Những năm tháng khó quên
Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến khi bắt đầu nhiệm kỳ tại Mỹ thì xảy ra vụ khủng bố 11/9/2001. Sau đó, nước Mỹ lao vào chiến tranh chống khủng bố toàn cầu, rồi hai cuộc chiến tại Afganistan và Iraq. “Chắc tên tôi là Chiến nên hay gặp thời khó khăn”- Đại sứ đùa vui. Do thời điểm căng thẳng đó, ông phải lùi lại ngày trình Thư Ủy nhiệm của Chủ tịch nước lên Tổng thống Mỹ gần hai tháng, nhưng lại chọn được ngày 10/10- Ngày giải phóng Thủ đô thật ý nghĩa để chính thức bắt đầu nhiệm kỳ của mình.
Đáng nhớ là, từ tháng 11/2001, Hiệp định Thương mại song phương Việt-Mỹ (BTA) bắt đầu hiệu lực và đi vào thực hiện. Hai nước có hoạt động triển khai BTA đầu tiên là hợp đồng của Việt Nam mua 4 máy bay Boeing 777 của Mỹ. Tuy nhiên, chỉ sau đó chưa đầy ba tháng, vào tháng 2/2002, phía Mỹ, lần đầu tiên, đã khiếu kiện Việt Nam bán phá giá cá basa. “Lúc này tôi đã thiển nghĩ: Xuất hàng sang Mỹ thì khó hơn nhiều là mua hàng của Mỹ”, Đại sứ nhớ lại.
Nói thêm về vụ kiện đầu tiên này, Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến cho biết: “Khi đó, vụ kiện rất nhạy cảm. Đây là xung đột thương mại lần đầu với Mỹ và để Việt Nam có thực tế về buôn bán trong điều kiện kinh tế thị trường. Ta cũng có bỡ ngỡ và vừa làm vừa học cách xử lý phù hợp nhất có thể”.
Đại sứ cũng nhắc tới nhiều khó khăn, căng thẳng trong hành trình tìm cách đưa các hàng hóa khác của Việt Nam sang thị trường Mỹ, như đàm phán về hạn ngạch (quota) hàng dệt may, về các chất phụ gia trong hải sản, tiêu chuẩn bao bì đồ gỗ... Việc giải quyết từng vấn đề này đòi hỏi các hiểu biết kỹ thuật, tính toán cân đối lợi ích, tiếp cận luật pháp và văn hóa kinh doanh mỗi bên, nhưng trên hết, hai bên phải cùng vượt qua khó khăn theo lợi ích chung vì cùng phát triển.
Nhớ lại câu chuyện đàm phán với Mỹ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến nhấn mạnh: “Đàm phán tay đôi giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là khâu quyết định việc nước ta gia nhập WTO. Có những cuộc họp thâu đêm suốt sáng, rất khó khăn. Càng đàm phán càng thấy những hiểu biết về vị thế quốc tế, về sự chênh lệch trình độ phát triển kinh tế và về văn hóa của nhau là quan trọng”.
Cho đến chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống George W. Bush vào tháng 11/2006, Quốc hội Mỹ vẫn chưa biểu quyết thông qua Chế độ Thương mại bình thường lâu dài ( PNTR) đối với Việt Nam. Với những hoạt động khó khăn, cuối cùng vấn đề đã được giải toả và Việt Nam được kết nạp là thành viên thứ 150 của WTO vào tháng 1/2007.
Trong khi nước Mỹ đi vào thời chiến chống khủng bố tại Afganistan, Iraq, nền kinh tế Hoa Kỳ ngày một suy thoái và rơi vào khủng hoảng từ cuối 2008, kéo theo khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Quan hệ giữa các nước lớn cũng nhiều biến động và gia tăng phức tạp. Trong bối cảnh đó, như Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến nhận xét, quan hệ Việt- Mỹ đã gặp nhiều cái khó. Song hai nước lại có lợi ích song trùng về chiến lược ở châu Á-Thái Bình Dương, về chống khủng bố, về hợp tác kinh tế, đặc biệt là khi hai nước đều mong muốn thực hiện hiệu quả BTA ký vào tháng 7/2000 sau nhiều năm đàm phán.
