, bệnh viện Đức Giang, bệnh viện Mắt Hà Đông (Sở Y tế); trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử giám (Sở Văn hóa và Thể thao), Tạp chí Giáo dục thủ đô (Sở Giáo dục và đào tạo). Từ kết quả đạt được, Hà Nội đã giao tự chủ tài chính thêm 3 đơn vị: Bệnh viên Xanh Pôn, bệnh viện Phụ Sản, bệnh viện Ung bướu thuộc Sở Y tế. Hà Nội cũng thí điểm giao quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế cho bệnh viện Tim Hà Nội.
“Đây là lần kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế lớn nhất từ trước đến nay. Hà Nội là một trong địa phương đầu tiên triển khai quyết liệt và có những thành công được Trung ương và dư luận đánh giá rất cao”, ông Nguyễn Đình Hoa cho biết.
Thành phố Hà Nội trong năm 2017 đã tinh giản được gần 1.270 biên chế bao gồm 282 biên chế công chức, 668 biên chế viên chức do sắp xếp tổ chức bộ máy, 317 biên chế theo phương án chuyển đơn vị sự nghiệp sang công ty cổ phần;giải quyết 551 trường hợp nghỉ tinh giản theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
Tiếp tục giảm hơn 7.400 biên chế
Theo giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng, biên chế công chức năm 2018 giảm 2,5% so với biên chế giao năm 2015. Đối với các đơn vị thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế, thực hiện giao biên chế đúng định mức quy định tại các thông tư của bộ, ngành, có tính đến khả năng tuyển sinh, chiều hướng phát triển trong thời gian tới.
Người dân đến làm thủ tục tại bộ phận một cửa Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội, quận Thanh Xuân. Ảnh: Đỗ Phương Anh/TTXVN
|
Đối với các đơn vị sự nghiệp ngoài giáo dục, y tế, thực hiện giảm 2% so với biên chế viên chức giao năm 2016 theo chủ trương tinh giản biên chế và giảm biên chế do sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị. Cùng với đó, Hà Nội tập trung chuyển mạnh các đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ, làm cơ sở giảm chi ngân sách, giảm biên chế. Với chỉ tiêu lao động hợp đồng theo Nghị định 68 gồm nhân viên bảo vệ, lái xe, tạp vụ, kỹ thuật điện nước, thực hiện chủ trương tinh giản theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, đặc biệt giảm chỉ tiêu lái xe tại các cơ quan hành chính được giao thí điểm khoán xe công.
Theo lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội, thời gian tới, Hà Nội sẽ nghiên cứu, ban hành lộ trình và kế hoạch để đơn vị sự nghiệp công trên địa bàn đủ điều kiện được vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp; Tiếp tục rà soát lại toàn bộ các đơn vị sự nghiệp công trong từng ngành, từng lĩnh vực để sáp nhập các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng; chuyển đổi mô hình hoạt động trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả hơn.
Cụ thể, kế hoạch sử dụng biên chế năm 2018 của thành phố Hà Nội gồm 10.661 biên chế hành chính, trong đó có 8.891 biên chế công chức, giảm 225 biên chế do điều chỉnh một số biên chế của các cơ quan, đơn vị do chuyển chức năng, nhiệm vụ và thực hiện theo đề án vị trí việc làm; Có 1.358 chỉ tiêu lao động hợp đồng theo Nghị định 68, giảm 11 chỉ tiêu là các lái xe tại 8 cơ quan đang được giao thí điểm khoán xe công. Thành phố Hà Nội xác định sử dụng 148.822 biên chế sự nghiệp, trong đó viên chức có 127.933 biên chế, giảm 7.190 biên chế so với năm 2017. Chỉ riêng việc chuyển các đơn vị sang tự chủ chi thường xuyên đã giúp giảm 8.761 biên chế. Cùng với đó, giảm 2% đơn vị sự nghiệp sẽ làm giảm 108 biên chế, 137 biên chế giảm do sắp xếp tổ chức bộ máy.
Trong thời gian tới, Hà Nội tiếp tục hoàn thành sắp xếp các cơ quan, đơn vị như Đội Thanh tra xây dựng, các chi cục thuộc Sở NN&PTNT, Trung tâm điều hành và giám sát công nghệ thông tin thành phố; đẩy mạnh chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp, đặc biệt là giáo dục, y tế sang cơ chế tự chủ, chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần. Xác định rõ lộ trình chuyển đổi phù hợp với lộ trình tinh giản biên chế đến năm 2021... thường xuyên rà soát, điều chỉnh đề án vị trí việc làm cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn quản lý. Cùng với đó, yêu cầu cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đề án vị trí việc làm đã được thành phố phê duyệt; rà soát cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm để sắp xếp, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá... nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
“Sở Nội vụ phối hợp với các cơ quan, đơn vị điều chuyển công chức, viên chức từ nơi thừa sang nơi thiếu trước khi tuyển dụng. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo chương trình, kế hoạch đề ra, trong đó coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, kỹ năng xử lý công việc, tác phong công tác, nâng cao hiệu quả giải quyết công việc của cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh triển khai thực hiện chính sách về tinh giản biên chế, đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện tinh giản biên chế. Tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép ban hành cơ chế đặc thù của thành phố, khuyến khích các đối tượng tự nguyện nghỉ tinh giản biên chế...”, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng cho biết.
Theo Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Hoài Nam, nhìn chung việc sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức, bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của thành phố đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thành ủy, các Nghị quyết HĐND thành phố. Quá trình sắp xếp được thực hiện bài bản, khoa học, đảm bảo tính công khai, minh bạch và không phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo, góp phần ổn định hoạt động của chính quyền thành phố. Tuy nhiên số người tự nguyện nghỉ trong đợt tinh giảm vừa qua đa phần là những người sắp đến tuổi nghỉ hưu.
“Quá trình tinh giản, thành phố ưu tiên người có nguyện vọng về hưu trước tuổi và có khoản tiền bù đắp thời gian nghỉ trước. Với những người 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ cũng sẽ đưa vào đối tượng tinh giản biên chế. Thành phố đang chỉ đạo rà soát lại tất cả vấn đề liên quan đến trình độ, bằng cấp. Bước đầu cũng đã có một số trường hợp vi phạm trong bằng cấp, thành phố sẽ xử lý nghiêm túc và công khai trong thời gian tới”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết.
Mới đây, Thành ủy Hà Nội ban hành Kế hoạch số 70-KH/TU thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả". Theo đó, Đảng bộ thống nhất lãnh đạo xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của toàn hệ thống chính trị: cấp Thành phố là Ban Thường vụ Thành ủy. Các cấp ủy Đảng, tổ chức Đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị của Thành phố theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chủ động rà soát, tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền thực hiện quyết định của Trung ương, Chính phủ về số lượng biên chế tối thiểu, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa của một tổ chức ở cấp mình và của các tổ chức trực thuộc Thành ủy (hoàn thành trong năm 2018); Tiếp tục rà soát, thực hiện giảm đầu mối trực thuộc các ban, sở, ngành, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị từ Thành phố đến cơ sở và cơ cấu bên trong của từng tổ chức trực thuộc theo quy định, hướng dẫn của Trung ương, Chính phủ (thực hiện từ năm 2018 và cơ bản hoàn thành vào năm 2019); Không thành lập mới tổ chức trung gian; rà soát, giải thể hoặc sắp xếp lại các cơ quan, tổ chức hoạt động không hiệu quả; sắp xếp lại, giảm tối đa số lượng phòng, ban và tương đương (thực hiện từ năm 2018).
Các cấp ủy Đảng của thành phố Hà Nội đẩy mạnh thực hiện phân cấp, phân quyền tới các quận, huyện, thị xã, ban, sở, ngành đi đôi với giám sát quyền lực bằng các quy định, quy chế, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch và đề cao trách nhiệm giải trình trong các cơ quan, đom vị, tổ chức thuộc phạm vi thẩm quyền được giao, phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương, cơ quan, đơn vị; Đồng thời, có kế hoạch và thực hiện định mức tiết kiệm chi thường xuyên, chống lãng phí, tiêu cực, góp phần tạo nguồn kinh phí sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách phù hợp đối với những cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc diện phải sắp xếp, cơ cấu lại và tinh giản biên chế.
Hà Nội cũng đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử. Tổng kết, đánh giá và có giải pháp sử dụng hiệu quả hạ tầng công nghệ thông tin đã được đầu tư, góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành.
Trả lời cử tri mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, đến nay, thành phố đã sắp xếp xong tất cả các sở, ban, ngành; sắp xếp xong toàn bộ đơn vị sự nghiệp công lập và sắp xếp xong toàn bộ bộ máy của các ban của Đảng, các cơ sở của hội, tổ chức chính trị trên địa bàn. Thành phố cũng đã xây dựng xong đề án vị trí việc làm. Theo đúng đề án này, đến năm 2021, toàn thành phố sẽ giảm so với thời điểm hiện tại 2,5%, đúng theo chỉ tiêu.
Bài cuối: Địa phương vào cuộc quyết liệt