Đại biểu Nguyễn Thanh Phong (ĐBQH tỉnh Vĩnh Long) đặt câu hỏi: Trong thời gian qua một số dự án công trình công cộng của một số cơ quan đơn vị khi đưa vào sử dụng chưa hết thời gian bảo hành thì xuống cấp. Theo Bộ trưởng, Bộ sẽ có biện pháp xử lý như thế nào?
Trả lời đại biểu Lý Văn Huấn, Vương Quốc Thắng và Trần Văn Khải, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Liên quan đến câu hỏi quy hoạch thì đúng như ý kiến đã phát biểu trong quá trình thực hiện điều chỉnh quy hoạch có trường hợp điều chỉnh quy hoạch tuỳ tiện, không tuân thủ đúng pháp luật và yêu cầu quy chuẩn dẫn đến phá vỡ quy hoạch.
Nguyên nhân của tình trạng này là công tác rà soát, đánh giá không kịp thời như đã báo cáo Quốc hội. Trong quá trình đánh giá thì nội dung chưa đầy đủ, thấu đáo. Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư còn nặng tính hình thức, có tình trạng điều chỉnh quy hoạch cục bộ, do mong muốn đầu tư, hoặc nhà đầu tư dẫn đến không tính đến kỹ thuật hạ tầng đô thị.
Trách nhiệm là về cơ quan lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch. Xét về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, trong đó Bộ Xây dựng thiếu trách nhiệm trong việc thiếu đôn đốc, thiếu giám sát, hướng dẫn địa phương thận trọng trong điều chỉnh quy hoạch, thực hiện theo đúng quy trình của pháp luật quy hoạch đô thị. Bộ cũng chưa kịp thời rà soát quy định pháp luật để đảm bảo quy định chặt chẽ hơn, nhất là với điều chỉnh quy hoạch. Bộ cũng chưa kịp thời thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm.
Trong thời gian tới, Bộ tiếp tục rà soát cập nhật, bổ sung quy định, sửa đổi quy định pháp luật để đảm bảo quy định chặt chẽ trong việc điều chỉnh quy hoạch, cũng như cường thanh tra, kiểm tra. Đề nghị các địa phương thực hiện theo đúng quy định quy hoạch đô thị, thực hiện công tác điều chỉnh theo đúng quy định.
Liên quan câu hỏi của đại biểu Vương Quốc Thắng về đổi mới sáng tạo trong xây dựng… Bộ Xây dựng luôn hoan nghênh, khuyến khích, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức, các nhà khoa học, chuyên gia tham gia nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động xây dựng. Từ công tác khảo sát, thiết kế, thi công, quản lý, vận hành, bảo trì, di tu, cải tạo…
Thực hiện các chiến lược khoa học công nghệ của Chính phủ, cũng như chiến lược khoa học công nghệ của ngành, Bộ đã thể chế hoá việc sử dụng sáng chế áp dụng công nghệ mới để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Cụ thể, tại Luật Xây dựng sử đổi năm 2022 và các hướng dẫn sửa đổi Luật năm 2021 cũng đều có quy định các chính sách khuyến khích, nghiên cứu áp dụng khoa học công nghệ, áp dụng vào công trình để đảm bảo công trình sử dụng tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, phát triển đô thị sinh thái, thông minh, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững.
Bộ Xây dựng đã ban hành quy định pháp luật để áp dụng các nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng cũng như đảm bảo chính sách cho tổ chức, cá nhân nghiên cứu phát triển ứng dụng khoa học công nghệ trong sản suất vật liệu xây dựng tiết kiệ tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Liên quan đến chi phí đầu tư xây dựng thì Bộ đã ban hành nhiều Nghị định, Thông tư làm cơ sở để có căn cứ tính toán, chi phí đầu tư, suất đầu tư định mức đơn giá, vật liệu, nhân công, vật liệu, máy móc cho áp dụng công nghệ mới.
Qua đó, các sáng kiến, đổi mới sáng tạo, công nghệ mới đều được khuyến khích sáng tạo trong hoạt động đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, việc áp dụng là do chủ đầu tư quyết định. Bộ Xây dựng tạo điều kiện tổ chức hội nghị, hội thảo, tạo điều kiện tổ chức khoa học, các chuyên gia để tiếp cận sáng kiến, vật liệu mới, máy móc mới. Từ đó, các chủ đầu tư có thể sử dụng trong dự án đầu tư của mình.
Bộ Xây dựng ghi nhận ý kiến đại biểu để trong thời gian tới quan tâm hơn nữa vấn đề đổi mới sáng tạo cũng như áp dụng khoa học công nghệ trong hoạt động xây dựng. Xây dựng cơ chế chính sách sẽ quan tâm hơn nữa vấn đề này. Trước mắt xác định rõ dự thảo chiến lược xây dựng giai đoạn 2022 - 2030 đang được nghiên cứu và sắp sửa ban hành trong thời gian tới.
Liên quan đến ý kiến của Đại biểu về giải pháp, lộ trình thực hiện 1 triệu căn nhà xã hội.
Theo đề án trình Thủ tướng Chính phủ, đề án chia 2 giai đoạn: từ 2021-2025, trên cơ sở xác định nhà ở xã hội của các địa phương gửi về và khả năng nguồn lực đáp ứng nhu cầu này, Bộ trình xác định mục tiêu là 570.000 căn nhà, đáp ứng 46% nhu cầu; Giai đoạn 2025-2030 Bộ đã xác định trong đề án là 845.000 căn hộ, đáp ứng 57,3% nhu cầu.
Giải pháp thực hiện đề án này là thực hiện tổng thể đồng bộ nhiều giải pháp.Từ hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến nhà ở xã hội để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thời gian vừa qua. Đồng thời, triển khai thực hiện thủ tục: đất đai, đầu tư, quy hoạch nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội. Trong quá trình nghiên cứu chính sách quy định quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, đáp ứng đúng nhu cầu của đề án.
Với giải pháp đồng bộ, thực hiện quyết liệt và có sự hỗ trợ hiệu quả của Bộ, ngành địa phương và doanh nghiệp thì chúng ta tin tưởng sẽ thành công phát triển 1 triệu nhà ở xã hội, nhà ở cho cho công nhân.