Kết quả là, với nỗ lực của cả hai phía, quan hệ Việt- Hoa Kỳ đã phát triển ổn định, liên tục từ sau thiết lập quan hệ ngoại giao, trao đổi kinh tế- thương mại đã nhanh chóng đem lại lợi ích cho nhau. Việc bắt đầu thực hiện BTA từ tháng 11/2001, tiếp sau đó là tiến trình đàm phán song phương về việc Việt Nam gia nhập WTO đã tạo nền tảng vững chắc cho quan hệ hai nước. Đó cũng là quá trình mở màn để Việt Nam hội nhập từng bước vào nền kinh tế thế giới.
Đánh giá về bước phát triển của quan hệ Việt-Mỹ sau 25 năm bình thường hóa quan hệ, Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến khẳng định: “Nếu chỉ nhìn quãng thời gian 25 năm (1995-2020) mà hai nước Việt Nam và Mỹ đã chuyển từ cựu thù trong một cuộc chiến rất ác liệt, trở thành đối tác toàn diện của nhau thì đó quả là bước phát triển nhảy vọt, làm nhiều người ngạc nhiên, ca ngợi tư duy và chính sách đối ngoại hòa hiếu, luôn nhìn về phía trước của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu nhìn rộng và xa hơn vào trường đoạn lịch sử hai nước thì đã có quá nhiều thử thách khắc nghiệt đối với quan hệ Việt-Mỹ. Tính từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, năm 1945, quan hệ hai nước đã trải qua sóng gió chìm nổi với thời kỳ thù địch, chiến tranh và quan hệ bất thường suốt nửa thế kỷ (từ 1945-1995). Vượt qua nhiều cam go, hai bên mới có được 25 năm thân thiện vừa qua”.
Theo Đại sứ, còn nhiều việc phải làm để mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển sâu rộng hơn, dựa trên sự hiểu biết và tin cậy hơn. Cùng với đẩy mạnh đối ngoại Nhà nước, hai bên cần thúc đẩy hơn nữa ngoại giao nhân dân, bởi mọi chính sách, hoạt động giao lưu hợp tác đều cần sự ủng hộ và thực hiện bởi người dân hai nước.
Cầu nối giữa nhân dân hai nước
Đảm nhiệm công việc Phó Chủ tịch Thường trực từ 2008 và Chủ tịch Hội Việt-Mỹ từ 2012 đến nay, Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến luôn tâm niệm: “Hãy phấn đấu làm cho Hội là chiếc cầu nối các thông điệp trái tim giữa hai dân tộc, hướng tới những điều tốt đẹp nhất cho tương lai hai nước”.
Đại sứ cho biết: Hội Việt-Mỹ, tiền thân là Việt-Mỹ thân hữu hội, đã có gần 75 năm phát triển (thành lập từ tháng 10/1945), có kinh nghiệm quý báu từ thời kháng chiến, khi thông qua hoạt động với các phong trào quần chúng, nhân sỹ và các tổ chức xã hội Mỹ, hình thành mặt trận các lực lượng nhân dân Mỹ đoàn kết, ủng hộ Việt Nam, chống chiến tranh, vì hòa bình. Theo Đại sứ, khi quan hệ chính thức giữa hai nước đã có “đường ray” tốt và ổn định, các hoạt động đối ngoại nhân dân cần được coi trọng và đầu tư hơn bởi: “Sự toàn diện của các mối quan hệ đòi hỏi vai trò đầu tàu của ngoại giao nhân dân. Đó mới là kênh hoạt động bao quát nhiều nhất các lĩnh vực”.
Nhắc lại câu chuyện khi Mặt trận Việt Minh tìm cách thiết lập quan hệ với Lực lượng Đồng minh và Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng xác định ngay từ đầu quan hệ trên dựa theo nguyên tắc bình đẳng, có đi có lại, giúp đỡ lẫn nhau. Theo Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến, Hội Việt-Mỹ luôn tuân theo nguyên tắc này trong các hoạt động của mình để phát triển các mối quan hệ bền chặt.
Theo đó, Hội đã luôn chú trọng công tác nghiên cứu để hiểu biết đối tác, tuyên truyền, huy động các giới nhân dân và địa phương tham gia, phát triển đội ngũ nòng cốt… Trong tiến trình hai nước bình thường hóa quan hệ, với tinh thần “Gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, Hội Việt-Mỹ là đầu mối để Tổ chức Cựu binh chiến tranh Việt Nam ( VVA), Liên đoàn Cựu binh Mỹ (The American Legion), Tổ chức Cựu binh Mỹ của các cuộc chiến tranh ở nước ngoài (VFW), Dự án Hai phía (The 2 sides Project) mở rộng tiếp xúc và cử các đoàn thường niên giao lưu với Việt Nam. Những hoạt động này không chỉ góp phần tiếp tục hòa giải sâu sắc, hàn gắn nỗi đau chiến tranh giữa hai dân tộc mà còn mở ra những cơ hội giao lưu hợp tác mới giữa hai bên về kinh tế-thương mại, chuyển giao công nghệ, giáo dục, khoa học, văn hóa và các lĩnh vực khác theo kênh nhân dân.
Năm 2020 là năm có nhiều ý nghĩa với quan hệ Việt-Mỹ nói chung và Hội Việt-Mỹ nói riêng, mặc dù đại dịch COVID-19 đã hạn chế các hoạt động giao lưu nhân dân giữa hai nước nhưng Hội vẫn đón một số đoàn khách Mỹ (trước tháng 3/2020), tổ chức quyên góp để gửi hàng trăm nghìn khẩu trang hỗ trợ bạn bè Mỹ; toạ đàm về du lịch Việt-Mỹ trong hoàn cảnh mới; gia tăng liên lạc từ xa. Dự kiến trong những tháng nửa cuối năm còn lại, Hội sẽ tổ chức một số hoạt động thiết thực kỷ niệm hai ngày lễ lớn: 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước và 75 năm thành lập Hội như: Tổ chức tọa đàm trực tuyến với bạn bè Mỹ nhằm ôn lại những nỗ lực của người dân hai nước đóng góp vào quá trình bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ; tiến hành gặp gỡ, giao lưu văn hóa, thể thao với bạn bè Mỹ đang ở Việt Nam; phối hợp với các hội, đơn vị trong nước và địa phương tổ chức triển lãm tranh, hội thảo chuyên đề và các sự kiện ý nghĩa về quan hệ Việt-Mỹ; tham gia góp phần ổn định tâm tư của học sinh, sinh viên Việt Nam đang học tập tại Mỹ vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19.
Về những năm tới, theo Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến, trong bối cảnh dịch COVID-19 có thể còn tác động lâu dài, Hội Việt-Mỹ phải khai thác được những cách thức mới để tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ nhân dân như: Tận dụng công nghệ trực tuyến để tiếp xúc đối tác qua mạng; tổ chức tọa đàm chuyên đề như về văn hóa kinh doanh Việt-Mỹ; cử các đoàn doanh nghiệp qua kênh Câu lạc bộ doanh nghiệp Việt-Mỹ khi có điều kiện; phối hợp với các hội châu Mỹ khác xây dựng “Cầu thông tin kinh tế Việt Nam-châu Mỹ” nhằm phục vụ các công ty vừa và nhỏ; đẩy mạnh giao lưu văn hóa cùng các dự án hợp tác khác.
Đặc biệt, Đại sứ cho rằng, cần nhân thêm các hoạt động hữu nghị nhằm hòa giải sâu sắc hơn nữa giữa nhân dân hai nước kể cả với cộng đồng người Việt tại Mỹ thông qua các hoạt động hợp tác cùng có lợi; các dự án trợ giúp nhân đạo khắc phục hậu quả chiến tranh và hợp tác phát triển theo kênh dân gian; mở rộng giao lưu địa phương hai nước; tiếp tục các công việc tri ân bạn bè...
Đồng thời, gia tăng các hoạt động giữa giới trẻ hai nước; tăng lượng thông tin đối ngoại thông qua Tạp chí Việt-Mỹ với hai thứ tiếng Việt-Anh, tận dụng phổ biến tạp chí khi có đường bay thẳng, nâng cao chất lượng trang Tạp chí điện tử Việt-Mỹ.