Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết: Đối với lĩnh vực Nội vụ, vấn đề nổi cộm gần đây được ĐBQH cũng như cử tri phản ánh rất nhiều là tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc, rời bỏ khu vực công.
“Hiện tượng này rất đáng báo động, đặc biệt đối với ngành giáo dục và y tế. Bên cạnh đó, vấn đề tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập đã bộc lộ nhiều hạn chế khiến không ít đơn vị xin thôi tự chủ. Việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tình trạng dôi dư biên chế sau sáp nhập, tình trạng sáp nhập cơ học, chưa thực chất. Đây là các vấn đề đặt ra cho ngành Nội vụ phải có giải pháp, tham mưu Chính phủ để sớm khắc phục, giải quyết triệt để”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga chia sẻ.
Cùng với đó, ngành Xây dựng cũng đang có hàng loạt vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm tâm như: Quy hoạch đô thị, nhất là ở các thành phố lớn. Quy hoạch đô thị đang là bài toán đau đầu với nhiều thành phố lớn. Tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), trên một tuyến đường chỉ vài mét nhưng có tới hàng chục toà nhà chung cư, gây áp lực rất lớn lên hạ tầng giao thông. Đại biểu đặt câu hỏi: Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ quản lý công tác quy hoạch như thế nào để không đi vào “vết xe đổ”?
Ngoài ra, về công tác quản lý thị trường bất động sản, nhiều ĐBQH cũng quan tâm tới việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô thành phố Hà Nội; việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản; việc xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân, nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp là nội dung người dân rất quan tâm, mong muốn “tư lệnh” ngành xây dựng sẽ có những giải đáp thấu đáo, thẳng thẳn.
Tại kỳ họp này, cũng có những vấn đề cử tri quan tâm, ĐBQH chất vấn từ kỳ họp này đến kỳ họp khác, từ nhiệm kỳ này qua nhiệm kỳ khác nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. “Chúng tôi biết rằng, để giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế không thể trong ngày một ngày hai được. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận có những vấn đề tồn tại chúng ta chậm khắc phục, chưa có chuyển biến rõ rệt”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết.
Theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, có những vấn đề được ĐBQH nêu ra vẫn chậm được giải quyết, càng ngày càng diễn ra phức tạp hơn, tinh vi hơn như tình trạng lộ lọt thông tin cả nhân; hay việc ngăn chặn, xử lý tình trạng phát tán thông tin xấu độc, tung tin sai sự thật, làm ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân.
“Không phải đến kỳ họp này chúng ta mới chất vấn về việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử. Ngay từ Quốc hội khoá XIV, các đại biểu đã đề cập đến vấn đề này, nhưng vẫn chưa có giải pháp thực sự hiệu quả để ngăn chặn”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết.
Năm 2022, theo báo cáo Chính phủ, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 8%. Tuy nhiên, trong 15 chỉ tiêu kế hoạch ước thực hiện năm 2022, chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội là chỉ tiêu duy nhất ước không đạt. Chỉ tiêu tăng năng suất lao động dự kiến chỉ đạt 4,7 - 5,2%, kế hoạch đề ra là 5,5%.
Trong khi, đây là một chỉ tiêu quan trọng mà nhìn vào đó Việt Nam có thể đánh giá được hiệu suất làm việc của lao động. Việc chỉ tiêu này không đạt chứng tỏ chất lượng lao động, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn thấp và ý thức lao động chưa cao, tiềm năng lao động chưa được khai thác tốt. Đáng lo hơn là Việt Nam đầu tư nhiều điệu kiện khác để tăng năng suất lao động như: Khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực…nhưng năng suất lao động lại không tăng tương xứng, như vậy là lãng phí nguồn lực đầu tư. Nếu không nỗ lực trong năm 2023, chỉ tiêu về tăng năng suất lao động trong cả giải đoạn 2021-2025 sẽ khó đạt được. Để tăng năng suất lao động, phải có sự quyết tâm của Chính phủ, tập trung cao độ của các bộ ngành, cũng như sự nỗ lực của nhiều lĩnh vực khác nhau.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga mong muốn: Thủ tướng Chính phủ sẽ có những quyết sách, chỉ đạo quyết liệt, tập trung cho vấn đề tăng năng suất lao động. Đy là yếu tố cơ bản, yếu tố quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, tác động đến nhiều chỉ tiêu khác trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 cũng như giai đoạn tới.
Bốn Bộ trưởng, Trưởng ngành sẽ ngồi “ghế nóng” trả lời chất vấn theo thứ tự, gồm: Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, và Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong.
Ngoài trách nhiệm trả lời chính của 4 Bộ trưởng, Trưởng ngành nêu trên, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các bộ trưởng, trưởng ngành khác sẽ tham gia trả lời chất vấn, giải trình thêm. Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của ĐBQH.