Góp ý Dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi)

Chiều 14/1, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức cuộc họp Ban soạn thảo Dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi).

Chủ trì cuộc họp, đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Trưởng ban soạn thảo Dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) nhấn mạnh: Việc nghiên cứu, xây dựng Dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) nhằm mục tiêu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, nghiêm minh, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đồng chí Trương Hòa Bình phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN


Theo Ban soạn thảo, Dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) gồm 20 chương, 305 điều; trong đó giữ nguyên 137 điều, sửa đổi, bổ sung 127 điều, bỏ 1 điều của Luật Tố tụng hành chính hiện hành và bổ sung 41 điều mới. So với Luật tố tụng hành chính hiện hành thì dự thảo Luật tăng thêm 2 chương và 40 điều.

Cụ thể, Dự thảo sửa đổi, bổ sung: Những quy định chung (Chương I); thẩm quyền của Tòa án (Chương II); cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và việc thay đổi người tiến hành tố tụng (Chương III); người tham gia tố tụng, quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng (Chương IV); các biện pháp khẩn cấp tạm thời (Chương V); chứng minh và chứng cứ (Chương VI); khởi kiện, thụ lý vụ án (Chương VIII); chuẩn bị xét xử (Chương IX); phiên tòa sơ thẩm (Chương X); thủ tục phúc thẩm (Chương XII); thủ tục giám đốc thẩm (Chương XIII); thủ tục tái thẩm (Chương XIV); thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (Chương XVI); thủ tục thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính (Chương XVII). Dự thảo cũng bổ sung 2 chương mới là: Phát hiện và kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án hành chính (Chương VIII); thủ tục rút gọn (Chương XVI).

Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi). Trong đó, thảo luận về những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, đa số ý kiến cho rằng Luật Tố tụng hành chính được ban hành năm 2011 đã mở rộng thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân đối với các khiếu kiện hành chính. Vì vậy, cần giữ nguyên quy định hiện hành, nhưng cần bổ sung quy định việc loại trừ cả quyết định xử lý hành chính của Tòa án nhân dân để bảo đảm tính khả thi. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần mở rộng hơn nữa thẩm quyền của Tòa án đối với khiếu kiện hành chính.

Về vấn đề trên, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Thị Thủy Khiêm đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc trong việc mở rộng thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân đối với các khiếu kiện hành chính. Bởi hiện nay, Luật Tố tụng hành chính đang loại trừ việc giải quyết đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức nhằm bảo đảm tính ổn định trong hoạt động quản lý, điều hành nội bộ của cơ quan, tổ chức. Các quyết định hành chính, hành vi hành chính này đều đã có cơ chế để xem xét lại theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, pháp luật về khiếu nại.

Bên cạnh đó, nếu mở rộng thẩm quyền của Tòa án trong việc giải quyết khiếu nại đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính loại này trong điều kiện chưa tính toán kỹ số lượng vụ án gia tăng với nguồn lực bảo đảm của Tòa án nhân dân là thiếu thận trọng. Vì vậy, lần sửa đổi này chưa nên mở rộng thẩm quyền của Tòa án trong việc giải quyết khiếu kiện đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ.

Đối với địa vị pháp lý của Viện Kiểm sát trong tố tụng hành chính, một số ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện hành, tức là Viện Kiểm sát là cơ quan tiến hành tố tụng hành chính, Viện trưởng Viện Kiểm sát, Kiểm sát viên là người tiến hành tố tụng hành chính.

Tuy nhiên, một số ý kiến khác đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc về địa vị pháp lý của Viện Kiểm sát trong tố tụng hành chính. Vấn đề này, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) cần khẳng định mạnh mẽ hơn nữa sự tham gia của Viện Kiểm sát trong tố tụng hành chính. Bên cạnh việc tiếp tục kế thừa các quy định của Luật Tố tụng hành chính hiện hành, cần quy định rõ về thẩm quyền tham gia tất cả các phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ án hành chính của Kiểm sát viên và quyền phát biểu quan điểm giải quyết vụ án.

Liên quan đến phân định thẩm quyền của Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, các đại biểu đề nghị, Tòa án cấp huyện phải mở rộng tất cả các quyết định hành chính chứ không chỉ riêng về lĩnh vực đất đai. Đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong lĩnh vực quản lý đất đai, nên giao cho Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết sơ thẩm…

Các đại biểu dự cuộc họp cũng đã góp ý về: Thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm; thủ tục rút gọn; lệ phí xem xét đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm...


Nguyễn Cường (TTXVN)
Luật sư gặp nhiều vướng mắc khi tham gia tố tụng hành chính

Sáng 3/11, đại diện Thanh tra Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao và gần 150 luật sư đã tham gia thảo luận, trao đổi ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo “Luật sư tham gia tố tụng hành chính - Thực trạng và giải pháp” do Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội tổ chức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN