Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giảm tầng nấc trung gian, chuyển dần sang tự chủ

Chỉ hơn 1 tháng sau khi Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) ban hành Nghị quyết 18 và Nghị Quyết 19 về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và đổi mới về hệ thống tổ chức và quản lý; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng bắt đầu chuyển mình mạnh mẽ theo tinh thần của hai Nghị quyết trên.

Dự kiến cắt giảm 1,65% số biên chế viên chức năm 2018

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tinh gọn bộ máy là việc làm cấp thiết, giảm biên chế, cải cách chính sách tiền lương, đồng thời nâng cao nâng suất, hiệu quả lao động của nền hành chính công.

Để hiện thực hóa Nghị quyết 18  và 19 của BCH TƯ khóa XII, giữa tháng 4/2018, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Kế hoạch, Chương trình hành động của Ban cán sự Đảng Bộ về thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW và 19-NQ/TW.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Kế hoạch, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW và 19-NQ/TW. Ảnh: H.V

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, cuối tháng 10/2017, Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 18 về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh giảm biên chế và Nghị quyết số 19 về tiếp tục đổi mới về hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập. Hai Nghị quyết này có vai trò vô cùng quan trọng.

Tới tháng 12/2017, Bộ NN&PTNT đã tổ chức 2 lớp học cho tất cả các lãnh đạo đầu ngành của các cơ quan trực thuộc Bộ. Ban cán sự Đảng Bộ đã ban hành ba văn bản nhằm triển khai quyết liệt nhiệm vụ trên, bao gồm Kế hoạch 463, Nghị quyết 464/NQ-BCSĐ và Nghị quyết số 465/NQ-BCSĐ.

Tất cả các văn bản đã được gửi về các đơn vị, các khối trong Bộ để cán bộ nghiên cứu nhằm đảm bảo việc triển khai Nghị quyết một cách có hệ thống, toàn diện, thống nhất trong các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ và ngành.

Theo Nghị quyết của Bộ NN&PTNT, việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ, ngành đảm bảo đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ so với năm 2015.

Đến năm 2025 giảm giảm tiếp tối thiểu bình quân 10% đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ, thuộc Bộ và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với 2021.

Đối với 3 trường đại học, tiếp tục thực hiện tự chủ một phần. Thực hiện thí điểm tự chủ đối với Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Rà soát chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp tổ chức của các trường đảm bảo tinh gọn, hiệu quả, bỏ cấp trung gian, giải thể, sáp nhập các tổ chức trực thuộc trường không hiệu quả.

Đối với 32 trường cao đẳng, trung cấp. Tiến hành sáp nhập các trường trung cấp vào cao đẳng, giải thể các trường trung cấp, cao đẳng hoạt động không hiệu quả. Hợp nhất các trường cao đẳng trên địa bàn một tỉnh, thành phố. Không để một trường có nhiều cơ sở đào tạo, chuyển giao một số trường về địa phương quản lý.

Về sắp xếp, tổ chức lại 11 Viện và tổ chức thuộc Viện đảm bảo giảm đầu mối, bỏ cấp trung gian, khắc phục tình trạng chồng chéo, dàn trải, trùng lắp chức năng nhiệm vụ lĩnh vực nghiên cứu, đảm bảo tinh gọn, hiệu quả; hoàn thiện cơ chế vận hành (đến 2021, tinh gọn tối thiểu 10% đầu mối tổ chức).

Mặc dù chỉ là bước đầu quán triệt tinh thần, nhưng Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, việc thực hiện Nghị quyết phải nghiêm túc, quyết liệt, dân chủ, đặc biệt trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đổi mới quản lý và phương thức hoạt động của hệ thống tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ và ngành NN&PTNN.

Bên cạnh đó, về quản lý biên chế và thực hiện tinh giản biên chế hành chính sự nghiệp, năm 2016 và 2017, Bộ đã thực hiện cắt giảm biên chế của các tổ chức hành chính khoảng 3,0%/năm. Dự kiến năm 2018 cắt giảm 1,65% số biên chế viên chức.

Kế hoạch đến năm 2021, Bộ NN&PTNT thực hiện tinh giản ít nhất 10%, tương đương với 207 người trong tổng 2.070 biên chế hành chính hiện có. Đồng thời tinh giảm ít nhât 10% trong tổng số 19.929 người hiện làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập. 

Thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã thực hiện việc thí điểm thi tuyển chức danh Phó vụ trường Vụ Pháp chế và Phó vụ trướng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện thí điểm và thực hiện thi tuyển các chức danh lãnh đạo quản lý cấp vụ, cục, phòng thuộc Bộ.

Tiến tới tự chủ

Tại Bộ NN&PTNT, do được quán triệt từ lâu nên nhiều cán bộ, công nhân viên thuộc Bộ đã nhận thức được tầm quan trọng của việc tinh gọn bộ máy. 

Theo lãnh đạo một viện nghiên cứu thuộc Bộ NN&PTNT chia sẻ, đây là một chủ trương đúng, đã được nhiều bộ ngành, các tỉnh triển khai hiệu quả. Tại Bộ NN&PTNT đang trong giai đoạn triển khai ban đầu. Theo đề án, các viện nghiên cứu phải tinh gọn bộ máy, sáp nhập các đơn vị có cùng chức năng, giảm đầu mối trung gian và dần dần tiến tới tự chủ.

Khai trương cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và người dân. Ảnh H.V

Do vậy, theo vị lãnh đạo này, các viện nghiên cứu phải có phương án để nâng cao hiệu quả hoạt động, nghiên cứu, tạo ra nguồn thu bền vững mới có thể đảm bảo cuộc sống cho rất nhiều nhân viên của các viện. Đồng thời phải làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, nhân viên khi tiến hành sáp nhập.  

Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Minh Nhạn cho biết, các Đảng Bộ cần có lộ trình, bước đi phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, tăng cường triển khai, giám sát và kịp thời bổ sung hoàn thiện các chính sách.

Tuy vậy, theo ông Nhạn, TW Đảng xác định từ nay đến 2030 phải có bước chuyển biến tích cực, triển khai thí điểm, tập trung vào việc phổ biến quán triệt các Nghị quyết trên. Việc thực hiện các Nghị quyết sẽ giảm tầng lớp trung gian, giảm sự chồng chéo, xã hội hóa mạnh mẽ nâng cao hiệu quả học tập của các đơn vị công lập, đồng thời mở rộng quyền tự chủ của các đơn vị.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, việc thực hiện Nghị quyết phải đảm bảo tính kế thừa, đổi mới và phát triển. Phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát, đề cao tinh thần chủ động, đổi mới sáng tạo của các cơ quan, đơn vị trong việc xây dựng, kiện toán tổ chức, tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ dần chuyển hết các đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ. Sẽ chuvển một số dịch vụ công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm (cấp nước sạch nông thôn; quán lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ,...).

Thực hiện giao vốn, tài sản cho các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, từng bước tính đủ chi phí đầu vào (kể cả khấu hao) để xác định giá dịch vụ theo quy định pháp luật.

 Bên cạnh đó, kế hoạch của Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục kiện toàn của hệ thống tổ chức ngành cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng đồng bộ, tinh gọn đảm bảo sự chỉ đạo điều hành sản xuất kinh doanh nông lâm ngư nghiệp nhanh nhạy, thông suốt, hiệu lực và hiệu quả.

Bộ sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng Thông tư nhằm phân định, làm rõ nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; ngành nghề, làng nghề nông thôn; chế biển, thương mại nông lâm thủy sản và muôi; phòng chống thiên tai, điều tiết nước và các nhiệm vụ khác.

Một trong những nhiệm vụ trong tâm là thực hiện Đề án tổ chức quản lý nông nghiệp và PTNT cấp xã giai đoạn 2018-2025 để lựa chọn mô hình phù hợp, hiệu quả vừa đảm bào tính thống nhất, vừa phù hợp với đặc điểm kinh tế-xã hội cùa các địa phương và phân định rõ nhiệm vụ quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công.

Hiện nay, Đề án này đã trình Thủ tướng Chính phủ, sau khi được phê duyệt sẽ nghiên cứu, đề xuất mô hình quản lý nông nghiệp cấp xã, chế độ chính sách, tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ để kiện toàn đội ngũ kỹ thuật viên cấp xã cho phù hợp.

Bộ NN&PTNT hiện có 113 đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, có 75 đơn vị sự nghiệp công trực thuộc, gồm: lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề có 38 đơn vị; lĩnh vực khoa học công nghệ có 11 đơn vị; lĩnh vực y tể có 1 đơn vị; lĩnh vực sự nghiệp báo chí có 2 đơn vị; lĩnh vực sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác có 23 đơn vị. Bộ hiện quản lý 38 đơn vị sự nghiệp kinh tế, gồm các công ty, tổng công ty.

Kinh phí chi thường xuyên nhà nước cấp cho các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ hàng năm khoảng 2.500 tỷ đồng, chiếm 50% kinh phí của Bộ được giao. Ngoài ra, các đơn vị sự nghiệp còn sử dụng các khoản kinh phí được để lại chi (học phí, viện phí...), vốn đầu tư phát triển và vốn ODA.

Lĩnh vực khoa học công nghệ, Bộ quản lý 11 tổ chức khoa học công nghệ trực thuộc là các Viện nghiên cứu, với kinh phí ngân sách nhà nước cấp chi thường xuyên hàng năm bình quân khoảng 900 tỷ đồng để thực hiện nhiệm vụ theo chức năng và kinh phí cho các đề tài, dự án khoa học công nghệ (chưa bao gồm các khoản thu dịch vụ bình quân 1.500 tỷ đồng/năm, vốn đầu tư phát triển và vốn ODA).


H.V/Báo Tin tức
Hiệu quả rõ rệt từ việc tinh gọn, sắp xếp bộ máy - Bài 2: Bộ Công Thương giảm số Cục, Vụ, tăng hiệu quả hoạt động
Hiệu quả rõ rệt từ việc tinh gọn, sắp xếp bộ máy - Bài 2: Bộ Công Thương giảm số Cục, Vụ, tăng hiệu quả hoạt động

Bộ Công Thương cũng là một trong những bộ ngành tiên phong trong việc đơn giản hóa bộ máy hướng đến sự tinh gọn, hoạt động hiệu quả theo đúng tinh thần của Hội nghị TƯ Đảng lần thứ 6 (khóa XII).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN