Hai phía nỗi đau và sức mạnh của lòng bao dung - Bài 3: Rộng mở những vòng tay

Mỗi cuộc chiến qua đi đều để lại những nỗi đau. Những vùng đất hoang tàn, những người con nằm xuống với đất mẹ. Không ít người mất đi cha mẹ, người thân của mình và mang theo nỗi đau, hận thù dai dẳng.

Nhưng rồi, với lòng bao dung, vị tha, họ đã đấu tranh với mâu thuẫn bản thân, hòa giải với nội tâm của chính mình, từ đó mở lòng, dang rộng vòng tay với những người cùng cảnh ngộ, dù họ là con của những người từng bên kia chiến tuyến.

Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Lòng thù hận được thay thế bằng tình hữu nghị. Những người hôm qua đứng hai bên bờ chiến tuyến, nay trở thành những người bạn, cùng sẻ chia và hợp tác xây dựng cuộc sống mới.

Những mảnh ký ức chắp vá

Chú thích ảnh
Chị Diễm xúc động kể lại câu chuyện về ba mẹ mình.

Chị Nguyễn Thị Hồng Diễm, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố Hồ Chí Minh, có cha mẹ đều là liệt sỹ hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ba mất khi mới 2 tuổi và 2 năm sau mất mẹ, chị gần như không có ký ức gì về ba, mẹ ngoài những câu chuyện được bà nội, bà ngoại kể lại, vài kỷ vật, tấm ảnh.

Kể lại câu chuyện về ba mẹ mình từ những mảnh ghép ký ức chắp vá, chị Diễm bùi ngùi: “Ba mình bị bắn chết trong một trận càn tại địa phương của quân ngụy. Khi ấy, Cần Giuộc là khu căn cứ cách mạng quan trọng của Quân giải phóng miền Nam”. 

“Ba mình mất vào đợt tháng Giêng, sau Tết Âm lịch. Thời đó, cuộc kháng chiến chống Mỹ-ngụy đang ở giai đoạn khốc liệt, những chiến sỹ cách mạng không được hưởng cái Tết trọn vẹn. Vì thế, gia đình mình đã chuẩn bị đặc sản Tết để thăm ba, nhưng chưa kịp đi thì nghe tin ba mất. Khi ba mất, thi thể ba được người dân chôn vội. Sau năm 1975, bà nội mình mới hỏi được địa điểm chôn cất và chuyển hài cốt ba về Nghĩa trang liệt sỹ Cần Giuộc”.

Kể về người mẹ, một chiến sỹ cách mạng nổi tiếng gan dạ, dũng cảm, chị Diễm nhắc lại câu quân ngụy hay nói về mẹ mình: “Con mẹ cộng sản ghê gớm”.

Mẹ chị quê ở vùng sông nước Cần Giuộc, sát cửa biển - một căn cứ cách mạng nổi tiếng thời đó. Gia đình bên ngoại có truyền thống cách mạng từ đời ông cố, nhà bà ngoại chị Diễm cũng là cơ sở cách mạng, có hầm nuôi giấu cán bộ trong nhà. Giai đoạn Chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân 1968, hầm nhà bà ngoại chị Diễm đã nuôi giấu một trong những đồng chí chỉ huy chiến dịch ở khu vực Sài Gòn - Gia Định, đó là đồng chí Võ Văn Kiệt.

Với truyền thống gia đình đầy tự hào, mẹ chị Diễm từng là một trong những chiến sỹ cách mạng gan dạ nhất tại địa phương. Những trận đánh hay, những hoạt động có mẹ chị Diễm tham gia đều gây tổn thất lớn đối với quân ngụy.

“Mẹ mình mất năm 1972 trong một trận quân ngụy truy tìm. Bà bị thương, bị địch kéo lê trên sông một đoạn dài hàng km. Khi về đến thị trấn Cần Giuộc, bà hy sinh và bị bêu xác ở một sân banh trong 2 - 3 ngày. Người dân sau đó đã hối lộ cho bọn ngụy rồi đem được xác bà về chôn cất”, chị Diễm xúc động kể lại. Sau khi thống nhất đất nước, ba mẹ chị Diễm đã được nằm cạnh nhau tại Nghĩa trang liệt sỹ Cần Giuộc.

Ký ức về ba mẹ hầu như không có, câu chuyện về đấng sinh thành cũng chỉ được nghe người thân kể lại. Kỷ vật còn lại chỉ là hai bức ảnh chân dung thời trẻ của ba mẹ, sách vở, phần thưởng của ba từ thời học Trường Betrus Ký, cặp kính cận của ba, chiếc đồng hồ của mẹ, huân chương chiến công của ba và mẹ.

Câu chuyện giữa chị với chúng tôi được tiếp nối khi nhắc tới người em gái chị Diễm, chị Nguyễn Thị Hồng Quế. Chị Diễm kể: “Thời điểm mẹ sinh em, cũng là lúc ba mình đã hy sinh khoảng 1, 2 tuần. Nhưng khi đó, mẹ chưa biết tin ba mất. Các cô, chú giấu vì mẹ sắp sinh. Mình cũng không xác định được ba biết có em trên đời hay không vì ba mẹ công tác xa nhau. Cái đêm mẹ sinh em, con bé khóc đến sáng. Có lẽ, em cũng có linh tính”.

Sau một tháng, mẹ chị Diễm địu con gái út về quê gửi bà ngoại nuôi, từ chiến khu về quê mất 5 tháng đi đường bộ, vô cùng gian nan vì vừa đi vừa tránh địch. Khi đưa được con gái út về quê gửi nhờ bà ngoại, mẹ chị có nói: “Nhờ hai má với các bà nuôi, nếu sau này hai đứa lớn lên mà không gặp lại được ba mẹ nó thì hãy nói với chúng nó vì sao ba mẹ nó không nuôi được các con, tại sao ba nó mất, má nó không được gần để nuôi con, nhắn với hai đứa hãy tiếp bước công việc của ba mẹ nó”. 

Mắt hoe đỏ, chị Diễm nghẹn ngào: “Sau lần đó, mẹ mình không được gặp lại em một lần nào nữa. Những lời dặn dò của mẹ mình sau này được bà ngoại, bà nội kể lại cho hai chị em và cũng là những lời dạy duy nhất của mẹ dành cho hai chị em”. Lời nhắn nhủ của người mẹ kiên cường đã trở thành tài sản quý giá, luôn dẫn dắt hai chị em trên những bước đường đời sau này.

Hướng tới những điều tốt đẹp

Chú thích ảnh
Chị Diễm cho biết, giờ đây hai phía đã dang rộng vòng tay chia sẻ.

Năm 1977, chị Diễm và em gái được nhận vào học nội trú tại Trường nuôi dạy con em liệt sỹ Lý Tự Trọng. Đây là ngôi trường chuyên nuôi dạy các con của cán bộ cách mạng và con liệt sỹ thuộc Sài Gòn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh. Trường hoạt động trong 15 năm (1971 - 1986), gắn liền với những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và những năm đầu xây dựng, bảo vệ đất nước sau chiến tranh. Trong 15 năm, trường nuôi dạy hơn 2.000 học sinh, phần đông là con liệt sỹ. Chị Diễm và em gái học tại đây đến hết cấp III thì vào đại học. Ngôi trường này là nơi chị được gặp nhiều hoàn cảnh tương tự với mình, thậm chí có những hoàn cảnh còn khó khăn hơn, bởi vậy chị thêm trân quý điều kiện cho mình được chăm sóc, phát triển, trưởng thành.

Luôn tâm niệm lời dặn của mẹ mình, tự hào với truyền thống cách mạng của gia đình, chị cùng em gái luôn nỗ lực hoàn thiện bản thân, hướng tới những điều tốt đẹp cho đất nước, cho Tổ quốc.

Hồi nhỏ, khi nghe tin mẹ bị quân ngụy bắn chết, chị Diễm từng căm thù nói, sau này lớn lên sẽ đi bộ đội, giết hết những kẻ đã giết cha mẹ mình. Sau này khi được học ở Trường Lý Tự Trọng, chị có điều kiện để học hành, được chăm lo đầy đủ nên những chuyện trong quá khứ bớt ám ảnh hơn. Đến tuổi trưởng thành, được làm việc trong môi trường cởi mở, tiếp xúc với nhiều người nước ngoài, chị Diễm hiểu thêm về chiến tranh, về những mất mát ở thời đó.

Khi đảm nhiệm công tác tại Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố Hồ Chí Minh, chị Diễm có dịp gặp gỡ những đoàn cựu binh Mỹ và nhận thấy họ cũng đã cố gắng về đây tìm hiểu, mong muốn hàn gắn vết thương chiến tranh, có những hành động chuộc lại những lỗi lầm họ đã gây ra cho vùng đất này. Vì thế, dù không quên quá khứ, dù nỗi đau sâu thẳm, nhưng chị đã tự cởi trói sợi dây níu giữ lòng thù hận, cởi mở với chính mình.

Những người bạn mới

Chú thích ảnh
Chị Diễm và những người bạn mới.

Câu chuyện về tấm lòng bao dung, cởi bỏ lòng hận thù của chị Diễm trở thành hành động thực tế khi chị tiếp xúc với đoàn Dự án Hai phía. Lần đầu tiên chị gặp đoàn Dự án Hai phía là vào năm 2015. Với cương vị là Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố Hồ Chí Minh, chị được cơ quan cử đi gặp gỡ và đón tiếp Đoàn. Biết được thông tin Đoàn gồm 6 người Mỹ, là con binh sỹ Mỹ tử trận và mất tích tại Việt Nam, hai người trong số này chưa tìm được hài cốt cha mình, chị nhận thấy hoàn cảnh của mình cũng có điểm tương đồng với hoàn cảnh họ. Cả hai bên đều cùng mang nỗi đau mất người thân khi tuổi còn nhỏ, phải vượt qua nỗi đau để vươn lên, trưởng thành trong cuộc sống.

Chị Diễm kể: “Trước khi tham gia buổi gặp gỡ, tôi đã thắp hương trước bàn thờ ba mẹ để báo với ông bà, theo thói quen thường xuyên chuyện trò với ba mẹ của mình. Tôi cảm nhận được ông bà đồng ý cho tôi tham gia cuộc gặp gỡ này. Bởi vì, ba mẹ tôi từng là người lính tham gia chiến tranh vì lòng yêu nước, đã chiến đấu anh dũng với kẻ thù trên chiến trường, nhưng trên hết, ba mẹ tôi là người Việt Nam với truyền thống nhân hậu, bao dung. Nếu còn sống, có lẽ ông bà cũng sẽ sẵn lòng giúp đỡ, đón tiếp và kể lại cho những người con lính Mỹ tử trận tại Việt Nam biết nhiều hơn về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam”.

Ấn tượng đầu tiên khi gặp mặt những người đồng cảnh ngộ ở phía bên kia, trong chị có chút tò mò, e dè. Sau khi nghe những câu chuyện họ chia sẻ, chị Diễm thấy cảm thông hơn với những nỗi đau họ đang phải gánh chịu. Chị đã chia sẻ suy nghĩ của mình với họ sau buổi gặp mặt: “Chiến tranh chỉ gây ra mất mát, đau thương. Mong rằng các bạn, những người con của lính Mỹ tử trận và mất tích tại Việt Nam, qua chuyến đi này và những cuộc gặp gỡ này, sẽ hiểu hơn đất nước và con người Việt Nam luôn nhân hậu, yêu hòa bình, biết cảm thông, chia sẻ, vượt khó khăn để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Sau buổi gặp mặt, những người tham dự ở cả hai phía đều trở thành bạn của nhau. Chị Diễm có thêm những người bạn mới cùng hoàn cảnh với mình, cùng trao đổi, chia sẻ, hỗ trợ, cùng xây dựng, vun đắp cuộc sống hòa bình tốt đẹp hơn cho hôm nay và mai sau.

Sau chuyến thăm lần thứ nhất năm 2015, năm 2017 đoàn những người con liệt sỹ cách mạng Việt Nam đã sang Mỹ thăm theo lời mời của Dự án Hai phía. Chị Diễm cũng được mời sang Mỹ trong chuyến đi này. Năm 2018, Dự án Hai phía trở lại Việt Nam tiếp tục hành trình kết nối, gặp gỡ hai phía và trình chiếu bộ phim tài liệu mang tên “The 2 sides Project” kể về những câu chuyện, hành trình của 6 người con lính Mỹ đến Việt Nam, tìm lại nơi cha mình đã chết và mất tích. Cùng với đó, nhiều hoạt động có ý nghĩa được những người con của lính Mỹ tử trận tại Việt Nam xúc tiến thực hiện như: Kết nối, trao đổi giữa hai bên, vận động quyên góp, hỗ trợ xây dựng nhà tặng hộ nghèo, người khuyết tật…

Bài cuối: Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai

Thu Phương (TTXVN)
Hai phía nỗi đau và sức mạnh của lòng bao dung - Bài 2: Cuộc hòa giải với chính mình
Hai phía nỗi đau và sức mạnh của lòng bao dung - Bài 2: Cuộc hòa giải với chính mình

Từng trải qua nhiều mất mát trong chiến tranh khi bố hy sinh, trực tiếp chứng kiến bom B52 đánh trúng lớp học, vùi lấp 33 bạn học và thầy giáo, vào sinh ra tử ở những chiến trường ác liệt nhất, với hai lần "được" báo tử…, câu chuyện của ông Vũ Ngọc Xiêm - một người con liệt sỹ cách mạng Việt Nam, cựu chiến binh, cựu nhà báo chiến trường, vô cùng kỳ lạ với những người con lính Mỹ tử trận, mất tích tại Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN