Hai phía nỗi đau và sức mạnh của lòng bao dung - Bài 2: Cuộc hòa giải với chính mình

Từng trải qua nhiều mất mát trong chiến tranh khi bố hy sinh, trực tiếp chứng kiến bom B52 đánh trúng lớp học, vùi lấp 33 bạn học và thầy giáo, vào sinh ra tử ở những chiến trường ác liệt nhất, với hai lần "được" báo tử…, câu chuyện của ông Vũ Ngọc Xiêm - một người con liệt sỹ cách mạng Việt Nam, cựu chiến binh, cựu nhà báo chiến trường, vô cùng kỳ lạ với những người con lính Mỹ tử trận, mất tích tại Việt Nam.

Qua câu chuyện, những người Mỹ thế hệ sau đã hiểu hơn về một Việt Nam bao dung, vị tha và đầy lòng nhân ái.

Nỗi đau chồng nỗi đau

Chú thích ảnh
Ông Vũ Ngọc Xiêm trò chuyện cùng phóng viên TTXVN.

Ông Xiêm kể lại: “Bố tôi là Vũ Ngọc Sam, chiến sỹ đơn vị pháo cao xạ bảo vệ cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa, hy sinh ngày 4/4/1965, khi đang chiến đấu với máy bay Mỹ”. Lúc ấy, Vũ Ngọc Xiêm mới 14 tuổi, bắt đầu học lớp 8. Hai năm sau, một sự việc đau thương khác càng khiến cậu thấm thía sự khốc liệt của chiến tranh. Đó là ngày 10/10/1967 không thể quên trong cuộc đời ông.

Là lớp trưởng, Bí thư Chi đoàn, hàng sáng Xiêm có nhiệm vụ đến lớp trước 30 phút để kiểm tra giao thông hào, hầm trú ẩn cho các bạn… Sáng hôm đó, sau khi đi kiểm tra, Xiêm về đến cách lớp chừng 100m thì nghe tiếng nổ “rầm”, sức ép hất văng cậu xuống ao. Lúc ngóc đầu dậy được thì Xiêm nghe thấy xung quanh người dân hô: “Lớp 9b bị rồi! Lớp 9b bị rồi!”. Chạy về đến lớp, trước mắt Xiêm chỉ còn đất đá văng khắp nơi. Một quả bom rơi trúng giữa lớp học. Lúc ấy, lớp đang có hơn 50 bạn. 33 bạn và thầy giáo đã ra đi. Nói đến đây, giọng ông nghẹn lại, đôi mắt già nua ngân ngấn nước. Ông dằn lòng hồi lâu mới tiếp được mạch câu chuyện.

Sau khi học xong cấp III, ông Xiêm tiếp tục học tại Khoa Báo chí, Trường Tuyên huấn Trung ương. Cuối năm 1972, đầu năm 1973 ông vào Quảng Trị thực tập để làm luận văn tốt nghiệp, rồi lên đường vào Nam công tác tại Báo Quân Giải phóng của Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam. Thuộc khóa đại học báo chí đầu tiên tăng cường cho Nam Bộ, lại khá nhanh nhẹn nên ông Xiêm được ưu tiên cử đi những nơi nguy hiểm, căng thẳng nhất, thường xuyên bám sát các đơn vị như: Sư đoàn 7, 9, 5; một số đơn vị pháo cao xạ, pháo mặt đất… Ông được mệnh danh là Xiêm “chiến trường”.

Trong cuộc đời chiến đấu, ông Xiêm đã hai lần "được" báo tử. Lần đầu tiên vào 18 giờ ngày 18/8/1972, khi ông được bổ sung đi theo Đoàn 40 cán bộ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào Nam công tác, do Phó Chủ tịch Quốc hội Phan Anh dẫn đầu. Đoàn đi bộ từ Thanh Hóa, đến Vĩnh Linh thì ông và phóng viên ảnh Lê Huy Nhật được bổ sung vào đoàn.

Trước khi đoàn xuất phát thì nhận được tin tình báo, địch đã nắm được thông tin về đoàn và chuẩn bị kế hoạch oanh tạc. Vì thế, thay vì đi lúc 18 giờ, đoàn đã xuất phát trước hai tiếng. “Lúc đó là 16 giờ, trời vẫn còn sáng, qua vùng Vĩnh Linh cát trắng cực kỳ nguy hiểm nhưng đoàn vẫn phải ngụy trang để đi. Đoàn vừa đi qua Cửa Việt thì xuất hiện 12 chiếc B-52 chia làm 4 tốp, mỗi tốp 3 chiếc. Từng tốp B-52 rải bom xuống nhiều như vãi trấu. Trời tối đen những cơn mưa bom. Rất may đoàn đã biết được tin và đi trước, nếu không chắc chắn không một ai sống sót”, ông Xiêm kể lại.

6 giờ sáng hôm sau, qua đài BBC, đoàn nghe được thông tin toàn bộ đoàn công tác đã bị hủy diệt, kèm theo tin đó là danh sách cụ thể 42 người, trong đó có tên ông Xiêm.

