25 năm đã qua kể từ ngày Tổng thống Mỹ Bill Clinton công bố bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ (đêm 11/7/1995 giờ Mỹ, sáng 12/7/1995 giờ Việt Nam), cả hai bên đã nỗ lực không ngừng để vượt qua hận thù quá khứ, xóa mờ vết thương chiến tranh, hướng tới tương lai tốt đẹp. Trong những nỗ lực đó, phải kể đến lòng bao dung, vị tha, nhân ái của những người con từ hai phía có chung nỗi đau mất người thân trong cuộc chiến khốc liệt.
Lòng bao dung, vị tha chính là chìa khóa mở ra cánh cửa, giúp kết nối hai bên, xoa dịu những nỗi đau chiến tranh tưởng chừng không thể vượt qua được.
Minh chứng rõ ràng nhất cho điều này chính là Dự án Hai phía (The 2 sides Project), một dự án không lợi nhuận do bà Margot Carlson Delogne, một người con lính Mỹ mất tích tại Việt Nam, sáng lập với mục đích kết nối với những người con liệt sỹ cách mạng Việt Nam. Dự án giúp những người con từ hai phía vượt qua chính mình, để thấu hiểu, đồng cảm và chia sẻ lẫn nhau; góp phần tăng cường hiểu biết giữa nhân dân hai nước, hàn gắn vết thương chiến tranh.
Điều gì đã khiến một phụ nữ Mỹ có ý tưởng kết nối con lính Mỹ tử trận, mất tích tại Việt Nam với con những liệt sỹ cách mạng Việt Nam? Những lý giải cho câu hỏi này chính là khởi nguồn của Dự án Hai phía (The 2 sides Project), một dự án với mục đích chưa từng được đề cập đến trong những nỗ lực xoa dịu vết thương chiến tranh giữa hai đất nước Việt Nam và Mỹ. Đó cũng chính là một cánh cửa mới mở ra những cơ hội hòa giải, thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước thông qua chính những con người đang gánh chịu những khổ đau của chiến tranh khốc liệt. Từ cánh cửa này, những người con từ hai phía đã tìm thấy sự đến với nhau trong sự cảm thông và chia sẻ.
Khởi nguồn
Margot Carlson Delogne lớn lên với vô số câu hỏi về cha mình và cuộc chiến. Cha của bà, John W Carlson, một đại úy thuộc lực lượng Không quân, đã bị bắn rơi và mất tích ở khu vực Biên Hòa ngày 7/12/1966. Lúc ấy, Margot mới 2 tuổi, hầu như không có chút ký ức nào về cha mình.
Giai đoạn trưởng thành quả là khó khăn với Margot. Không ai muốn nhắc tới cuộc chiến này; bản thân bà chưa bao giờ nhắc đến cha. Bà biết không ai muốn nói đến điều đau buồn đó.
Thời tuổi trẻ, Margot đã có một khoảng thời gian khủng hoảng, luôn cảm thấy trống rỗng. Tuy nhiên, sau một thời gian trượt dài, mẹ bà đã nói chuyện về người cha của Margot. Bà đã nảy sinh ý muốn tìm hiểu về cha mình và trả lời những câu hỏi luôn nằm trong đầu mình từ khi còn nhỏ. Cứ như vậy, Margot đã tìm thấy mục đích, ý nghĩa cuộc đời mình.
Bước ngoặt trong cuộc đời Margot đến từ năm 2015. Đây là năm có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ hai nước Việt - Mỹ: Kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ hai nước (1995-2015). Bà nhận ra cuộc chiến đã kết thúc, Việt Nam và Mỹ đã bình thường hóa quan hệ nhưng những người con của hai phía vẫn chưa hề tiếp xúc với nhau.
Từ những buổi gặp gỡ của Tổ chức Sons and Daughters in Touch, một tổ chức tập hợp con lính Mỹ tử trận tại các cuộc chiến tranh, Margot đã gặp được một số người có cùng hoàn cảnh với bà, đều mất cha tại Việt Nam. Bà thổ lộ với họ về mong muốn kết nối với phía bên kia, những người con của các liệt sỹ cách mạng Việt Nam. Một vài người e ngại không dám chạm vào vết thương đó, nhưng đã có những người ủng hộ ý tưởng của bà. Vậy là “The 2 sides Project” ra đời, một tổ chức không lợi nhuận, có mục đích kết nối những người con hai phía trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam lại với nhau.
Tháng 4/2015, thông qua sự giới thiệu của nguyên Đại sứ Việt Nam tại Canada Nguyễn Thị Hồi, Phó Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Nguyễn Văn Huỳnh, Margot đã viết một bức thư gửi Hội Việt - Mỹ (VUS - Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam). Trong thư, bà viết: “Năm nay, chúng ta cùng kỷ niệm sự kiện đặc biệt trong quan hệ hai nước và những bước tiến trong nỗ lực vượt qua hậu quả chiến tranh, nhưng những đứa trẻ mất cha mẹ trong cuộc chiến này, nay đã là những người trưởng thành, vẫn chưa từng có cơ hội được chính thức gặp gỡ để hiểu về những ảnh hưởng của cuộc chiến đối với mỗi phía. Tôi là một trong số những trường hợp như vậy. Và tôi tin rằng, như hai quốc gia, nhân dân hai nước cũng cần có bước tiến đến với nhau”. Bà bày tỏ mong muốn có được cơ hội kết nối “những đứa trẻ” như bà ở hai phía để hiểu hơn về cuộc chiến tranh Việt Nam, để đồng cảm và chia sẻ với những người có chung nỗi đau mất đi người thân như bà.
Bức thư của bà Margot nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ tích cực của Hội Việt - Mỹ. Trong thư trả lời bà, ông Bùi Văn Nghị, Tổng Thư ký Hội Việt - Mỹ cho rằng, đây là thời điểm hai phía của cuộc chiến cần có những hoạt động thúc đẩy quan hệ giữa hai quốc gia, vượt qua hậu quả chiến tranh, đặc biệt là với những người con lính Mỹ tử trận, mất tích tại Việt Nam. Ông Tổng Thư ký Hội Việt - Mỹ khẳng định dự án của bà Margot sẽ thúc đẩy hòa giải, hiểu biết lẫn nhau, hợp tác hữu nghị giữa nhân dân hai nước, góp phần tạo nền móng vững chắc cho quan hệ hợp tác, tình hữu nghị giữa Việt Nam và Mỹ trong tương lai. Ủng hộ ý tưởng thành lập Dự án Hai phía của bà Margot, ông Bùi Văn Nghị đề nghị VUS giúp đỡ tổ chức chuyến đi sang Việt Nam của Đoàn.
Nhận ra VUS chính là đối tác quan trọng và thích hợp với Dự án Hai phía, bà Margot lập tức xúc tiến chuyến đi tới Việt Nam. Sau bao nỗ lực của hai bên, ngày 8/12/2015, hoạt động đầu tiên của Dự án Hai phía đã được triển khai với chuyến đi tới Việt Nam của 6 người con lính Mỹ tử trận, mất tích tại đây.
Chuyến đi tới Việt Nam năm 2015 đã thay đổi cuộc đời bà và những người trong Đoàn. Gạt bỏ nhanh chóng những lo lắng, e ngại ban đầu, tất cả đã được biết đến một Việt Nam hoàn toàn khác với những gì họ tưởng tượng, một Việt Nam tươi đẹp, thân thiện, nồng ấm. Và, sau khi được tiếp xúc với những người con liệt sỹ cách mạng Việt Nam, được nghe câu chuyện của họ, những người con của lính Mỹ tử trận, mất tích tại Việt Nam, càng hiểu thêm về đức bao dung, vị tha của người Việt, tinh thần nhân ái của một dân tộc yêu chuộng hòa bình. Nhờ vậy, họ đã giải được những khúc mắc trong lòng về cuộc chiến tranh Việt Nam, lý do cha họ đến nơi đây và cái chết của cha họ ở đất nước này. Quan trọng là cuối cùng, họ đã tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn.
“Tôi lớn lên với nỗi ám ảnh về Việt Nam, chú tâm vào những thiệt thòi, mất mát của mình. Nhưng dần dần, tôi nhận ra, những trái bom cha tôi ném xuống có thể đã giết chết rất nhiều người. Ở Việt Nam, có lẽ cũng có nhiều người như tôi, những người phải chịu nỗi đau mất mát của chiến tranh, lớn lên không có tình yêu thương của cha mẹ. Nhờ Dự án Hai phía, tôi cùng các anh chị em khác đã nhận ra, được gặp gỡ trực tiếp với những người phía bên kia đã thay đổi những ý nghĩ, lòng tin và cả cuộc đời của chúng tôi”, bà Margot chia sẻ.
6 con người, trong 10 ngày tại Việt Nam, đã được dự đám tang của 6 người cha. Cảm xúc đan xen cùng những giọt nước mắt, cuộc đời họ đã thay đổi hoàn toàn. Giờ đây, mảnh đất Việt Nam không còn xa lạ với họ nữa mà trở nên thân thuộc. Đó chính là nơi cha họ từng hiện diện, cũng là nơi họ gặp được những người đồng cảnh ngộ với mình, được bao dung, chia sẻ. Sau cùng, chính mảnh đất này đã mang đến bình yên trong tâm hồn họ.
Sau hành trình đầu tiên năm 2015, câu chuyện của 6 người con lính Mỹ tử trận, mất tích tại Việt Nam được thể hiện trong bộ phim tài liệu mang tên “The 2 sides Project”. Bộ phim ghi lại những cảm xúc chân thực nhất về quá trình gặp gỡ giữa hai phía, nỗ lực vượt qua hận thù, xoa dịu vết thương bằng tấm lòng bao dung, chia sẻ, đồng cảm và yêu thương.
Năm 2017, nhân dịp công chiếu bộ phim trên, Đoàn Dự án Hai phía đã mời 4 người, trong đó có 3 người là con liệt sỹ cách mạng Việt Nam và ông Bùi Văn Nghị, Tổng Thư ký VUS sang Mỹ dự và thăm những người bạn của Dự án Hai phía. Năm 2018, Đoàn Dự án Hai phía tiếp tục có chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai, trình chiếu bộ phim trên tại Việt Nam, tiếp tục sứ mệnh kết nối hai phía, góp phần xoa dịu vết thương chiến tranh, cũng như thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc.
Bà Margot cho biết, thời gian tới, bà và anh chị em trong dự án sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động kết nối, giao lưu với những người con liệt sỹ cách mạng Việt Nam nhằm tìm thấy nhiều hơn nữa tình cảm chân thành và sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai bên.
Riêng Margot, bà thường xuyên kết nối với những người bạn tại Việt Nam. Tháng 2/2020, Margot đã trở lại Việt Nam để thăm các bạn và thu thập thông tin phục vụ cuốn sách bà dự định viết về chị Nguyễn Thị Hồng Diễm, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, một người con liệt sỹ cách mạng Việt Nam, từng được Dự án Hai phía mời sang Mỹ năm 2017.
Chữa lành vết thương tâm hồn
Dự án Hai phía đã thực hiện được những điều dường như không tưởng đối với những người con của lính Mỹ tử trận, mất tích tại Việt Nam, những người không chỉ có nỗi đau mất người thân mà còn đeo đẳng trong mình mặc cảm tội lỗi. Trong chuyến đi đầu tiên tới Việt Nam từ ngày 8 - 19/12/2015 và tiếp xúc với con liệt sỹ cách mạng Việt Nam, họ đã được chữa lành vết thương tâm hồn.
Khi cha của Margaret Von Lienen tử trận tại Việt Nam, bà mới chỉ là cô bé 5 tuổi. Đại diện lực lượng hải quân Mỹ đã đến nhà và báo với mẹ Margaret Von Lienen rằng chồng bà, phi công lực lượng Hải quân, Robert Saattedra đã bị liệt vào danh sách binh sỹ Mỹ mất tích tại Việt Nam (MIA). Máy bay của ông bị bắn hạ tại khu vực thuộc tỉnh Hà Tĩnh vào ngày 28/4/1968.
Trong ký ức của Margaret Von Lienen, những hình ảnh về cha mình chỉ thoáng qua trong đầu bởi cha bà đi công tác rất nhiều, lính hải quân là vậy, lúc nào cũng trên hành trình công việc.
“Tôi nhớ đến kỷ niệm với cha mình khi em trai tôi sinh ra. Tôi và bố phải đứng ngoài cửa sổ nhìn vào giường mẹ và em mình vì bệnh viện không cho phép vào. Một hình ảnh nữa còn nhớ là khi bố tôi trở về nhà, mở cửa phòng tôi và tôi vội nhảy lên ôm chầm bố. Những lần ghé về nhà của ông thường rất ngắn ngủi”, Margaret Von Lienen chia sẻ.
Trong suốt thời gian dài, nếu được hỏi về câu chuyện của chồng mình, mẹ bà Margaret sẽ chia sẻ. Lúc nào bà cũng có bức ảnh của ông trong túi. Nhưng khi không được hỏi, câu chuyện đó không bao giờ được nói ra.
Khi bà nội mất, Margaret nhận được một số kỷ vật của cha mình. Một bài báo bà chưa bao giờ đọc, những lá thư từ hồi ông học trung học, những vật dụng khi ông gia nhập và học sỹ quan tại lực lượng hải quân, những lá thư ông gửi từ Việt Nam. Bà đã choáng ngợp với cảm xúc mà những kỷ vật này mang đến.
Năm 2014, lực lượng chức năng tìm kiếm, khai quật tại khu vực có khả năng là nơi cha Margaret tử nạn. Đáng tiếc là, Margaret không nhận được bất kỳ thông tin hữu ích nào xác nhận đó là cha của bà. Do đó, bà Margaret quyết định tham gia chuyến đi tới Việt Nam, theo Dự án Hai phía, bởi nếu không đi ngay thì có thể sẽ không bao giờ bà có cơ hội tìm hiểu thêm thông tin về cha mình. Một điều tuyệt vời, theo Margaret, bà được đi với một nhóm đồng cảnh ngộ nên bà sẽ không cần lo nghĩ đến việc giải thích hay xin lỗi về những cảm xúc của mình. “Đó quả là một món quà đặc biệt dành cho tôi”, bà Margaret nói.
Margaret hy vọng, nhờ chuyến đi này, bà sẽ đến gần hơn với cha mình, và có lẽ, Margaret cũng sẽ tìm được cho mình chút bình yên.
Nhưng, sâu thẳm trong bà, Margaret có một nỗi lo sợ, những người con phía bên kia sẽ có phản ứng thế nào khi gặp bà. Bà không muốn nhắc đến từ “những kẻ xâm lược” bởi nhiều người lính Mỹ đã phải làm những gì họ được yêu cầu. Có thể sau buổi gặp gỡ sẽ không có gì tốt hơn cả, hoặc có thể còn tồi tệ hơn. Bà cảm thấy bất an và lo sợ.
Lúc đến được tọa độ nơi cha Margaret được báo mất tích, đâu đó gần khu vực Hà Tĩnh, trời đã nhá nhem tối. Margaret đã biết trước mình chẳng thế nói được gì nên đã chuẩn bị một bài thơ dành cho cha. Vừa thực hiện nghi lễ cầu siêu cho cha mình, Margaret vừa thốt lên những câu thơ về cha mình: “Con mới 5 tuổi khi mẹ bảo rằng bố đã ra đi/ Nước mắt con vẫn tuôn rơi dù đó là điều con không hiểu/…/ Con đã có những tháng ngày đằng đẵng không có bố/ Nhưng dù sao con vẫn yêu và nghĩ đến bố mỗi ngày”.
Tại nơi cha Margaret mất tích, khung cảnh hoàng hôn đẹp tuyệt vời khiến bà cảm thấy nhẹ nhàng và thanh thản hơn. Quả thật, khi đến đây, Margaret đã tìm thấy được bình yên trong tâm hồn.
Câu chuyện của Susan Mitchell-Mattera, một y tá, sống ở Carson, bang Carlifornia, cũng đau buồn không kém. Cha của bà là James C. Mitchell Jr, thuộc Hải quân Hoa Kỳ, đến Việt Nam từ cuối năm 1963, ngày 8/1/1970 thiệt mạng tại khu vực gần Chợ Mới, An Giang, hai ngày trước hạn giải ngũ.
Susan lớn lên trong nỗi buồn dai dẳng của mẹ. Câu chuyện về cha không bao giờ được nhắc trước mặt mẹ, nếu không bà sẽ khóc. Mẹ cũng không bao giờ đề cập đến chuyện này với Susan.
Susan tham gia chuyến đi của Dự án Hai phía với mục đích đến được nơi cha mình tử trận, nơi trước đó ông đã từng sống trong 1 tháng, để được gần gũi hơn với cha mình, hít thở bầu không khí cha mình từng hít thở, đi bộ quanh những nơi có thể cha mình đã từng dạo qua.
Bà thực sự mong muốn, thông qua chuyến đi này, sẽ hiểu hơn về người dân Việt Nam, về những người Việt Nam cũng phải đối mặt với nỗi đau như bà, từ đó thấu hiểu, chia sẻ, hàn gắn và tìm thấy được sự bình yên trong tâm hồn. Với bà: “Khoảng trống trong tâm hồn về cái chết của cha mình đã được lấp đầy”.
Bà đã đến được nơi cha mình tử nạn tại một con sông thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, thực hiện nghi lễ tưởng niệm cha mình theo phong tục Việt Nam. Bà được gặp những người con liệt sỹ cách mạng Việt Nam, những người mà ở một số khía cạnh, có nỗi đau giống bà. Câu chuyện của họ về những mất mát trong chiến tranh, những gánh nặng tâm lý họ phải gánh chịu suốt bao năm qua và trên hết, tấm lòng bao dung, chia sẻ của họ, khiến bà suy nghĩ và cảm phục.
Chuyến đi tới Việt Nam năm 2015 thực sự là một quyết định đúng đắn của Susan. Những người con liệt sỹ cách mạng Việt Nam bà được gặp đã trở thành những người bạn yêu mến. Năm 2018, nhân dịp trình chiếu bộ phim tài liệu “The 2 sides Project”, bà Susan đã quay trở lại Việt Nam một lần nữa, tiếp tục gặp gỡ những người con liệt sỹ cách mạng Việt Nam và vui mừng khi được họ mở rộng những vòng tay.
Từ sự đồng cảm, thấu hiểu và chia sẻ, Susan đã khởi xướng ý tưởng vận động quyên góp xây dựng Nhà Hòa bình dành cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đầu tháng 5/2020, tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, hai căn nhà đã được hoàn thành. Hai gia đình nghèo đã có nhà mới, một minh chứng cho sự kết nối giữa hai phía, sự kết nối của hạnh phúc và sẻ chia.
Còn với Ron Reyes, khi cha mất trên một ngọn đồi gần Khe Sanh (Quảng Trị), ngày 30/3/1968, cậu bé mới được 1 tháng tuổi. Cha của ông chỉ biết mình có một cậu con trai trên đời thông qua một bức ảnh. Ron lớn lên nhờ bàn tay chăm sóc của mẹ, ông nội, cùng những câu chuyện họ kể về cha mình. Mẹ ông kể, trong đám tang của cha, bà đã chuyền tay để mọi người bế Ron rồi đưa cậu bé mới 1 tháng tuổi gần sát quan tài cha mình một lúc lâu, vì như bà nói, đây là lần gần gũi duy nhất của hai cha con.
Ron cho biết, ông quyết định tham gia chuyến đi tới Việt Nam với tâm trí khá cởi mở, xác định sẽ đến thăm một số nơi, chứng kiến những thứ có lẽ là hoàn toàn khác so với những gì ông từng nghe. Và ông sẵn sàng đón nhận điều này.
Hành trình đến nơi cha Ron tử trận là quãng đường vô cùng ý nghĩa với ông. Nơi cha mất, theo tưởng tượng của Ron, là một vùng đất trống, trơ trọi sỏi đá. Nhưng trái lại, đó là một vùng đất trù phú, chen chúc những tán cây cà phê căng mọng quả. Mảnh đất đầy sức sống này từng chứng kiến rất nhiều cái chết, trong đó có cái chết của cha Ron.
Lúc ấy, Ron ngã xuống đất và choáng ngợp. Ông đã chuẩn bị rất nhiều năng lượng để đến nơi này, và rồi tại đây, ông đã trải qua muôn vàn cảm xúc: Hạnh phúc, buồn bã, mãn nguyện… tất cả cùng lúc ùa về. Những năm tháng cuộc đời như dừng lại, cuối cùng, Ron một lần nữa được ở gần cha mình.
Cuộc gặp gỡ giữa hai phía đã thay đổi ông mãi mãi. Trong suốt chuyến đi, những cuộc tiếp xúc, chưa một người nào chất vấn lý do ông đến Việt Nam. Đôi bên, sau buổi nói chuyện đều cảm thấy nhẹ nhõm và bình yên. Ron chia sẻ, ông đến Việt Nam để tìm tới cha mình, nhưng thay vào đó, ông đã tìm thấy bản thân mình với nhiệm vụ rất rõ ràng, lắng nghe, chia sẻ và thấu hiểu những người bạn mới tại Việt Nam.
Được truyền cảm hứng từ Chương trình vận động quyên góp xây dựng những ngôi nhà Hòa bình do Susan khởi xướng, Ron Reyes đã và đang tích cực vận động quyên góp để xây dựng hai căn nhà hỗ trợ gia đình nghèo tại khu vực Khe Sanh, tỉnh Quảng Trị.
Bài 2: Cuộc hòa giải với chính mình