Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN
Nâng cao năng lực, chất lượng của đội ngũ cán bộ
Tại kỳ họp, HĐND tỉnh Vĩnh Long đã tiến hành miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐND tỉnh và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND tỉnh Vĩnh Long khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Bùi Văn Nghiêm đã được Bộ Chính trị điều động, bổ nhiệm Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương.
Kỳ họp đã xem xét, thông qua 9 Nghị quyết quan trọng về: Điều chỉnh một số chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; Quyết định thành lập, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; cho ý kiến về tác động của việc thực hiện Dự án đầu tư xây dựng cầu Đình Khao; Quy định chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và đối tượng theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Quy định giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh...
HĐND tỉnh đã thống nhất thông qua một số điều chỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của tỉnh như: Tổng sản phẩm GRDP tăng 8,0 - 8,5%; tỷ trọng kinh tế phi nông nghiệp từ 64,9%; GRDP bình quân đầu người 95,7 triệu đồng/người/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,1 tỷ USD; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 19.800 tỷ đồng; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 17,5%; tổng khách du lịch đến tỉnh từ 2,15 triệu lượt khách, doanh thu 1.150 tỷ đồng...
Sắp xếp lại các đơn vị theo hướng tinh gọn, Vĩnh Long sẽ tổ chức lại Sở Nội vụ trên cơ sở hợp nhất Sở Lao động – Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ. Hợp nhất Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng; Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính; Sở Thông tin và Truyền thông với Sở Khoa học và Công nghệ.
Tổ chức lại Sở Y tế trên cơ sở thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Sở hiện nay và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội. Tổ chức lại Sở Công Thương trên cơ sở thực hiện chức năng, nhiệm vụ hiện nay và tiếp nhận nguyên trạng Cục Quản lý thị trường.
Tổ chức lại Sở Giáo dục và Đào tạo trên cơ sở thực hiện chức năng, nhiệm vụ hiện nay và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và tiếp nhận nguyên trạng Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên từ UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Tổ chức lại Sở Nông nghiệp và Môi trường trên cơ sở hợp nhất Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tiếp nhận nhiệm vụ quản lý nhà nước về giảm nghèo từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Tổ chức lại Sở Dân tộc – Tôn giáo trên cơ sở Ban Dân tộc hiện nay, tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo từ Sở Nội vụ và bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về dân tộc. Tổ chức lại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trên cơ sở thực hiện chức năng, nhiệm vụ hiện nay và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý về báo chí, xuất bản từ Sở Thông tin và Truyền thông.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Minh Dũng phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Minh Dũng đề nghị, UBND tỉnh thực hiện công bố các Quyết định về tổ chức, bộ máy các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh để hoạt động ngay, không để có khoảng trống pháp lý, đảm bảo hoạt động liên tục, hiệu lực, hiệu quả.
Sóc Trăng tổ chức lại 16 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh
Cùng ngày, tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng thứ 29, các đại biểu đã thống nhất thông qua một số nội dung quan trọng, trong đó có việc thông qua Tờ trình của UBND tỉnh Sóc Trăng về việc thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh.
Các đại biểu biểu quyết thông qua một số nội dung tại kỳ họp. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN
Cụ thể, Sóc Trăng sẽ duy trì 2 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, gồm Văn phòng UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh; thực hiện tổ chức lại 16 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính, có tên mới là Sở Tài chính, có 71 biên chế công chức, 7 tổ chức hành chính và một đơn vị sự nghiệp công lập.
Hợp nhất Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng, thành Sở Xây dựng, với 76 biên chế công chức. Hợp nhất Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành tên mới là Sở Nông nghiệp và Môi trường, có 199 biên chế.
Hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ thành Sở Khoa học và Công nghệ (mới), có 48 biên chế công chức. Hợp nhất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nội vụ thành Sở Nội vụ, có 72 biên chế công chức. Thành lập Sở Dân tộc và Tôn giáo trên cơ sở Ban Dân tộc, tiếp nhận thêm tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo từ Sở Nội vụ, với 30 biên chế công chức. UBND tỉnh cũng sắp xếp, điều chỉnh một số tổ chức, đơn vị bên trong của một số Sở, ngành liên quan cho phù hợp.
Sau khi sắp xếp, Bộ máy hành chính UBND tỉnh giảm 5 cơ quan tổ chức, giảm 21 tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh (gồm 15 phòng, 3 Chi cục tương đương và 3 đơn vị sự nghiệp công lập); giảm 5/18 sở, ngành, tương đương giảm 27,8% số cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh; giảm 18/110 đơn vị thuộc Sở…
Ngoài ra, HĐND tỉnh Sóc Trăng đã thống nhất thông qua một số nội dung quan trọng khác như điều chỉnh một số chỉ tiêu chủ yếu tại nghị quyết của tỉnh, trong đó có điều chỉnh về tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội từ 7,5%/năm 2025 lên 8%; mức thu nhập đầu người từ 75 triệu đồng lên 75,5 triệu đồng/người/năm 2025; tổng sản lượng thủy hải sản từ 417.000 tấn lên 423.700 tấn; Giá trị sản phẩm thu hoạch trên một ha đất trồng trọt từ 250 triệu đồng ha lên 254 triệu đồng ha...