Sau chuyến công tác 19 ngày trở về, ông Xiêm thấy bàn thờ của mình được dựng ở trụ sở Ban chỉ huy đơn vị. Hóa ra, mấy người bạn của ông nghe tin từ đài BBC, tưởng ông đã hy sinh nên lập bàn thờ. Sau này, khi hòa bình lập lại, gặp lại nhau, những người bạn đó mới biết ông Xiêm còn sống.

Lần thứ hai vào đầu năm 1974, ông Xiêm đang ở Bộ chỉ huy Miền tham gia trận đánh vào khu vực Bến Cát (Bình Dương). Đây là trận đánh cực kỳ ác liệt. Ông theo Tiểu đoàn cao xạ, đến gần khu vực Bến Cát thì bị lộ trận địa. Địch cho máy bay ném bom suốt 3 tiếng đồng hồ. Ông Xiêm thoát chết vì lúc đó đi cùng y tá đưa đồng chí Nguyễn Văn Dút, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn cao xạ, bị thương ở bụng, tới trạm hậu phẫu tiền phương cách đó vài cây số.

Trận đánh kết thúc, ông Xiêm đi theo Quân đoàn 4 tiếp tục chiến đấu, 4 ngày sau mới trở về đơn vị. Trong khi đó, tiền phương đã báo về là ông Xiêm hy sinh, đơn vị đã tổ chức truy điệu cho ông. Về đến nơi, ông Xiêm lại gặp bàn thờ chính mình.

Hòa bình lập lại, ông Xiêm về Báo Quân khu 7, năm 1977, ông làm phóng viên thường trú tại chiến trường Campuchia. Tham gia chiến trường Campuchia từ năm 1977 đến tháng 12/1979 ông quay lại Báo Quân khu 7. Đầu năm 1983, ông Xiêm chuyển ngành sang Sở Văn hóa-Thông tin thành phố, đảm nhiệm chức vụ Trưởng phòng thông tin Thủy điện Trị An.

Hồi đó công trình thủy điện Trị An là công trình thủy điện lớn và đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phục hồi của miền Nam sau chiến tranh. Sau khi Thủy điện Trị An hoàn thành, ông Xiêm về Báo Lao động xã hội công tác, rồi về Báo Cựu chiến binh Việt Nam. Giờ đây, ở cái tuổi thất thập, ông vẫn tham gia công tác tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cựu chiến binh Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần nhỏ bé nhằm giúp đỡ con em liệt sỹ, cựu chiến binh có thêm công ăn việc làm ổn định.

Gác lại quá khứ

Chú thích ảnh
Ông Xiêm và đoàn Việt Nam được chào đón khi sang Mỹ năm 2017.

“Khi được mời tham gia cuộc gặp gỡ giữa con liệt sỹ cách mạng Việt Nam và con của lính Mỹ tử trận, mất tích tại Việt Nam, tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Họ không phải là những người trực tiếp gây ra chiến tranh ở Việt Nam, gây nên cái chết của bố tôi, các bạn học và thầy giáo tôi, nhưng họ là người Mỹ! Nhưng rồi, tôi đã nghĩ đến hoàn cảnh mất cha của họ. Họ là người Mỹ nhưng cũng là những người con thiếu vắng đi tình cảm yêu thương, sự dạy dỗ của người cha.

Chắc hẳn họ cũng có những khoảng thời gian hẫng hụt, cô đơn và đau đớn. Cảm xúc của tôi dần thay đổi từ hận thù, oán giận sang đồng cảm và chia sẻ với những người con của lính Mỹ tử trận. Và khi đến cuộc gặp gỡ, tôi nhìn thấy sự thiếu tự tin, lo lắng trên khuôn mặt họ. Thế rồi, tôi đã chứng kiến những giọt nước mắt của họ. Ngay lúc đó, lòng thù hận của tôi dường như tan biến, chỉ còn lại sự cảm thông. Họ và chúng tôi đều có chung nỗi đau mất đi những người thân yêu của mình trong chiến tranh”, ông Xiêm chia sẻ.

Buổi gặp đoàn những người con lính Mỹ tử trận và mất tích của Dự án Hai phía được tổ chức tại trụ sở Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố Hồ Chí Minh ngày 16/12/2015. Ông Xiêm tham dự cùng khoảng 20 đại biểu cũng là con liệt sỹ. Tại đây, ông đã  thẳng thắn nói: “Khi các bạn sang đây, cũng giống như các đoàn cựu binh Mỹ thôi, chắc các bạn rất sợ hãi vì các bạn là con của những người lính Mỹ tử trận, mất tích tại Việt Nam, có nghĩa là con của những người trực tiếp gây ra chiến tranh ở Việt Nam, hủy hoại đất nước chúng tôi. Bản thân tôi có người cha bị bom Mỹ giết chết. Bản thân tôi nhiều lần may mắn thoát chết, nhưng cũng phải hứng chịu nỗi đau của chiến tranh khốc liệt khi chứng kiến hàng chục người bạn mình và thầy giáo ra đi ngay trước mắt. Tôi đã căm thù đến tột độ. Khi tôi sống sót ở Trường cấp 3 Ý Yên, tôi đã có suy nghĩ, chỉ cần tôi gặp bất cứ một người Mỹ nào chứ không chỉ là lính Mỹ, tôi sẽ giết, giết, và giết hết!”.

Và ông Xiêm thấy họ khóc. Ngay lúc đó, ông sững lại một lúc rồi cảm xúc như dịu đi. Ông hiểu rằng, họ và những người như ông đều có chung nỗi đau mất người thân trong chiến tranh.

Ông nghĩ: “Chính phủ hai nước đã có cuộc gặp gỡ từ năm 1995, đã đồng ý khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Vậy thì bây giờ mình giữ lại hận thù để làm gì, hận thù chỉ làm cho mình đau khổ hơn. Tại sao không hướng tới tương lai, bắt tay nhau cùng đi trên con đường xây dựng đất nước”.

Thế rồi ông Xiêm nói với các bạn Mỹ: “Mỹ gây ra chiến tranh phá hoại đất nước Việt Nam, các bạn phải có trách nhiệm xây dựng đất nước Việt Nam này như nước Mỹ của các bạn. Cha các bạn sinh ra ở Mỹ nhưng chết ở Việt Nam, như thế các bạn phải thấy rằng quê hương thứ hai của các bạn ở Việt Nam vì cha các bạn đang nằm ở đây. Mà đã là quê hương thì các bạn phải có trách nhiệm xây dựng. Trên thế giới này, có thể đến mọi nơi nhưng chỉ có một nơi để về, đó là Tổ quốc, quê hương mình. Cha các bạn nằm ở đây thì đây chính là quê hương các bạn”. Những người con của lính Mỹ tử trận, mất tích tại Việt Nam vô cùng xúc động, vỗ tay lớn.

Lý giải nguyên nhân vì sao có lòng căm thù sâu sắc như thế nhưng lại có thể hóa giải, ông Xiêm chia sẻ: “Nếu cứ nén căm thù thì sẽ tự gây đau khổ cho mình, nên giải tỏa nỗi đau khổ đó đi. Không những giải tỏa nỗi đau của bản thân mà còn phải tham gia vào những hoạt động để góp phần hóa giải hận thù của những người đồng cảnh ngộ với mình, để họ cũng được bình yên trong tâm hồn.”

Ông cũng chia sẻ với các bạn Mỹ rằng, Việt Nam là một dân tộc có đức bao dung, thân thiện, nên giờ đây hai phía đã ngồi được với nhau tại đây. “Bản thân tôi là người từng có lòng căm thù tột độ, nhưng chúng ta không thể nuôi lòng căm thù đó mà phải gác lại quá khứ, hướng tới tương lai. Hôm nay, chúng ta cần bàn việc sắp tới làm gì để vun đắp cho tình cảm hai dân tộc. Những người có hoàn cảnh như chúng ta cần làm những việc tốt nhất cho tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước”, ông Xiêm nói.

Nghe đến đây, tất cả mọi người đều khóc. Họ hiểu rằng trái tim của những người con lính từ hai bên chiến tuyến đã có sự đồng cảm, sẻ chia, rằng Dự án Hai phía đã có thành công bước đầu.

Năm 2017, ông Xiêm được mời đi Mỹ tiếp xúc với con những lính Mỹ tử trận và mất tích ở Việt Nam, để chia sẻ câu chuyện của bản thân. Với ông Xiêm, chuyến đi này vô cùng ý nghĩa, xúc động. Ông mang tiếng nói của nhân dân Việt Nam đến với nhân dân Mỹ để họ hiểu được tại sao Mỹ gây chiến tranh với Việt Nam như vậy mà người Việt vẫn coi người Mỹ như bạn. Bản thân ông cũng vậy, từng có những lúc căm thù tột độ, nhưng vẫn bao dung, tha thứ và nhìn về phía trước. Đó là bởi truyền thống nhân văn của dân tộc Việt Nam, lòng bao dung, nhân hậu của con người Việt Nam.

Đến nay, ông Xiêm vẫn giữ liên lạc với những người con của lính Mỹ tử trận và mất tích tại Việt Nam trong Dự án Hai phía. Họ đã trở thành những người bạn, người anh em cùng chung cảnh ngộ. Họ không quên quá khứ, nhưng với lòng vị tha và sự cảm thông, chia sẻ, đã chiến thắng hận thù, hòa giải được trong nội tâm của chính mình để tìm được sự bình yên, thanh thản trong tâm hồn.

Bài 3: Rộng mở những vòng tay

Thu Phương (TTXVN)
Hai phía nỗi đau và sức mạnh của lòng bao dung - Bài 1: Dự án Hai phía
Hai phía nỗi đau và sức mạnh của lòng bao dung - Bài 1: Dự án Hai phía

Trong lịch sử quan hệ quốc tế, chưa có mối quan hệ nào đặc biệt như quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Hai nước đã trải qua đủ các cung bậc khác nhau, từ chiến tranh thù địch, cấm vận tới hòa giải, hợp tác và phát triển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN