Góp ý dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) và Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi)

Ngày 13/4, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) và Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi).

Các đại biểu đã đi sâu phân tích, đối chiếu những điểm mới trong dự thảo sửa đổi; góp ý cụ thể vào từng điều, khoản được cơ quan soạn thảo bổ sung, thay thế cho Luật ban hành trước đó.

Các đại biểu cho rằng dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) và Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) khá tinh gọn song cần bổ sung thêm nhiều nội dung sát thực đến hoạt động và tính chất vận hành của ngành đường sắt cũng như lĩnh vực chuyển giao công nghệ.

Đối với dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), đại biểu Sở Giao thông Vận tải Hà Nội kiến nghị sửa Khoản 2 và Khoản 3 Điều 23 thành: "2. Phạm vị bảo vệ công trình đường sắt là giới hạn được xác định bởi khoảng không phía trên, vùng đất phía dưới, vùng mặt nước phía dưới và dải đất hai bên liền kề với công trình …” và “3. Hành lang an toàn giao thông đường sắt là phạm vi được xác định bởi khoảng không phía trên, vùng đất phía dưới, vùng mặt nước phía dưới và dải đất hai bên liền kể với phạm vi bảo vệ đường sắt…” để tương thích với Luật Giao thông đường bộ và thực tế đường sắt hiện nay.

Đại diện Sở Giao thông Vận tải cũng đề nghị xem xét, nghiên cứu lại Điều 42 để phù hợp, đồng bộ. Tại Điểm a Khoản 4 Điều 70 kiến nghị sửa “Không được trồng cây, xây dựng công trình trái phép trong phạm vi hành lang” thành “Không được xây dựng công trình trái phép trong phạm vi hành lang;”.

Kiến nghị sửa đổi Khoản 1 Điều 71 thành: “1. Đường sắt đô thị bao gồm đường tàu điện ngầm, đường tàu điện trên cao, đường tàu điện đi trên mặt đất, đường sắt một ray tự động dẫn hướng và đường xe điện bánh sắt”. Điều 76 cần bổ sung quy định về hệ thống vé sử dụng trong đường sắt nói chung và đường sắt đô thị nói riêng.

Việc sử dụng vé phải đảm bảo hiện đại, tính kết nối giữa các loại hình vận tải hành khách, thuận lợi cho việc sử dụng của người dân và quản lý của cơ quan Nhà nước. Đại biểu kiến nghị nghiên cứu bổ sung về nguồn tài chính cho quản lý, bảo trì phương tiện giao thông đường sắt, trách nhiệm xử lý khi xảy ra sự cố kết cấu hạ tầng đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt của doanh nghiệp và các bên liên quan...

Đại biểu Nguyễn Văn Hồng - Cục Hải quan thành phố Hà Nội đề xuất trong Luật này cần có thêm 1 điều về giải quyết khiếu nại và bồi thường thiệt hại cho hành khách, hàng hóa và hành lý. Các đại biểu khác cho rằng trong Điều 21 quy định về trách nhiệm của chủ đầu tư quá lớn, cần phải chuyển bớt trách nhiệm cho cơ quan quản lý chuyên ngành và chính quyền địa phương.

Tại Điều 53 nên tách quản lý hệ thống đường sắt và kinh doanh vận tải đường sắt thành 2 tổ chức độc lập. Việc quy định đường sắt giao khác mức với đường đô thị tại Điều 17 cũng cần quy định rõ cập hạng đường nào, nếu không sẽ khó triển khai trong thực tiễn.


Góp ý Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi), đại biểu Lê Minh Hiền - Sở Khoa học Công nghệ Hà Nội nhấn mạnh: Điều 27 là điều từ khi xây dựng đến lấy ý kiến có nhiều ý kiến trái chiều nhất, đại biểu nhất trí với Điểm a, Điểm b, Khoản 1 nhưng đề nghị bỏ cụm từ “trên trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận” ở Điểm c. Tại Khoản 1, Điều 13 đại biểu cho rằng phải có sự đồng bộ giữa các Luật, ở Khoản 2 cần định nghĩa khái niệm dự án đầu tư tác động xấu đến môi trường là như thế nào?

Góp ý với Luật này, đại biểu Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài đề xuất nên quy định rõ trách nhiệm trong tiếp nhận chuyển giao công nghệ. Chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam thì người nhận chuyển giao là người có trách nhiệm cao nhất, ngoài ra trách nhiệm của cơ quan tư vấn, cơ quan quản lý Nhà nước. Nên quy định rõ để kiểm soát công nghệ vào Việt Nam. Hội đồng thẩm định nên tận dụng cao nhất các nhà khoa học của Việt Nam. Nên mặc định trong Luật, Hội đồng thẩm định gồm những thành phần “cứng” sẽ tránh tình trạng Hội đồng thẩm định cấp tỉnh không đảm bảo điều kiện.

Phát biểu tại hội nghị, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội Ngọ Duy Hiểu ghi nhận, tiếp thu và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Những ý kiến này sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tổng hợp trình Quốc hội trong kỳ họp tới.

Tuyết Mai (TTXVN)
Góp ý Dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi)
Góp ý Dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi)

Tại Hà Nội, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức cuộc họp Ban soạn thảo Dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN