Người dân thực hiện giao dịch tại Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: Hứa Chung/TTXVN
Sau sắp xếp, UBND Thành phố Hồ Chí Minh còn 15 cơ quan chuyên môn và Sở An toàn thực phẩm
Trong tờ trình gửi UBND Thành phố Hồ Chí Minh về việc sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập, Sở Nội vụ Thành phố xây dựng phương án giảm từ 21 cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố xuống còn 15 cơ quan. Trong đó, Thành phố thành lập Sở Giao thông Công chánh trên cơ sở tổ chức lại Sở Giao thông vận tải.
Cụ thể, 15 cơ quan chuyên môn gồm Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Sở Xây dựng, Sở Giao thông Công chánh, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch, Sở Dân tộc và Tôn giáo, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tư pháp, Sở Công Thương, Văn phòng UBND Thành phố, Thanh tra Thành phố và Sở An toàn thực phẩm thí điểm thành lập theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội. Trong đó, Sở Giao thông Công chánh được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Sở Giao thông Vận tải và tiếp nhận Văn phòng Thường trực Ban An toàn giao thông, một số chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về hạ tầng từ Sở Xây dựng.
Sở Nội vụ được tổ chức lại trên cơ sở hợp nhất Sở Nội vụ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về lao động, tiền lương, việc làm; người có công; an toàn, vệ sinh lao động; bảo hiểm xã hội; bình đẳng giới từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Sở Dân tộc và Tôn giáo được thành lập trên cơ sở sáp nhập Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ vào Ban Dân tộc. Sở Tài nguyên và Môi trường được tổ chức lại trên cơ sở hợp nhất Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Sở Văn hóa và Thể thao được tổ chức lại trên cơ sở tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản từ Sở Thông tin và Truyền thông. Sở Tài chính được tổ chức lại trên cơ sở hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và tiếp nhận Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp Thành phố. Sở Xây dựng được tổ chức lại trên cơ sở hợp nhất Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch - Kiến trúc; chuyển chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Thành phố (từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông chuyển sang) và Văn phòng Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo bền vững Thành phố (từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) về Phòng Kinh tế thuộc Văn phòng UBND Thành phố.
Sở Y tế được tổ chức lại trên cơ sở tiếp nhận lĩnh vực quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội; Quản lý sử dụng Quỹ Bảo trợ trẻ em từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Sở Giáo dục và Đào tạo được tổ chức lại trên cơ sở tiếp nhận lĩnh vực quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Sở Công Thương được tổ chức lại trên cơ sở tiếp nhận Cục Quản lý thị trường Thành phố từ Bộ Công Thương và Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Cùng với đó, Sở Nội vụ cũng đề xuất phương án giao Công an Thành phố tiếp nhận một số chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước từ một số sở khác. Các cơ quan chuyên môn còn lại tinh gọn giảm đầu mối tổ chức bên trong.
Các cơ quan hành chính khác thuộc UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng giảm từ 8 cơ quan xuống còn 3 cơ quan sau sắp xếp gồm: Văn phòng Đoàn Đại biểu quốc hội và HĐND Thành phố, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và công nghiệp Thành phố.
Ngoài ra, 35 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND Thành phố, sau sắp xếp sẽ giảm xuống còn 32 đơn vị. Trong đó, Đài Truyền hình Thành phố, Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố và các đơn vị Báo Pháp luật Thành phố, Tạp chí Giáo dục Thành phố, Tạp chí Du lịch Thành phố, Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Khoa học phổ thông thực hiện sắp xếp, tinh gọn theo lộ trình của Đề án sắp xếp các cơ quan báo chí.
Ở các quận huyện và thành phố Thủ Đức, sau sắp xếp, UBND thành phố Thủ Đức có 14 cơ quan (giảm 2 cơ quan); các quận huyện còn 10 cơ quan (giảm 2 cơ quan).
10 cán bộ cấp phòng Công an tỉnh Hưng Yên nghỉ công tác trước tuổi
Đại tá Nguyễn Thanh Trường, Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên trao quyết định cho các cán bộ xin nghỉ hưu trước hạn tuổi. Ảnh: TTXVN phát
Ngày 17/2, Công an tỉnh Hưng Yên tổ chức Lễ Công bố và trao quyết định nghỉ công tác đối với 4 cán bộ xin nghỉ hưu trước hạn tuổi là Đại tá Nguyễn Quang Trung, Chánh Thanh tra Công an tỉnh; Đại tá Nguyễn Văn Học, Trưởng phòng Kỹ thuật Hình sự; Đại tá Nguyễn Văn Đường, Trưởng phòng Cảnh sát cơ động và Thượng tá Đỗ Văn Tiến, Giám thị Trại tạm giam.
Tại buổi lễ, Đại tá Nguyễn Thanh Trường, Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên biểu dương và đánh giá cao sự đóng góp của các cán bộ xin nghỉ hưu trước hạn tuổi; đồng thời khẳng định các đồng chí đã luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy, nhiệt huyết với công việc và có những đóng góp quý báu trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, được các cấp ghi nhận và trao tặng các danh hiệu, nhiều phần thưởng cao quý.
Đại tá Nguyễn Thanh Trường mong muốn, các cán bộ về nghỉ công tác tiếp tục giữ mối liên hệ với Công an tỉnh, phát huy phẩm chất đạo đức của người cán bộ Công an, bằng những kinh nghiệm quý báu của bản thân tích cực đồng hành và luôn quan tâm, theo dõi, có nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm đối với công tác bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng lực lượng Công an tỉnh ngày càng vững mạnh, giúp đỡ lực lượng công an cơ sở trong thực hiện nhiệm vụ, là hạt nhân nòng cốt trong phong trào "Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc" và giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Thời gian qua, Công an tỉnh Hưng Yên đã chủ động, quyết liệt thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Công an Trung ương về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Kết quả, có 10 cán bộ là Trưởng phòng, Trưởng Công an cấp huyện có nguyện vọng xin nghỉ công tác trước hạn tuổi và được Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh xem xét, giải quyết đối với từng trường hợp theo đúng quy định.