Nhóm vấn đề đầu tiên được chất vấn thuộc lĩnh vực xây dựng, người trả lời chất vấn chiều 3/11 là Bộ trưởng Bộ Xây dựng với các nội dung: Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý phát triển đô thị của Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn; việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô Hà Nội.
Bên cạnh đó là nội dung quản lý thị trường bất động sản; việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản; việc xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động, nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và các thành phố lớn.
Quốc hội cũng sẽ chất vấn về trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng trong xây dựng, ban hành, thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, đơn giá, định mức trong xây dựng cơ bản; việc kiểm soát giá và bảo đảm nguồn nguyên, vật liệu để xây dựng các công trình, dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia.
Nhóm vấn đề chất vấn thứ hai thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông; nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực nội vụ; nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực thanh tra. Cuối cùng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của ĐBQH.
Bộ máy tổ chức không khoẻ sẽ ảnh hưởng tới điều hành
Theo ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai), Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: “Tôi đặc biệt quan tâm về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về tình trạng cán bộ công chức, viên chức (CCVC) nghỉ việc gia tăng trong thời gian gần đây, nhất là lĩnh vực, vị trí địa bàn đông dân cư, chịu nhiều áp lực công việc như viên chức y tế. Bộ Nội vụ có chức năng quản lý đa ngành, đặc biệt là con người. Nếu bộ máy không khoẻ, không tốt sẽ ảnh hưởng tới hàng loạt công tác điều hành”
Theo báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, tính từ ngày 1/1/2020 đến ngày 30/6/2022, số lượng CBCCVC nghỉ việc, thôi việc là 39.552 người, chiếm 1,94% tổng số biên chế được giao. Tỷ lệ CBCCVC ở địa phương nghỉ việc lớn hơn ở bộ, ngành và tỷ lệ nghỉ việc, thôi việc của viên chức chiếm tỷ lệ lớn 89,8%, tập trung ở 2 lĩnh vực giáo dục và y tế. Nhiều CBCCVC nghỉ việc, thôi việc ở khu vực công để chuyển sang làm việc ở khu vực tư. "Đây là điều hết sức bất thường và chúng ta cần phải xem lại những lý do vì sao bởi những người bỏ việc, có nhiều người được đào tạo bài bản", ĐBQH Trịnh Xuân An cho biết.
ĐBQH Trịnh Xuân An cũng quan tâm tới phần trả lời chất vấn của Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Giai đoạn hiện nay, vai trò của thanh tra trong đấu tranh phòng chống tham nhũng có ý nghĩa rất lớn. Trước khi xử lý các việc vi phạm pháp luật, công tác thanh tra, kiểm tra phải được đặc biệt quan tâm. “Nếu thanh tra làm tốt, phát hiện ngay từ đầu những sai phạm để nhắc nhở, hướng dẫn, chấn chỉnh sẽ hạn chế được những hậu quả lớn về sau, không phải xử lý nặng hơn. Với quyền hành được giao, công tác thanh tra cần thực thi hiệu quả và nỗ lực hơn nữa”, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết.
ĐBQH Hồ Thị Minh (Quảng Trị), Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh; Việc xử lý nghiêm, thu hồi tài sản tham nhũng trong công tác thanh tra sẽ tạo niềm tin cho nhân dân. Theo ĐBQH này, bốn nhóm vấn đề được lựa chọn chất vấn là: Xây dựng, thông tin và truyền thông, nội vụ và thanh tra là những vấn đề được nhiều ĐBQH và cử tri trên cả nước đặc biệt quan tâm.
Theo đại biểu Hồ Thị Minh, thời gian qua có rất nhiều vụ việc bị phát hiện nhờ công tác thanh tra, kiểm tra chỉ ra hạn chế khuyết điểm của cơ quan đơn vị, doanh nghiệp trong quản lý, thực hiện nhiệm vụ. Vai trò của thanh tra, kiểm tra ngày càng được nâng lên. Như Quốc hội đề xuất, CBCCVC trong lĩnh vực thanh tra được hưởng lương và đãi ngộ riêng để thực thi công việc một cách công minh, khách quan nhất.
“Hầu hết các vụ việc được thanh tra vào cuộc đều chỉ ra hạn chế khuyết điểm nhất định. Lâu lắm rồi, từ Quốc hội khoá XIV đến nay, giờ nội dung trong lĩnh vực thanh tra mới được đưa vào nhóm chất vấn. Nghị trường lần này có thể sẽ 'nóng' hơn khi nhắc tới các vụ việc, đại án vừa qua được triệt phá, trong đó vai trò của thanh tra phát hiện rất lớn. Tôi hy vọng, Thanh tra Chính phủ sẽ có các nội dung trả lời chất vấn làm hài lòng cử tri và nhân dân cũng như các ĐBQH trong nghị trường. Cử tri trên cả nước mong muốn việc thu hồi được tài sản thất thoát phải được thực hiện triệt để và phải xử lý nghiêm túc, đúng pháp luật đối với những tổ chức, cá nhân trong quá trình thanh tra phát hiện sai phạm”, ĐBQH Hồ Thị Minh cho biết.
Rất nhiều ĐBQH quan tâm tới phiên chất vấn lần này đối với Tổng Thanh tra Chính phủ. Công tác thanh tra được phát huy làm sao góp phần chống được tệ nạn tham nhũng, tiêu cực, thu hồi được tài sản do tham nhũng gây ra. Theo Thanh tra Chính phủ, về thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng năm 2022, trong số 2.739 việc có điều kiện thi hành, tương ứng với 43.593 tỷ 296 triệu đồng, đã thi hành xong 1.895 việc, tương ứng với 15.989 tỷ 592 triệu đồng.
"Kết quả thu hồi tài sản tham nhũng năm sau cao hơn năm trước nhưng việc thu hồi tài sản do tham nhũng vẫn đạt tỷ lệ thấp. Đây là một trong những hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay. Có những vụ việc, đoàn thanh tra trước không phát hiện tiêu cực, đoàn thanh tra sau lại phát hiện ra sai phạm. Vậy, việc xử lý đối với đoàn thanh tra trước ra sao? Thậm chí tại đợt thanh tra trước, lực lượng chức năng biết sai phạm nhưng “giơ cao đánh khẽ”; có nội dung cần thanh tra thì làm ngơ. Vậy có biện pháp nào để xử lý trưởng đoàn và thành viên đoàn thanh tra về kết quả thanh tra đảm bảo sự công minh, công bằng, khách quan, không tiêu cực", ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, ông Phạm Văn Hoà cho biết.
Quan tâm chế độ chính sách đối với người lao động
Theo ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Phạm Văn Hoà, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, trong phiên chất vấn lần này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cần đưa ra những giải pháp cụ thể trong việc gỡ khó những bất cập của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố (về số lượng người làm việc, chế độ, chính sách…) nhất là công chức cấp xã dôi dư sau sắp xếp.
Hiện chưa có hướng dẫn rõ về chế độ được hưởng khi thôi việc đối với đối tượng là cán bộ cấp xã và chế độ phụ cấp công vụ đối với cán bộ cấp xã là người đang hưởng chế độ hưu trí hoặc trợ cấp mất sức lao động. “Đối với lĩnh vực xây dựng, tôi quan tâm tới nhà ở cho công nhân, người lao động ở khu công nghiệp. Việc giá nhà tăng nhưng thanh khoản thấp, liệu thị trường bất động sản có xuất hiện “bong bóng”, điều này có gây ảnh hưởng tới các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản? Vấn đề về chung cư cũ, quá hạn sử dụng hoặc xuống cấp trầm trọng nhưng công tác cải tạo, di dời vẫn “dậm chân tại chỗ’ sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, rủi ro cho cộng đồng cư dân trong khu vực”, ĐBQH Phạm Văn Hoà nhấn mạnh.
ĐBQH tỉnh Đồng Nai, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Nguyễn Thị Như Ý kỳ vọng phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về tiến độ thực thi 1 triệu căn nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp.
“Nếu được chất vấn, tôi sẽ quan tâm tới lĩnh vực xây dựng. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị mới đây đã trình Chính phủ Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030. Đồng Nai là một trong những tỉnh có đông công nhân, khu công nghiệp nên đây là vấn đề tôi quan tâm”, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý cho biết.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ĐBQH Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) đề nghị: “Tôi mong các Bộ trưởng tại kỳ họp này trả lời thẳng vào các vấn đề được chất vấn, đưa ra giải pháp tháo gỡ cụ thể, nếu được quy định cam kết thời gian thực hiện”.
*Clip chia sẻ của ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) và ĐBQH Hồ Thị Minh (Quảng Trị) bày tỏ mong muốn phiên chất vấn các thành viên Chính phủ được hiệu quả, các vấn đề được giải quyết thấu đáo, nhanh chóng: